Giáo viên hợp đồng không có lương

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 07:31, 06/12/2017

Chiều 5.11, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI thảo luận tại hội trường.

Nhiều giáo viên hợp đồng đã 3 tháng nay không nhận được lương, một số khó khăn trong luân chuyển cán bộ, trong sáp nhập đơn vị sự nghiệp công lập… là những nội dung được nhiều đại biểu dự Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI quan tâm.


Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Văn Sơn phát biểu kết luận một số nội dung của buổi thảo luận. Ảnh: Thành Chung

Gần 1.200 giáo viên hợp đồng đã 3 tháng không có lương

Các ông Đoàn Việt Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy TP Hải Dương; Nguyễn Xuân Thuấn, Bí thư Huyện ủy Ninh Giang cho biết từ tháng 9 đến nay, nhiều giáo viên hợp đồng không có lương. Việc này làm ảnh hưởng đến tâm lý của giáo viên, các trường rất khó khăn trong việc dạy và học.

Bí thư Huyện ủy Gia Lộc Phạm Quang Hưởng cho biết, năm học 2017-2018, toàn tỉnh tăng 4 trường (2 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS). Riêng huyện Gia Lộc tăng 42 lớp, gồm 20 lớp mầm non, 17 lớp tiểu học, 5 lớp THCS. Đối chiếu với định biên tỉnh giao, toàn huyện Gia Lộc thiếu 71 giáo viên. "Tỉnh giao định mức giáo viên thấp hơn định mức Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Trong khi đó, số học sinh những năm qua tăng mạnh buộc các trường phải ký hợp đồng với giáo viên", Bí thư Huyện ủy Gia Lộc nói.

Ông Vũ Văn Lương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết, toàn tỉnh có 4.056 giáo viên hợp đồng ở tất cả các cấp học, trong đó có 1.191 giáo viên hợp đồng đã 3 tháng nay không nhận được lương, có 61 giáo viên xin nghỉ việc. Theo ông Lương, có 6 nguyên nhân mà các trường ký hợp đồng với giáo viên. Nguyên nhân chính là việc tỉnh giao chỉ tiêu biên chế thấp hơn mức quy định của Bộ GDĐT  3.066 giáo viên, trong khi đó học sinh những năm qua tăng mạnh, đặc biệt năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh tăng 10.300 học sinh.


Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vũ Văn Lương. Ảnh: Thành Chung

Ông Lương cho biết, quan điểm của ngành giáo dục đối với giáo viên làm việc đúng vị trí việc làm phải được trả lương. Thời gian tới, ngành sẽ rà soát lại từng vị trí ở các trường, nếu trường nào hợp đồng giáo viên không phù hợp với vị trí việc làm sẽ xử lý nghiêm. Theo ông Lương, ngành giáo dục có tính đặc thù. Giáo viên không ký hợp đồng sẽ không đủ tư cách đứng lớp. "Hợp đồng để thẩm định trình độ chuyên môn, tiêu chuẩn giáo viên có đứng lớp được hay không. Ngoài ra, hợp đồng còn để cam kết trách nhiệm của giáo viên với học sinh", ông Lương nói.

Theo ông Vũ Văn Lương, học sinh tăng nếu không hợp đồng giáo viên thì phải tăng sĩ số các lớp. Hiện nay, nhiều trường sĩ số lớp lên đến 50 học sinh, gần gấp đôi quy định. "Lớp có 30 cháu thì mỗi tháng cô có thể mới gọi lên bảng kiểm tra được 1 lần. Còn lớp 50 cháu thì có đến cả quý cô cũng không không hỏi đến", ông Lương nói.

Làm rõ thêm vấn đề này, ông Phạm Văn Tỏ, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, quy định hiện nay nêu rõ các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có ngành giáo dục được tăng trường, tăng lớp nhưng phải cân đối quy mô biên chế tỉnh giao. Có nhiều huyện ký hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế tỉnh giao nhưng có những huyện ký theo định mức của Bộ GDĐT, dẫn đến số giáo viên hợp đồng tăng mạnh.


Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Văn Tỏ. Ảnh: Thành Chung

Kết luận vấn đề này, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Văn Sơn khẳng định, chủ trương của tỉnh là giao cho ngành giáo dục phải tổng rà soát thừa bao nhiêu tiết học chưa có giáo viên dạy trên cơ sở định mức biên chế tỉnh giao để bố trí cấp tiền cho các trường thuê giáo viên dạy. Về lâu dài, ngành giáo dục phải tính toán đưa biên chế từ trường thừa sang trường thiếu. Sau khi đã luân chuyển xong, nếu các trường vẫn còn thiếu biên chế, tỉnh mới tính toán bổ sung.

Cán bộ luân chuyển không biết về đâu


Bí thư Thành ủy Hải Dương Đoàn Việt Hùng. Ảnh: Thành Chung

Ông Đoàn Việt Hùng cho biết, việc dừng lao động hợp đồng làm công việc chuyên môn ở cả khối hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp theo kết luận của Bộ Nội vụ là chủ trương đúng nhưng tỉnh cần phải tổ chức thi tuyển để bổ sung biên chế làm những công việc trước kia của lao động hợp đồng. Nhiều phòng, ban của thành phố, thị xã, huyện có 3-4 người nên các vị trí lãnh đạo đã chiếm gần hết, không có chuyên viên làm chuyên môn.

Ông Đoàn Việt Hùng cũng bày tỏ băn khoăn đối với các cán bộ được luân chuyển xuống cơ sở công tác, sau khi trở về không còn vị trí để sắp xếp. "Thành phố có 25 cán bộ đang thực hiện luân chuyển. 6 người luân chuyển ngang thì không tính. Còn 19 công chức của thành phố luân chuyển xuống cơ sở sau 3 năm trở lại không biết bố trí việc làm thế nào khi biên chế ngày một co hẹp. Trong khi đó, các vị trí trước đó những người này để lại đã bố trí người khác". Ông Đoàn Việt Hùng đề nghị tỉnh cần có dư địa biên chế để bố trí cho những cán bộ sau khi được luân chuyển trở lại công tác.


Bí thư Huyện ủy Ninh Giang Nguyễn Xuân Thuấn. Ảnh: Thành Chung

Cùng quan điểm, ông Phạm Quang Hưởng cho biết việc tinh giản biên chế khối hành chính gặp rất nhiều khó khăn. Nếu áp dụng mỗi năm, các cơ quan phải giảm 2,5% tổng số biên chế mà không có người nghỉ hưu thì không biết giảm ai. "Mỗi phòng, ban cấp huyện có 3-4 người, trong đó lãnh đạo chiếm phần lớn, nhân viên có nơi còn 1 người. Lãnh đạo luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, không tinh giản được. Nếu giảm nhân viên thì lấy ai làm chuyên môn", ông Hưởng nêu.

Một số ý kiến cho rằng việc sáp nhập Trung tâm Y tế cấp huyện và Bệnh viện Đa khoa cấp huyện thành Trung tâm Y tế cấp huyện; sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý (riêng Gia Lộc có thêm Trung tâm Dạy nghề thuộc UBND huyện quản lý) thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, chuyển UBND cấp huyện quản lý gặp nhiều khó khăn khi một số trung tâm nợ xây dựng cơ bản, nợ chi thường xuyên lớn.

Làm rõ vấn đề này, ông Phạm Văn Tỏ, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết việc sáp nhập các trung tâm trên là việc làm cần thiết để sắp xếp, tinh giản bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Những trung tâm còn liên quan đến nợ đọng cần phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm trước khi sáp nhập. "Nguyên tắc sáp nhập là giữ nguyên hiện trạng cơ sở vật chất hiện có. Đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên sau khi sáp nhập, nhân sự do Ban Thường vụ cấp huyện quản lý nên các huyện cần lên danh sách, lựa chọn ra người nhận trách nhiệm bàn giao để thực hiện từ ngày 1.1.2018", ông Tỏ đề nghị.


Bí thư Huyện ủy Gia Lộc Phạm Quang Hưởng. Ảnh: Thành Chung

Ông Phạm Văn Tỏ cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo giảm mạnh các chức danh không chuyên trách cấp xã, tiến tới một người đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ. "Trước đây mỗi xã có từ 7-8 cán bộ không chuyên trách nhưng tới đây con số này giảm chỉ còn 1-2 người và mỗi người sẽ làm nhiều việc", ông Tỏ nói.

Kết luận vấn đề này, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Văn Sơn theo tinh thần đối với các chức danh không chuyên trách cấp xã sẽ  không tăng thêm chi phí. Tỉnh sẽ tính toán giao khoán kinh phí cụ thể các chức danh không chuyên trách cho các xã. "Nếu các xã sắp xếp, bố trí tốt cán bộ công chức kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách tốt thì đủ, nếu không nghiêm thì tự bù", đồng chí Phó Bí thư Thường trực chỉ rõ.

SỸ THẮNG