Nam Sách giảm rác thải nông thôn
Môi trường - Ngày đăng : 09:37, 02/12/2017
Lãnh đạo UBND huyện Nam Sách tặng quà công nhân, lao động vệ sinh môi trường
Người dân vào cuộc
Ông Vũ Xuân Thành, Trưởng thôn Phong Trạch, xã Phú Điền cho biết thôn chỉ có 185 hộ với 590 nhân khẩu nhưng nhiều năm qua đã khổ vì rác thải. Cả thôn có 1 bãi rác tập trung rộng 500 m2 đến nay đã lấp kín quá nửa. Thôn nhỏ, bãi rác lại gần khu dân cư nên bà con luôn phải ngửi mùi xú uế. Ông Thành và người dân trong thôn rất phấn khởi vì thôn Phong Trạch cùng với thôn An Thường (Nam Chính) được huyện chọn thí điểm thu gom, phân loại và xử lý rác thải theo Đề án "Thu gom và xử lý rác thải tại khu vực thôn, khu dân cư trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020" của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Đề án được xây dựng nhằm khắc phục những hạn chế trong thu gom, xử lý rác thải khu vực nông thôn và từng bước xã hội hóa công tác thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn.
Bước đầu triển khai đề án, tại 2 thôn làm điểm, huyện tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phân loại, xử lý rác thải tại gia đình nhằm giảm lượng rác dồn về bãi rác tập trung. Mỗi gia đình cam kết phân loại rác tại nhà được hỗ trợ 2 thùng nhựa loại 20 lít để phân loại rác dễ phân hủy và khó phân hủy. Đối với rác hữu cơ dễ phân hủy, các gia đình tự xử lý tại hố chôn lấp rác làm phân bón, hoặc ủ hoai mục trong vườn. Rác tái chế được tập kết lại để thu gom riêng. Rác không tái chế sẽ được tổ vệ sinh môi trường thu gom định kỳ và xử lý tại bãi chôn lấp rác tập trung. Dự kiến, huyện sẽ trích hơn 196 triệu đồng hỗ trợ dụng cụ chứa rác cho 469 hộ ở 2 thôn.
Ông Nguyễn Huy Chính, Chủ tịch UBND xã Phú Điền cho biết xã đã sử dụng nguồn kinh phí môi trường và huy động xã hội hóa để mua chế phẩm vi sinh hỗ trợ các hộ xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình.
Mỗi thôn làm điểm sẽ thành lập tổ tự quản vệ sinh môi trường với lực lượng nòng cốt là học sinh, thanh niên, phụ nữ, nông dân. Các xã có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc nhân dân, tổ vệ sinh môi trường thu gom, xử lý rác thải đúng quy định.
Nam Sách đang vận động người dân 2 thôn làm điểm ký cam kết. Sau khi thực hiện 1năm, huyện sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm. Nếu mô hình đạt hiệu quả sẽ nhân rộng ra các thôn, xã khác.
Huy động nguồn lực
Từ năm 2011 - 2015, Nam Sách đã trích ngân sách 2,3 tỷ đồng chi cho công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường; hỗ trợ 988 bộ quần áo bảo hộ lao động cho các tổ thu gom rác thải tại các thôn, khu dân cư, 451 chiếc xẻng, 368 chiếc cào, gần 1.800 đôi găng tay, ủng, 216 xe chở rác đẩy tay, 56 xe cải tiến chở rác...
5 năm qua, Nam Sách đã tranh thủ các nguồn được 6,5tỷ đồng để xây các bãi rác tập trung. Đến nay, toàn huyện có 11 trong tổng số 19 xã, thị trấn có bãi chôn lấp rác thải tập trung với quy mô trung bình từ 0,3-0,4 ha/ bãi; 62 bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tại các thôn của 15 xã. Các thôn, khu dân cư trong huyện đều có nơi tập kết, chôn lấp rác thải. Toàn huyện còn có 164 hố chứa rác thải phát sinh trong sản xuất nông nghiệp nằm rải rác tại các cánh đồng.
Huyện hiện có 122 tổ vệ sinh môi trường tại các thôn, mỗi tổ có từ 2-4 người, 1 HTX vệ sinh môi trường tại thị trấn Nam Sách. Phí vệ sinh môi trường trung bình ở các xã khoảng 2.000-3.000 đồng/người/tháng; riêng khu vực thị trấn thu 20.000 đồng/hộ/tháng. Ở các xã, các tổ thu gom rác thải 2-3 ngày/lần; thị trấn thu gom 1 lần/ngày.
Tuy nhiên, phần lớn rác thải tại khu vực nông thôn của huyện mới chỉ được thu gom, chưa phân loại, xử lý. Một số bãi rác tập trung của các thôn còn gần khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ lấp đầy ở nhiều bãi rác tập trung của các xã đã đạt khoảng 60-70%. Việc xử lý bằng chế phẩm sinh học tại các bãi chứa rác còn hạn chế do các xã thiếu kinh phí. Phương tiện, trang thiết bị và lực lượng tham gia thu gom rác thải còn thiếu; mức thu phí vệ sinh thấp, không bảo đảm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải... Đây là những hạn chế Nam Sách cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới.
LINH VY