Nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu. Bài cuối: Thủy triều dâng, hạ lưu gặp khó
Môi trường - Ngày đăng : 17:12, 05/12/2017
Các hộ nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy gia cố lại ngăn nuôi khi nước sông dâng cao do tác động mưa lũ và triều cường
Hải Dương chịu tác động của thủy triều. Đáng chú ý, đợt xả lũ của các hồ thủy điện vào giữa tháng 9 và 10 vừa qua đúng vào lúc thủy triều dâng cao đã khiến nhiều vùng hạ lưu của tỉnh bị ngập, đe dọa đến an toàn đê điều. Sản xuất và sinh hoạt của người dân cũng bị ảnh hưởng.
Tổ hợp bất lợi
Giữa tháng 9 vừa qua, người dân sống ngoài đê tả sông Luộc phía sau cống Quý Cao thuộc xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) đã phải khẩn trương ngăn nước sông tràn vào nhà. Anh Nguyễn Văn Nam, người dân ở đây kể: “Lâu lắm chúng tôi mới thấy nước sông lên cao và nhanh như vậy. Vài năm trước, nước sông có lớn thì cũng chỉ mấp mé sân chứ chưa thấy tràn vào nhà như đợt lũ vừa qua. Chúng tôi đã phải dùng bao tải cát để đắp vành đai không cho nước vào nhà”.
Theo đại diện Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Tứ Kỳ, do ảnh hưởng của bão số 10 cộng với hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ nên mực nước sông Luộc dâng cao. Nếu thời điểm đó thủy triều ở mức thấp thì nước sông sẽ nhanh chóng rút xuống, không đến mức nước tràn vào nhà dân. Nhưng lại đúng vào lúc triều cường nên nước sông bị ứ lại, không thoát ngay được. Chiều 15.9, mực nước sông Luộc đã đạt mức 3m41, xấp xỉ mức báo động II (3m60). Đây là hiện tượng hiếm thấy trong những năm gần đây.
Ông Lương Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh cho rằng thủy triều có ảnh hưởng lớn đến an toàn đê điều trong mùa mưa bão. Đáng chú ý là tổ hợp thiên tai mưa bão kết hợp với thủy triều sẽ tác động mạnh đến các tuyến đê, dễ gây ra các sự cố đê điều nguy hiểm. “Hơn 20 năm trước, vào khoảng 7 giờ sáng 23.8.1996, tuyến đê trên địa bàn xã Thanh Hồng bị vỡ, khiến 6xã thuộc khu vực Hà Đông (Thanh Hà) bị ngập sâu trong nước. Nguyên nhân vỡ đê được xác định do mưa lớn kết hợp với triều cường khiến mực nước sông dâng cao nhưng thoát chậm. Tuyến đê Thanh Hồng khi đó nhỏ bé, yếu ớt. Đất đắp đê pha cát, có nền địa chất yếu, bị ngâm nước lâu nên dễ dàng bị rò rỉ và xuất hiện các mạch đùn sủi. Nhân viên canh đê khu vực này lại chủ quan nên dẫn đến vỡ đê. Đây cũng là bài học đắt giá cho công tác bảo vệ đê điều trong giai đoạn triều cường", ông Cảnh nhắc lại một sự cố để minh chứng.
Nhiều tuyến đê có nền địa chất yếu, nhất là các tuyến đê khu vực hạ lưu sông của các huyện Thanh Hà, Thanh Miện, Tứ Kỳ, thủy triều có tác động không nhỏ đến an toàn đê. Hồi giữa tháng 10 vừa qua, hơn 300m đê thuộc thôn Vĩnh Thiệu, xã Vĩnh Lập (Thanh Hà) đã bị thẩm lậu. Sự cố trên được xác định do mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về đúng vào thời điểm triều cường, nước sông dâng cao, nền địa chất đê yếu nên đã xảy ra sự cố đê điều ở khu vực này. Cũng do tác động triều cường kết hợp với mưa lớn, nước thoát chậm nên nhiều diện tích lúa mùa đã chín ở các xã Tứ Xuyên, An Thanh (Tứ Kỳ); Vạn Phúc, Đông Xuyên, Kiến Quốc (Ninh Giang) bị ngập nước. Người dân phải dùng thuyền thu hoạch lúa. Nhiều nơi huy động bộ đội giúp dân gặt lúa.
Nâng cao năng lực điều tiết nước
Theo ông Trần Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, thủy triều dâng kết hợp với mưa, lũ đổ về từ thượng nguồn rất dễ gây ngập lụt cho các vùng hạ lưu trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, thủy triều cũng có những tác dụng nhất định giúp các địa phương lấy nước ngược để phục vụ đổ ải. Do đó, nâng cao năng lực của các công trình thủy lợi và khả năng điều tiết nước sẽ giúp các địa phương tận dụng được thủy triều để phục vụ sản xuất.
Trước mắt, để ứng phó với thủy triều dâng cao, trong những ngày mưa lớn hoặc các hồ thủy điện xả lũ, tỉnh cần quan tâm xây dựng các phương án chống tràn tại những vị trí đê thấp. Đồng thời có phương án bảo vệ trọng điểm tại những vị trí đê xung yếu. Hiện nay, cống Cầu Xe đã được đầu tư xây mới, kiên cố. Cống này có vai trò quan trọng trong điều tiết thủy triều, do đó việc điều tiết nước ở cống này cần được lưu ý. “Ngoài ra, cán bộ, công nhân ở các cống khác cũng có vai trò điều tiết nước thủy triều phải thường xuyên theo dõi diễn biến của mực nước. Sẵn sàng mở cống thoát lũ khi nước triều xuống thấp nhưng cũng phải thực hiện chế độ đóng cống nghiêm ngặt lúc thủy triều lên đồng thời với những ngày mưa lũ. Hạn chế để thủy triều kết hợp với lũ làm mực nước các sông dâng cao trong thời gian ngắn. Khi đó, sự cố đê điều rất dễ xảy ra”.
Về lâu dài, tỉnh cần quan tâm xây dựng các tuyến đê bao chống tràn kiên cố, vững chắc, tăng độ cao cho các tuyến đê cũ, thấp ở các khu vực hạ lưu, đề phòng trường hợp thủy triều dâng kết hợp với lũ thượng nguồn đổ về gây sự cố. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cần có kịch bản cụ thể cho việc phòng chống lụt, bão, úng khi mưa lớn, lũ lên kết hợp với thủy triều dâng cao. Cơ quan khí tượng thủy văn thông báo thường xuyên diễn biến của thủy triều, nhất là các thông số như thời gian triều cường, đỉnh triều để các cơ quan chức năng có biện pháp ứng phó kịp thời khi sự cố xảy ra.
PV
Tháng 10 vừa qua, do ảnh hưởng của mưa lớn diện rộng và hồ Hòa Bình mở 8 cửa xả đáy nên mực nước các sông lên nhanh. Sông Thái Bình tại Phả Lại, ngày 13.10, đỉnh lũ cao nhất là 3m92 thấp hơn báo động I 0m08. Sông Luộc tại Bến Trại, ngày 12.10, mực nước cao nhất là 4m01. Các sông khu vực hạ lưu ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với triều cường nên đã xảy ra hiện tượng nước dâng làm cho đỉnh triều lên cao ở mức trên báo động II. Trong chuỗi số liệu từ năm 1956 trở lại đây, đây là lần đầu tiên đỉnh lũ cao nhất năm trên các sông khu vực Hải Dương xuất hiện vào tháng 10, tháng cuối của mùa lũ. Trước đó, trong tháng 7 và 8 cũng do ảnh hưởng của mưa lũ thượng nguồn, xả lũ của hồ Hòa Bình kết hợp với triều cường nên trên các sông khu vực Hải Dương đã xuất hiện 3 đợt lũ nhỏ làm một số diện tích hoa màu bị ngập. |