Văn hóa phê bình và phản biện

Chính trị - Ngày đăng : 11:20, 06/12/2017

Mạng xã hội không phải là nơi giết chết những ý tưởng mới mẻ, là nơi đẩy con người vào tình thế quẫn bách vì bị chỉ trích, lên án...

Dư luận vẫn chưa hết dậy sóng vì đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền, lại tiếp tục xôn xao vì phát biểu của Tiến sĩ khoa học Đoàn Hương trên chương trình Cà phê sáng của VTV3 khi vị tiến sĩ nói về vấn đề này, trong đó có ý rằng một công trình khoa học thì phải đưa cho các nhà khoa học phản biện chứ không phải cho “một đám quần chúng thiếu hiểu biết vào ném đá”.  

Có vẻ như hội chứng đám đông và thói a dua “ném đá” trên mạng xã hội đang trở thành căn bệnh ngày càng nặng. Ở đây, tôi xin phép không bình luận về công trình nghiên cứu của PGS.TS Bùi Hiền và phát ngôn của TS Đoàn Hương mà chỉ muốn nói về thái độ ứng xử, văn hóa phê bình và phản biện. Rõ ràng ý tưởng của ông Bùi Hiền mới chỉ được đăng trong cuốn kỷ yếu nhân một hội thảo khoa học về ngôn ngữ. Chưa cơ quan có thẩm quyền nào có ý định biến ý tưởng ấy thành hiện thực. Thế nhưng chưa kịp hiểu đúng bản chất của vấn đề, nhiều người đã vội mạt sát người nghiên cứu bằng những lời lẽ khiếm nhã. Tương tự, với phát ngôn của TS Đoàn Hương, nhiều người cố tình suy diễn, hiểu sai ý đồ của người nói để lên mạng bình luận, sỉ vả bà. Người ta còn cố tình chế ra các bức ảnh về hai nhà khoa học với hàm ý mỉa mai, châm chọc, chỉ vì suy nghĩ của họ khác với đám đông. Đáng tiếc, trong số ấy có không ít người là trí thức.

Thực tế, có nhiều vấn đề khoa học, nhiều ý tưởng phát triển kinh tế khi đưa ra bàn thảo tại các hội nghị thường nhận được rất ít ý kiến đóng góp. Việc góp ý phê bình tại các cuộc họp cuối năm lại càng ít hơn, nếu không muốn nói nhiều cuộc họp chỉ mang tính hình thức. Tình trạng giữ im lặng hoặc nói “nhất trí” khi được mời phát biểu trong cuộc họp nhưng sẵn sàng bày tỏ ý kiến bất chấp đúng sai trên mạng xã hội, bên ngoài cuộc họp đang ngày càng phổ biến. Điều đó cho thấy văn hóa phản biện và phê bình của chúng ta đang thực sự có vấn đề.

Theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, thì nguồn gốc của sự phát triển chính là quá trình thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập. Vì thế trong xã hội, chuyện mỗi người một suy nghĩ, một quan điểm là điều hết sức tự nhiên. Việc chấp nhận những ý kiến, quan điểm trái chiều cũng là chuyện bình thường. Trước một ý tưởng mới, một đề xuất mới trong khoa học, việc cần làm là phản biện xem ý tưởng đó có khả thi hay không, có hợp lý không chứ không phải lên án người đề xuất ý tưởng chỉ bởi không đồng tình với quan điểm của họ. Ngay cả khi phê phán mỗi cá nhân, thì điều quan trọng vẫn là chỉ ra điểm chưa đúng trong cách nói, cách nghĩ và việc làm của họ chứ không nên lợi dụng phê bình để hạ nhục lẫn nhau. Những vấn đề tưởng đã quá cũ này hóa ra vẫn rất thời sự trong bối cảnh bùng nổ nạn “chém gió”, phê bình vô tội vạ trên mạng xã hội hiện nay.

Cuối cùng, để mạng xã hội không phải là nơi giết chết những ý tưởng mới mẻ, là nơi đẩy con người vào tình thế quẫn bách vì bị chỉ trích, lên án, thì mỗi người đều phải học cách ứng xử có văn hóa khi tham gia bình luận và sử dụng phương tiện truyền thông này.

NGUYÊN ANH