Giá điện tăng, doanh nghiệp lo lắng

Kinh tế - Ngày đăng : 05:09, 12/12/2017

Ngày 1.12, mức giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 6,08% làm cho người dân và doanh nghiệp đều lo lắng...


Đối phó với giá điện tăng, nhiều doanh nghiệp vận hành máy móc vào giờ thấp điểm

Giá điện sinh hoạt không thay đổi nhiều

Việc tăng giá điện lần này tác động khác nhau đến mỗi đối tượng sử dụng. Khách hàng sử dụng điện sinh hoạt sẽ bị tác động không nhiều. Theo tính toán của ngành điện, mỗi tháng hộ dùng 50 kWh/tháng chỉ phải trả thêm 3.250 đồng; hộ dùng từ 50-100 kWh tăng thêm 6.600 đồng; hộ dùng từ 400 kWh trở lên chi phí tăng thêm 34.800 đồng. Hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ hằng tháng số tiền là 51.000 đồng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh (theo mức giá bậc 1 hiện hành). Do đó, chi phí tiền điện tăng thêm của các hộ nghèo cũng chỉ 4.500 đồng/tháng.

Đợt tăng giá điện lần này, các cơ sở lưu trú, du lịch được hưởng lợi nhiều nhất. Trước đây họ phải trả tiền điện theo mức giá cao của các hộ kinh doanh thì nay được tính giá điện sản xuất. Như vậy, chi phí sử dụng điện sẽ giảm đáng kể. Sự điều chỉnh này nhằm khuyến khích dịch vụ du lịch, lưu trú phát triển.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, giá bán lẻ điện được áp dụng theo các khung giờ: bình thường, cao điểm và thấp điểm. Doanh nghiệp sử dụng nhiều điện vào giờ cao điểm thì mức tiền điện phải trả cao hơn so với doanh nghiệp sử dụng điện nhiều trong giờ bình thường và thấp điểm. Ông Lê Văn Định, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công cho biết: "Với giá điện mới, giá thành 1 tấn sản phẩm sẽ tăng thêm từ 1 đến 1,2%. Dùng điện càng nhiều, nhất là vào những giờ cao điểm, doanh nghiệp càng phải gánh thêm nhiều chi phí phát sinh từ việc tăng giá điện".

Ông Lưu Văn Thành, Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công thương) cho biết,  biểu giá điện mới tiếp tục khuyến khích người dân tiết kiệm điện và doanh nghiệp đổi mới công nghệ để phục vụ sản xuất. Nếu sử dụng nhiều, người dân vẫn phải trả tiền điện với mức giá cao. “Bởi hiện nay, giá bán lẻ điện dùng cho sinh hoạt vẫn được tính theo bậc thang. Đối với doanh nghiệp, việc điều chỉnh phương án sản xuất dựa trên biểu giá điện mới hoặc tăng cường đổi mới công nghệ để tiết kiệm điện càng cần thiết", ông Thành nói.

Nguyên nhân tăng giá điện được Bộ Công thương lý giải do gần 3năm qua giá điện không được điều chỉnh tăng trong khi giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất điện lại tăng nhiều. Việc điều chỉnh giá điện lần này còn nhằm bù khoản lỗ vì chênh lệch tỷ giá.

Lo tăng chi phí sản xuất và giá cả hàng hóa

Đối với doanh nghiệp, việc tăng giá điện lần này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất. Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Cửu Long (Gia Lộc) cho biết, lần tăng giá điện này không nhiều bằng năm 2015 nhưng tăng vào giai đoạn cuối năm gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Những đơn hàng mới đã được ký từ giữa năm buộc phải đàm phán lại để điều chỉnh giá. "Không biết họ có đồng ý hay không bởi nó ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch kinh doanh. Một số sản phẩm bán lẻ tại thị trường trong nước thì chúng tôi phải điều chỉnh lại giá", ông Tuấn nói.  

Giá điện tăng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Mặc dù các doanh nghiệp may không sử dụng nhiều điện nhưng việc tăng giá điện lần này cũng làm Giám đốc Công ty TNHH May Hải Anh ở cụm công nghiệp Tân Hồng (Bình Giang) lo lắng: "Giá điện tăng sẽ gián tiếp đẩy chi phí nguyên vật liệu tăng cao hơn. Giá điện vừa mới điều chỉnh tăng vài ngày, đối tác chuyên cung cấp bao bì cho chúng tôi đã gửi báo giá tăng vài % so với trước đây. Họ lý giải do giá điện tăng nên phải điều chỉnh giá bán cho phù hợp".

Đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, giá điện tăng đẩy chi phí sản xuất tăng nhưng không thể tăng giá bán sản phẩm. Nguyên nhân do hầu hết các đơn hàng xuất khẩu ký kết với các đối tác nước ngoài đều phải giữ ổn định về giá. "Các doanh nghiệp nước ngoài rất ít khi chấp nhận việc điều chỉnh giá bất thường. Không điều chỉnh tăng giá đối với các đơn hàng xuất khẩu từ nay đến cuối năm cũng có nghĩa lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ giảm đáng kể", ông Lê Viết Thụ, Giám đốc Công ty TNHH May TBT (Thanh Hà) nói.

Cuối năm, khi doanh nghiệp phải chịu áp lực về đơn hàng và lương, thưởng thì việc tăng giá điện thời điểm này có thể sẽ ảnh hưởng bất lợi cho không ít doanh nghiệp. Để "thích nghi" với việc tăng giá điện, không ít doanh nghiệp đã phải tính toán, cân đối lại chi phí sản xuất. Một số doanh nghiệp đã chọn sản xuất vào giờ thấp điểm để được hưởng lợi giá điện thấp. Theo ông Đào Đình Toàn, Phó Giám đốc Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương thì doanh nghiệp không còn cách nào khác phải tự mình thay đổi. Ngoài tập trung sản xuất vào giờ thấp điểm, doanh nghiệp chủ động kiểm soát quy trình sản xuất, tuyên truyền để công nhân sử dụng điện tiết kiệm. Về lâu dài, doanh nghiệp dự kiến sẽ dành một khoản kinh phí để đầu tư thay thế một số máy móc đã cũ, lạc hậu, tiêu tốn nhiều điện năng và năng suất không cao.

Việc tăng giá điện vào thời điểm cuối năm sẽ tạo áp lực tăng giá nhiều loại hàng hóa khác, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Bà Phạm Thị Vân ở khu 6, phường Tân Bình (TP Hải Dương) lo lắng: “Lần nào tăng giá điện thì một thời gian sau giá cả hàng hóa cũng tăng theo. Đợt tăng này lại vào thời điểm cuối năm nên giá bán hàng hóa càng dễ tăng”.

Do đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm soát, không để xảy ra tình trạng "té nước theo mưa" tăng giá hàng hóa ngay sau khi giá điện tăng.

THÀNH ANH