Người thầy đặc biệt

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 16:15, 15/12/2017

Vốn đam mê nghề dạy học nên khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Văn Kiểm ở thôn Vũ Xá, xã Thất Hùng (Kinh Môn) đã miệt mài với phấn trắng, bảng đen, giảng dạy cho bao thế hệ học trò trong thôn.

Hơn 10 năm qua, ông Kiểm dạy học miễn phí cho nhiều học sinh trong thôn

Thượng tá dạy học

Khi chúng tôi đến thăm, ông Kiểm đang xếp lại chồng sách trên kệ. Có quyển đã ngả màu theo thời gian bởi tính đến nay ông có hơn 10 năm dạy học. Ông vốn là thượng tá trong quân đội. Sau 30 năm cống hiến trong ngành, năm 2005 ông về hưu. Những năm tháng xa nhà không có điều kiện để kèm cặp các con thường xuyên nên khi nhìn những đứa trẻ trong thôn vì hoàn cảnh gia đình bố mẹ không có điều kiện dạy dỗ dẫn đến học lực kém, ông thương lắm. Vậy là cộng với niềm đam mê nghề sư phạm từ thời trai trẻ, ông đã nảy ý tưởng bồi dưỡng kiến thức cho chúng.

Mấy chục năm đã qua, chương trình sách giáo khoa đã khác nhiều nên ông phải mày mò lại từ những kiến thức cơ bản nhất. Ngày đêm ông cần mẫn ôn luyện chẳng khác nào sĩ tử chuẩn bị đi thi. Khi nắm lại được kha khá kiến thức, ông bắt đầu nhận học sinh để dạy. Vì không có điều kiện cơ sở vật chất nên mỗi năm ông chỉ nhận kèm cặp khoảng 6-7 học sinh tiểu học, THCS.

Những học sinh được ông nhận dạy đều ở trong thôn và học lực còn yếu. Vì vậy, việc dạy dỗ chúng cũng khó khăn hơn nhiều. Ông Kiểm chia sẻ có người mang con đến nhà ông xin học vì học lực kém, bố mẹ không biết cách dạy con học. Ông đều vui vẻ nhận. Sau khi kiểm tra, đánh giá học lực của học sinh, ông mới lên phương án bồi dưỡng. Chẳng hạn như thời gian này ông đang dạy một học sinh lớp 8 nhưng phải giảng lại các kiến thức từ hồi tiểu học. "Nói vậy chắc cô cũng hình dung được người ta dạy học vất vả một thì tôi vất vả hơn cả mấy lần", ông tâm sự.

Ông bảo dù mình không phải thầy giáo theo đúng nghĩa nhưng lại vốn là người lính nên đã làm việc gì, nhất là những việc hữu ích cho mọi người thì phải tận tâm, tận lực. Thời gian đầu ông nghĩ chỉ rèn cho các cháu vào dịp nghỉ hè, sau khi thấy chúng tiến bộ, ông lại kèm thêm vào các buổi tối trong tuần. Để giúp một số cháu học lực quá yếu theo kịp chương trình, có khi ông dạy đến 3 buổi/ngày.

Vun những mầm xanh

Ông Kiểm dạy học hoàn toàn miễn phí. Các cháu đến học, ông chỉ yêu cầu mang một chiếc bàn con và bút vở để ghi chép. Ông dạy kiến thức theo kiểu "thiếu cái gì thì bù cái đấy", dạy để học sinh có cái gốc vững chắc. Cái gốc ấy là nền tảng để chúng phát triển những cái mới. Cùng với kiến thức, ông Kiểm còn chú trọng dạy đạo đức cho học sinh. Ông bảo, lúc nhỏ có đạo đức giúp các cháu chăm ngoan, thôi thúc ý chí hiếu học. Khi trưởng thành, đạo đức giúp con người ta chăm làm việc tốt cho đời, cho xã hội.

Cứ như thế, hơn 10 năm qua, ông Kiểm đã kèm cặp cho khoảng 60 học sinh. Mỗi đứa trẻ qua bàn tay ông đều cứng cáp hơn về cả kiến thức lẫn nhân cách. Nhẩm lại những học sinh đã "tốt nghiệp" của mình, ông Kiểm bảo hầu hết các cháu đều học lên các bậc học cao hơn.

Nguyễn Đình Sơn, sinh viên Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho biết từ hè năm lớp 7, Sơn bắt đầu theo học "thầy giáo" Kiểm. Lúc ấy Sơn học kém môn toán. Giờ đi học ở xa nhưng mỗi dịp về nhà Sơn vẫn đến thăm người thầy đặc biệt này của mình.

Một người bà con trong thôn là ông Nguyễn Hữu Sinh tin tưởng giao cả 3 đứa con của mình nhờ ông Kiểm dạy kèm. Đến nay, con gái lớn của ông Sinh đã tốt nghiệp cao đẳng, con gái thứ hai đang học đại học. Cậu con trai út Nguyễn Hữu Hoàng Anh học lớp 5 cũng đang được "thầy" Kiểm dìu dắt.

Dù tuổi đã cao nhưng ông Kiểm vẫn đau đáu ước mơ có điều kiện để thu nhận thêm nhiều học sinh hơn nữa. Lúc này ông vẫn chưa thỏa lòng vì phải từ chối một vài người để nhường cơ hội cho những cháu thật sự cần đến lớp học của ông. Công việc giản dị, thầm lặng ấy đã mang đến cho ông niềm vui tinh thần không nhỏ khi các thế hệ "học sinh" đến thăm vào những dịp lễ, Tết, Ngày Nhà giáo Việt Nam...

THANH NGA