Để trẻ không bị bạo hành
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:11, 01/12/2017
Ai cũng bức xúc khi xem video clip về những em bé vô tội bị các cô bảo mẫu đánh đập ở Trường Mầm non tư thục Mầm Xanh (quận 12, TP Hồ Chí Minh). Mọi người cũng phẫn nộ trước cảnh người giúp việc vô lương tâm đánh đập, tung hứng em bé mới chỉ hơn 1 tháng tuổi ở Phủ Lý (Hà Nam).
Quá đau lòng khi chỉ hơn một tuần qua, liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc trẻ em bị đối xử thô bạo. Thậm chí có trẻ em vô tội đã bị người lớn tước đi mạng sống...
Những em bé ngây thơ ấy có tội gì? Còn bao nhiêu em bé đang bị bạo hành, đánh đập, bị đối xử tàn tệ mà chưa bị phát giác?
Làm sao để có thể phát hiện khi chính những người gần gũi nhất, chăm sóc, nuôi dưỡng các em hằng ngày lại hành xử thô bạo với trẻ. Càng khó phát hiện vì hầu hết các bậc cha mẹ đều tin tưởng, yên tâm khi gửi gắm các em đến lớp, giao cho giáo viên, bảo mẫu, người giúp việc trông coi, chăm sóc. Và còn có rất nhiều gia đình, nhóm trẻ, lớp học chưa có điều kiện lắp đặt camera giám sát. Kể cả khi có hệ thống camera giám sát thì cũng còn nhiều khu vực như nhà vệ sinh không được phép lắp đặt vì vi phạm quyền riêng tư...
Ngụy biện cho những hành động tội ác với con trẻ, những kẻ bạo hành trẻ thường tự nhận là do thiếu bình tĩnh, nóng nảy vì trẻ khóc quấy, nghịch ngợm. Ngụy biện như trên thể hiện sự thiếu hụt kiến thức pháp luật và thiếu đạo đức. Nhiều người trong số đó là phụ nữ và cũng là mẹ. Vì vậy, hơn ai hết, họ phải hiểu trẻ em luôn hiếu động, thích nô đùa, chơi nghịch. Người nuôi dưỡng trẻ có lương tâm, tình cảm sẽ có cách để cho trẻ ăn ngon miệng, giúp trẻ phát triển về thể chất, tinh thần. Nuôi dạy trẻ em là không bao giờ được phép dùng đến bạo lực.
UBND TP Hồ Chí Minh đã phải tổ chức khẩn phiên họp báo liên quan đến vụ bạo hành trẻ em ở Trường Mầm non tư thục Mầm Xanh. Chưa bao giờ việc bảo vệ con trẻ khỏi những hành xử thô bạo của chính các cô giáo, những người chăm sóc các em hằng ngày, lại phải khẩn trương, gấp rút đến thế. Giải pháp bước đầu được đưa ra là lắp đặt camera giám sát ở toàn bộ các nhóm, lớp, trường học. Nhưng đó cũng mới chỉ là giải pháp tình thế.
Giáo dục trẻ cần có sự phối hợp rất nhiều yếu tố: cơ sở vật chất, môi trường giáo dục, mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường, giáo viên. Trước hết, chính quyền mỗi địa phương cần tiếp tục quan tâm về cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục. Việc kiểm tra nghiệp vụ các cô giáo, các nhà trường cần được tổ chức thường xuyên, chú trọng đến vấn đề đạo đức nghề. Kiên quyết xử lý những cơ sở không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, người chăm sóc trẻ. Mỗi nhà trường, cơ sở giáo dục phải bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn về đội ngũ. Người đứng đầu phải giám sát nghiêm, chịu trách nhiệm về toàn bộ hành vi cư xử của cán bộ, nhân viên với con trẻ.
Mỗi phụ huynh cũng chính là người bảo vệ con em mình an toàn nhất khi thường xuyên theo dõi sức khỏe thể chất, tâm lý của trẻ; tìm hiểu kỹ, có cách theo dõi, quản lý người chăm sóc con, không chủ quan phó thác con cho các điểm giữ trẻ, người giúp việc.
Ở tỉnh ta có số lượng lớn các cơ sở giáo dục mầm non và các nhóm, lớp trông giữ trẻ, rất nhiều cơ sở chưa có điều kiện lắp đặt hệ thống camera giám sát, nhiều bảo mẫu, người trông giữ trẻ chưa qua đào tạo. Trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra vụ việc người trông giữ đánh trẻ.
Ngành giáo dục và đào tạo cần tăng cường công tác quản lý, đồng thời huy động sự ủng hộ của các bậc phụ huynh, của chính quyền mỗi địa phương để bảo đảm cho các em được học tập, vui chơi, sinh sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.
LINH AN