Phát triển thương hiệu sản phẩm đặc sắc của tỉnh

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 19:00, 12/12/2017

Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chế biến nông sản sau thu hoạch... được một số đại biểu chất vấn ông Nguyễn Văn Phú chiều 12.12.

Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Khó tích tụ ruộng đất quy mô lớn

Giải trình về nội dung thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa nhiều và giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết nhiều năm qua, tỉnh đã khuyến khích, thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp đạt 2,6%, trong khi mức trung bình của toàn quốc 0,86%. 

Tuy nhiên, có một số nguyên nhân khiến đầu tư vào nông nghiệp đạt thấp là: Đầu tư sản xuất nông nghiệp nhiều rủi ro, hiệu quả thấp, cần nguồn vốn lớn… Việc tiếp cận nguồn vốn vay khó khăn mặc dù Chính phủ đã có nghị quyết về việc tăng cường cho vay lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, nhà màng, nhà lưới không được tính là tài sản vay thế chấp nên cũng gây khó cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, nguyên nhân thị trường nông sản nước ngoài cũng cạnh tranh khốc liệt với nông sản trong nước.

Theo ông Phú, Hải Dương có tốc độ đô thị cao, nông dân có tâm lý giữ đất, cho thuê ngắn ngày, số lượng không nhiều. Vì vậy, các doanh nghiệp muốn thuê diện tích lớn, lâu dài cũng rất khó. Ông Phú cho rằng, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh nếu so với các tỉnh xung quanh chưa hấp dẫn bằng. “Hà Nam ứng ngân sách để thuê đất của dân trong 20 năm, sau đó cho doanh nghiệp thuê lại trả 2 lần. Trong khi đó để thu hút doanh nghiệp, Hải Phòng lại thu hồi đất như thu hồi đất công nghiệp, sau đó cho doanh nghiệp thuê lại giá rẻ như thu hồi đất” ông Phú thông tin thêm. 

Ông Nguyễn Văn Phú đề xuất tỉnh cần tiếp tục tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, cải cách thủ tục đầu tư, nhất là đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Tích cực thông tin, tuyên truyền về chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh đối với các nhà đầu tư vào các dự án sản xuất nông nghiệp. Ngành nông nghiệp  tiếp tục phối hợp với các ngân hàng tháo gỡ khó khăn trong vay vốn thực hiện các dự án. Các cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp cần ưu tiên doanh nghiệp, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục theo quy định; vận động nhân dân để cùng cá nhà đầu tư thực hiện các thủ tục cho thuê đất thực hiện các dự án. Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh ban hành Đề án tích tụ ruộng đất để phát triển hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. 

Hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp sạch


Đại biểu Phạm Mạnh Hùng (Nam Sách) 

Chất vấn Giám đốc Sở NNPTNT, đại biểu Phạm Mạnh Hùng (Nam Sách) nêu câu hỏi: mỗi năm tỉnh hỗ trợ xây dựng 6.000 m2 diện tích nhà màng, nhà lưới ứng dụng công nghệ cao. Diện tích hỗ trợ như vậy là rất thấp, trong khi nhu cầu các dịa phương cao hơn. "Năm 2018, Nam Sách đăng ký gần 4.000m2 nhà màng, nhà lưới nhưng tỉnh phân theo kế hoạch chỉ hỗ trợ 500m2", ông Hùng dẫn chứng. 

Trả lời đại biểu Hùng, ông Nguyễn Văn Phú cho biết, trong đề án phát triển sản xuất hàng hóa tập trung có nội dung hỗ trợ nhà màng nhà lưới, kế hoạch tỉnh hỗ trợ 100.000 đồng/m2 nhà màng, 50.000 đồng/m2 nhà lưới. Năm 2017, tỉnh đã giao hết kế hoạch 6.000 m2, nhưng nhu cầu của các huyện tăng cao, đến cuối năm tăng gấp hơn 20 lần. "Sở rất đồng tình với kiến nghị của các huyện và sẽ tiếp tục báo cáo UBND tỉnh cân đối nguồn lực để đáp ứng cao hơn yêu cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của bà con", ông Phú nói.


Đại biểu Lương Thu Hương (Kinh Môn)

Trả lời chất vấn đại biểu Lương Thu Hương (Kinh Môn) về việc ngành NN-PTNT cần tham mưu chính sách tốt hơn cho những doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, những năm qua, các ngành, địa phương rất quan tâm xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ. Một số sản phẩm nông sản của tỉnh đã tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, giá thành cao như: vải thiều Thanh Hà, Chí Linh; nếp cái hoa vàng Kinh Môn; gạo Bắc thơm số 7… Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ chủ động phối hợp với ngành công thương và cần sự phối hợp của chính quyền các cấp, từng địa phương để kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Đề cập ở góc độ khác, đại biểu Trần Thị Mai (Bình Giang) hỏi: “Hải Dương với đặc sản bánh đậu xanh nhưng nguồn nguyên liệu lại phải nhập ở địa phương khác. Sở NN-PTNT có giải pháp gì để sản xuất nông sản này ngay tại địa phương?”. Ông Nguyễn Văn Phú cho biết, thổ nhưỡng đất của tỉnh không phù hợp với cây đỗ xanh nên năng suất không cao. Trong khi nông dân trong tỉnh sản xuất các sản phẩm khác có thu nhập cao hơn. Thời gian tới, ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ nghiên cứu để lựa chọn giống cây biến đổi gien để thí nghiệm về năng suất, chất lượng. 


Đại biểu Trần Thị Mai (Bình Giang)

Trả lời đại biểu Phùng Tuấn Kiệt (Tứ Kỳ) về cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, ông Phú cho biết Sở NN-PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp phương án hỗ trợ lãi suất trong 3 năm và đã được UBND tỉnh đồng ý.

Đại biểu Phùng Tuấn Kiệt (Tứ Kỳ)

Chưa đồng tình với trả lời của ông Phú, đại biểu Hương đặt câu hỏi, thế mạnh của tỉnh là cây vải thiều, Sở NN-PTNT và các cơ quan liên quan đã quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp cách bảo quản vải thiều thế nào để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính, đưa vào hệ thống các siêu thị có giá trị cao. Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, quả vải thiều hiện có các hình thức chế biến: cấp đông, phơi khô, xông lưu huỳnh và bảo quản theo công nghệ Nhật Bản. Sử dụng công nghệ của Nhật Bản có thể giữ được quả vải tươi trong 2 năm nhưng tốn kém, giá thành đội lên từ 60.000-80.000 đồng/kg. Còn các biện pháp khác bảo quản được nhiều nhất 30 ngày. Tỉnh đang áp dụng nhiều biện pháp bảo quản khác nhau để tăng giá trị quả vải. Những năm tiếp theo sẽ nghiên cứu, tìm hiểu thêm các phương pháp khác.


Đại biểu Nguyễn Minh Hùng (Kinh Môn)

Ý kiến của đại biểu Nguyễn Minh Hùng (Kinh Môn) về xây dựng nông thôn kiểu mẫu, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Phú cho biết, tỉnh đã tham khảo và hiện đang chờ Bộ NN-PTNT xây dựng bộ tiêu chí về nông thôn mới kiểu mẫu.

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị ngành nông nghiệp tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với tỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. UBND tỉnh nghiên cứu, bố trí thêm kinh phí hỗ trợ nhà màng, nhà lưới, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Có cơ chế xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc sắc của tỉnh. UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp nghiên cứu, xem xét, điều chỉnh bổ sung quy hoạch ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Sở Tài chính thông tin minh bạch, công khai nguồn lực để cân đối, bố trí cho lĩnh vực đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. 

Ngày 13.12, HĐND tiếp tục làm việc và bế mạc.

NHÓM PV