Băn khoăn việc cào bằng bằng cấp
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:32, 08/12/2017
Hình thức đào tạo tại các trường đại học sẽ đổi thành đào tạo tập trung và không tập trung chứ không còn là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên như trước đây. Hình thức đào tạo cũng sẽ không được ghi lên văn bằng như quy định hiện tại. Điều đó đồng nghĩa với việc các tấm bằng đại học chính quy và thường xuyên (thường được gọi là tại chức) sẽ không còn sự phân biệt về mặt hình thức nữa. Đây là một điểm mới đáng chú ý được đưa ra trong dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ. Việc không phân biệt hình thức đào tạo trên bằng cấp trong khi hai loại hình đào tạo có những đặc điểm khác biệt làm nảy sinh nhiều lo lắng, băn khoăn.
Lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra đề xuất trên là hai loại hình đào tạo có cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên và chuẩn đầu ra nên cấp bằng giống nhau. Đây là xu hướng chung của thế giới trong giáo dục đại học. Nếu thực hiện được nghiêm túc, chặt chẽ điều này, bảo đảm được chất lượng sinh viên đại học chính quy và tại chức được đánh giá như nhau thì việc cấp chung một văn bằng là hợp lý. Tuy nhiên, thực tế đã diễn ra nhiều năm trong hình thức đào tạo tại chức ở nước ta khiến không ít người nghi ngờ tính khả thi của điều này.
Đã từ lâu, chất lượng đào tạo đại học tại chức đã mất vị thế và uy tín trong ngành giáo dục. Do buông lỏng nên cả đầu vào và đầu ra của hình thức đào tạo này đều dễ dãi. Chất lượng của nguồn nhân lực được đào tạo theo hình thức này đã được kiểm định qua thực tế dẫn đến nhận thức chung của xã hội là đại học tại chức có chất lượng kém hơn so với chính quy. Vì thế, nhiều nơi không tuyển dụng, không quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ tốt nghiệp đại học tại chức. Để tạo điều kiện cho những người đã học tại chức có cơ hội phấn đấu, các địa phương "mở lối thoát" bằng cách đưa ra quy định những người đó nếu tiếp tục học lên thạc sĩ thì sẽ căn cứ tuyển dụng, bổ nhiệm theo bằng thạc sĩ. Như vậy, vẫn là gián tiếp không đánh giá cao chất lượng bằng đại học tại chức.
Nếu không có những giải pháp gốc rễ đi kèm mà chỉ đơn thuần thay đổi về hình thức tấm bằng thì vô hình trung đã cào bằng các hình thức đào tạo có chất lượng khác nhau bằng những tấm bằng giống nhau. Điều này không chỉ không công bằng cho những người học đại học chính quy mà còn thiệt thòi cho những người học đại học tại chức trước đó khi cùng một hình thức đào tạo mà bằng cấp trong 2 giai đoạn lại khác nhau. Khi học vấn không tương xứng với bằng cấp mà bằng cấp vẫn là một căn cứ để tuyển dụng, bổ nhiệm thì sẽ khó chọn được người xứng đáng, ảnh hưởng tới chất lượng của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo.
Để đề xuất trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo khả thi, phát huy ý nghĩa của loại hình đào tạo tại chức, trước hết Bộ phải có những quy định chuẩn về chương trình, giáo viên, chuẩn chất lượng quản lý đào tạo của hai loại hình này là như nhau. Đồng thời, có cách thức kiểm soát chặt chẽ cả khâu tuyển sinh lẫn đầu ra chứ không "đá quả bóng" này sang cho các trường tự chịu trách nhiệm. Khi đó văn bằng tốt nghiệp của hai hình thức đào tạo mới có thể như nhau. Bộ Nội vụ cũng cần thay đổi tư duy về tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, không đề cao, ưu tiên bằng cấp mà có những cách thức đánh giá dựa trên năng lực thể hiện trong hiệu quả công việc. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành cần giám sát, kiểm tra thường xuyên và thật sự nghiêm túc việc thực hiện của cấp dưới ở các khâu tuyển dụng, đánh giá, phân loại, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ. Chỉ khi cả hai khâu đào tạo và sử dụng, đánh giá cán bộ được thực hiện tốt, đi vào thực chất thì sự phân biệt bằng chính quy, tại chức mới không còn ý nghĩa và tâm lý sính bằng cấp trong xã hội sẽ giảm dần.
LAM ANH