Cán bộ lười học lý luận chính trị: Đáng lo

Chính trị - Ngày đăng : 08:48, 04/12/2017

Lười học lý luận chính trị (LLCT) là thực trạng đáng lo ngại, xảy ra ở nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Một số người thường viện cớ không chính đáng để xin nghỉ một số buổi học, tiết học. Trên lớp, họ không chú ý nghe giảng, ngại phát biểu nhưng lại hay nói chuyện, làm việc riêng. Họ hiếm khi tự học, ôn bài, thậm chí giáo trình cũng không đọc. Đến lúc sắp thi, họ cuống cuồng “học tủ”, “học vẹt”, tìm cách chạy chọt, gian lận. Thời gian lẽ ra dành cho học tập thì họ dành để nhậu nhẹt, chơi bời. Tiền của họ không để đầu tư cho tri thức mà vung vào những cuộc ăn chơi vô bổ.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng này. Đó là một biểu hiện của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị: “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập LLCT; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26.5.2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho cán bộ lãnh đạo, quản lý có nêu nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều cán bộ, đảng viên coi mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng LLCT để có bằng cấp, chứng chỉ theo chức danh; có xu hướng thích đi học hệ tại chức, tạo ra sự mất cân đối giữa hệ tại chức và tập trung.

Ngoài nguyên nhân trực tiếp do một bộ phận cán bộ thiếu quyết tâm, nỗ lực trong học tập LLCT, còn có nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ tư duy “học để làm quan”. Có những người hồi nhỏ chăm học, sau này thành đạt, trở thành cán bộ rồi tự mãn, không tự học suốt đời. Một số trường hợp lúc nhỏ có bố mẹ, giáo viên rèn cặp thì tích cực học, đến khi đi làm, tự lập rồi thì tự cho mình được “nghỉ ngơi”. Ngoài ra cũng cần nói tới những nguyên nhân khách quan như việc quản lý của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng LLCT có mặt còn yếu kém; khâu ra đề thi chưa khuyến khích học viên tự học; một số giảng viên giảng dạy khô khan, thiếu thực tiễn…

Bác Hồ nhấn mạnh: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”. Muốn lãnh đạo được quần chúng thì trước hết cán bộ, đảng viên phải nêu gương về học tập, mà trước hết là học LLCT. Những người thiếu hiểu biết về LLCT sẽ dễ rơi vào các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà Đảng đã chỉ ra như phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái; nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Những cán bộ như vậy chắc chắn không đáp ứng yêu cầu công việc.

Lê-nin khẳng định không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng. Khi đến thăm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc vào tháng 9.1949, Bác Hồ căn dặn cán bộ: Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại; muốn đạt được mục đích thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Học LLCT là nhiệm vụ rất quan trọng của mỗi cán bộ. Do vậy, mỗi người cần học nghiêm túc, thực chất, hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cử cán bộ đi học tập LLCT cần gắn kết quả học tập với các khâu khác trong công tác cán bộ. Nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, cách thức quản lý của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng LLCT cần được đổi mới để góp phần nâng cao chất lượng học tập.


TÍCH LỊCH HỎA