Độc đáo bộ sưu tập mâm gỗ cổ
Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 09:17, 11/12/2017
Ông Hoa (bên phải) nhận mâm gỗ mít cổ từ một người dân trao tặng
Như một bảo tàng
Ngôi nhà của ông Hoa nằm ở cuối một con ngõ nhỏ có không gian xanh và yên bình đặc trưng của làng quê Việt. Nhiều vật dụng sinh hoạt gắn bó với người nông dân Việt Nam được tái hiện ngay trong ngôi nhà này. Những chiếc cối xay lúa bằng đá, bình vôi, hũ sành, nồi đất… đều hiện hữu sinh động nơi đây như một thước phim ngắn kể về những sinh hoạt giản dị của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong những vật dụng ấy, đáng chú ý nhất là 500 chiếc mâm gỗ cổ, có cái niên đại gần 300 năm. Để có được bộ sưu tập độc đáo này, ông Hoa đã phải rất công phu tìm kiếm và lưu giữ.
Ngay khi còn trẻ, ông Hoa đã thích giữ gìn các đồ vật sinh hoạt cũ, nhất là những món đồ gắn bó với cuộc sống hằng ngày. Lớn lên, được đi nhiều nên ông có điều kiện biết nhiều bộ sưu tập đồ cổ độc đáo. Năm 1990, sau khi xuất ngũ trở về địa phương phát triển kinh tế gia đình cũng là lúc ông bắt đầu dành thời gian để sưu tập đồ cổ. Món đồ đầu tiên được ông lưu giữ chính là chiếc mâm gỗ cổ của gia đình. Ông kể chiếc mâm gỗ này có từ thời cụ của ông để lại. Vì vậy nó đã gắn bó với nhiều thế hệ, chứng kiến những câu chuyện vui, buồn, thăng trầm cuộc sống. Chiếc mâm gỗ gợi cho ông nhớ đến thời thơ ấu, là những bữa cơm chỉ có rau mắm nhưng đầy ấm áp.
Cứ thế, niềm đam mê đồ cổ trong ông lớn dần, thôi thúc ông tìm kiếm và lưu giữ những gì còn sót lại của nền văn hóa xưa, đậm chất thuần nông. Hơn 40 năm sưu tầm đồ cổ, ông không nhớ hết mình đã đi bao nhiêu nơi, từ vùng đồng bằng đến miền Tây Bắc để có được món đồ mong ước. Ông chỉ biết đến nay bộ sưu tập mâm gỗ đã có hơn 500 chiếc, cái cổ nhất có niên đại gần 300 năm, ít tuổi nhất cũng ngót 1 thế kỷ. Những chiếc mâm thường được làm bằng gỗ mít và gỗ sung, bởi 2 loại gỗ này có độ đàn hồi tốt. Để có chiếc mâm gỗ với đường kính từ 70 - 80 cm thì thân cây phải là cổ thụ hàng trăm năm, hiện loại gỗ này rất hiếm.
Với ông Hoa, đây là bộ sưu tập có một không hai, bởi ông thấy nhiều người bỏ công sức sưu tập những đồ vật có giá trị kinh tế cao như gốm cổ, đồ đồng… chứ chưa ai sưu tập mâm gỗ. “Những chiếc mâm gỗ xưa được cha ông ta làm từ những thân cây sung, cây mít hàng trăm năm tuổi. Tuy được làm hoàn toàn bằng tay nhưng rất tinh xảo. Đằng sau những vật tưởng chừng như vô tri vô giác ấy lại là những kỷ niệm của nhiều gia đình", ông Hoa nói.
Tâm huyết
Nhiều người khi biết và đến thăm nhà vườn của gia đình ông Hoa đều ngỡ ngàng trước bộ sưu tập mâm gỗ cổ này và sự đa dạng của các món đồ khác. Ngoài mâm gỗ cổ, ông còn sưu tập hàng trăm chiếc cối xay thóc, giã gạo, ấm đất, bát, đĩa sành cổ... Nhiều vật dụng cổ như vại đất, cối đá được ông khéo léo kết hợp với cây sanh, si cổ thụ để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật mang đậm hồn quê Việt. Không ít người sau khi đến thăm đều ngỏ ý muốn mua bộ mâm gỗ cổ của ông với giá hàng trăm triệu đồng, nhưng ông không bán. Để có được bộ mâm gỗ cổ ông Hoa đã tìm kiếm ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Ông không quản ngại đường sá xa xôi, chỉ cần nghe ở đâu có mâm gỗ là ông tìm tới. Biết đến đam mê của ông, một số người đã đem tặng lại những chiếc mâm gỗ. Một số chiếc khác do ông bỏ tiền mua hoặc trao đổi bằng những món đồ khác. Nhiều chiếc mâm gỗ khi được tìm thấy đã không còn nguyên vẹn, nhưng ông vẫn rất trân trọng. Từng chiếc một được ông đánh rửa kỹ rồi đem phơi khô và được trưng bày ở vị trí trang trọng trong phòng khách. Cẩn thận hơn, mỗi chiếc mâm đều được ông ghi rõ họ tên, địa chỉ của người trao tặng để tránh bị nhầm lẫn.
Ông Hoa kể: "Khi biết tôi sưu tập mâm cổ, có người ở nước ngoài gọi điện về nhờ tôi lưu giữ những món đồ cổ của gia đình họ, rồi sau khi về nước họ sẽ xin nhận lại để thờ cúng như một vật gia truyền. Do đó, tôi càng trân trọng những món đồ này hơn". Bây giờ, niềm vui mỗi ngày của ông Hoa là nhìn ngắm những đồ vật cổ mà ông sưu tập được. Bộ sưu tập này lưu giữ những điều bình dị nhất của cuộc sống thường ngày, nhắc nhở con cháu nhớ tới một thời kỳ lịch sử của dân tộc ta.
TRẦN HIỀN