Ruộng hoang tăng ở Gia Lộc

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 17:00, 11/12/2017

Đi vào trong xã Liên Hồng có những khu đồng diện tích bị bỏ hoang lên tới hàng mẫu như các thôn Qua Bộ, Đồng Lại...


 Nhiều diện tích ruộng bị bỏ hoang ở xã Liên Hồng

Đi dọc đường 62 m kéo dài từ TP Hải Dương xuống huyện Gia Lộc, ai cũng dễ dàng nhận thấy bên cạnh những khu vườn trồng đào được chăm bón cẩn thận là những khu vực cỏ, cây dại mọc um tùm. Những diện tích ruộng bị bỏ hoang này thuộc địa phận xã Liên Hồng (Gia Lộc). Đây cũng là xã có diện tích ruộng bỏ hoang nhiều nhất huyện Gia Lộc trong những năm gần đây.

 Đi vào trong xã Liên Hồng có những khu đồng diện tích bị bỏ hoang lên tới hàng mẫu như các thôn Qua Bộ, Đồng Lại... Vụ chiêm xuân 2016-2017, xã Liên Hồng có 15 ha ruộng bị bỏ hoang, vụ mùa năm nay tăng lên 21,7 ha.

Những năm gần đây, diện tích ruộng bị bỏ hoang ở huyện Gia Lộc ngày càng tăng, tập trung tại các xã Liên Hồng, Thống Kênh, thị trấn Gia Lộc... Nếu như vụ mùa năm 2015 toàn huyện có 27,7 ha bị bỏ hoang thì tới năm 2016 diện tích này đã tăng lên thành 46 ha và năm 2017 là 57 ha. Vụ chiêm xuân cũng tương tự: vụ chiêm xuân 2014-2015 là 15,9 ha; 2015-2016 là 26,1 ha và 2016-2017 là 47 ha. Đến nay, Gia Lộc là một trong những địa phương có diện tích ruộng bỏ hoang cao nhất tỉnh.

Ngoài nguyên nhân do chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp thì hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại một số địa phương giảm mạnh cũng dẫn tới nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang.

Vụ mùa vừa qua, anh Vũ Văn Chức ở thôn Phương Khê, xã Hồng Hưng (Gia Lộc) canh tác 1 mẫu lúa. Do bị chuột phá hoại nên anh chỉ thu được hơn 7 tạ thóc, giảm 60% so với những năm trước. Nhiều người dân trong thôn Phương Khê cũng bị mất trắng diện tích lúa do bị chuột phá hoại. Dù chưa có thống kê cụ thể trong toàn huyện nhưng tại nhiều xã như Gia Khánh, Hồng Hưng, Đoàn Thượng... lúa đều bị giảm năng suất rõ rệt do chuột hại.

Vụ chiêm xuân 2016-2017, tuy diện tích sản xuất rau màu trong toàn huyện vượt 23,5% kế hoạch, nhưng giá trị chỉ đạt 78,8 triệu đồng/ha, thấp hơn vụ chiêm xuân năm trước 8,6 triệu đồng/ha. Nguyên nhân do nhiều loại dịch bệnh phát sinh, đặc biệt trên dưa lê, dưa hấu là những cây trồng chủ lực của huyện.

Ông Nguyễn Chính Thống, Chủ tịch UBND thị trấn Gia Lộc cho biết để hạn chế tình trạng bỏ ruộng hoang, địa phương đã tích cực kêu gọi, tạo điều kiện cho các tập thể, cá nhân đến thuê, mượn đất. Hiện nay, địa phương đã cho các tập thể, cá nhân thuê hơn 25 ha đất nông nghiệp để tiếp tục sản xuất. UBND thị trấn đã đưa ra 2 phương án là hợp nhất hoặc giải thể, thành lập mới HTX để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

UBND huyện Gia Lộc chỉ đạo UBND các xã, thị trấn cần nắm chắc số hộ, diện tích ruộng bị bỏ hoang để đưa ra các biện pháp khắc phục; vận động các hộ không có nhu cầu sản xuất cho các doanh nghiệp, các hộ khác có nhu cầu thuê, mượn đất để sản xuất hoặc giao cho các đoàn thể canh tác để gây quỹ. Huyện quy vùng tập trung, khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích gieo trồng các loại cây trồng có bao tiêu sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu tập thể, tranh thủ tối đa nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh.

HẢI HOÀNG