Các công trình văn hóa nông thôn: Đầu tư lớn, hiệu quả thấp

Kinh tế - Ngày đăng : 06:32, 20/12/2017

Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), cơ sở vật chất văn hóa là tiêu chí khó thực hiện bởi cần vốn đầu tư lớn.


Không ít nhà văn hóa trung tâm xã, thôn chưa phát huy hiệu quả hoạt động (ảnh mang tính minh họa)

Nhưng sau khi dồn sức thực hiện được tiêu chí này, một số địa phương lại chưa khai thác, sử dụng hết công năng của công trình, gây lãng phí.

Hiệu quả thấp

Theo "Quy định cụ thể bộ tiêu chí về xã NTM giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Hải Dương" do UBND tỉnh ban hành ngày 30.6.2017, cơ sở vật chất văn hóa gồm 3 chỉ tiêu. Xã phải có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao; có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi; 100%số thôn có nhà văn hóa (NVH) hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng. Trong mỗi chỉ tiêu lại quy định cụ thể nội dung cần thực hiện.

Các xã đạt chuẩn NTM đều có đầy đủ các công trình văn hóa theo quy định. Ngoài việc tu sửa, cải tạo, mở rộng khuôn viên, một số địa phương còn đầu tư xây mới các công trình. Năm2014, UBND xã An Lâm (Nam Sách) xây dựng sân vận động trung tâm xã diện tích 10.000m2 với tổng kinh phí 4,9tỷ đồng. Sân vận động có tường bao, hệ thống thoát nước, phòng thay quần áo nhưng ít khi được sử dụng. Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã An Lâm cho biết: “Một năm sân được sử dụng không quá 5 lần để tổ chức hoạt động hè, Đại hội Thể dục thể thao và một vài hoạt động khác. Do nằm gần Trường THCS nên thỉnh thoảng trường đưa các cháu sang để tập thể dục”.

Theo quan sát của chúng tôi, dù mới xây dựng nhưng do ít được sử dụng và bảo dưỡng nên công trình đã có dấu hiệu xuống cấp, cánh cổng hoen rỉ, trong sân cỏ dại mọc cao và được người dân thả gà, vịt.

Khá hơn sân vận động trung tâm xã song hiệu quả sử dụng của các NVH trung tâm xã, NVH thôn cũng không cao. Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tân (Gia Lộc), để đạt chuẩn NTM, xã đã đầu tư gần 1,5 tỷ đồng để cải tạo 3 điểm trường mầm non thành 3 NVH cho các thôn (sau khi các điểm trường chuyển về trung tâm). Trước đó, UBND xã đã sửa chữa hội trường trung tâm xã. “Hầu như các NVH chỉ dùng để hội họp, rất ít khi tổ chức các hoạt động khác. Mỗi quý NVH trung tâm xã mới tổ chức hoạt  động văn hóa, văn nghệ được một lần. Các thôn đều có tủ sách, báo song không có người dân nào đến mượn”, ông Giang cho biết.

Theo ông Nguyễn Thành Vạn, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ninh Giang, các công trình văn hóa cấp xã đều được xây dựng to đẹp, song công năng sử dụng khiêm tốn, chưa tương xứng với công trình. NVH trung tâm ở một số xã trong huyện mới chỉ tổ chức các hoạt động hội họp, còn các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao thì chưa thực hiện được.

Khó khai thác hiệu quả


Do ít tổ chức các hoạt động thể thao nên sân vận động trung tâm xã An Lâm (Nam Sách) cỏ mọc cao

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các công trình văn hoá NTM chưa phát huy hiệu quả do hiện nay các phương tiện thông tin, giải trí hiện đại phát triển mạnh làm cho người dân lười đọc sách, báo in. Trong khi đó, sách, báo ở NVH thôn, xã nghèo nàn, ít được bổ sung, cập nhật mới. Hình thức bên ngoài của các công trình khá to đẹp nhưng bên trong vẫn rất thiếu thốn. Chẳng hạn như sân vận động trung tâm xã, hầu hết các địa phương mới chỉ quy hoạch đủ diện tích, xây dựng được tường bao bảo vệ, cống thoát nước, còn bên trong thiếu nhiều hạng mục công trình phục vụ thi đấu thể dục, thể thao. Ông Nguyễn Văn Tuyên cho biết thêm: "Hoạt động thể dục, thể thao ở xã An Lâm diễn ra tương đối sôi nổi, nhất là bóng đá. Thanh niên trong xã sẵn sàng bỏ tiền ra để thuê sân cỏ nhân tạo có đèn cao áp để đá chứ không chọn sân vận động xã. Trong khi đó, để đầu tư được những hạng mục đó cần rất nhiều tiền, địa phương không có kinh phí”.

Nâng cao hiệu quả hoạt động các công trình văn hóa là rất cần thiết, nhưng để thực hiện điều này rất khó. “Kinh phí dành cho các hoạt động văn hóa ở cơ sở không nhiều. Trong khi lương của cán bộ làm văn hóa tương đối thấp nên việc thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ đủ sức hút người dân tham gia rất khó”, bà Nguyễn Thị Hằng, cán bộ văn hóa xã Tân An (Thanh Hà) lý giải.

Để các công trình văn hóa phát huy hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí, những địa phương chưa đạt tiêu chí này cần rút kinh nghiệm để có kế hoạch cụ thể hơn. “Đối với những nơi đã có NVH, sân thể thao, các địa phương cần tu sửa, nâng cấp, đáp ứng được yêu cầu chứ không bắt buộc phải đầu tư xây mới. Những nơi phải xây mới cần cân đối phù hợp với nhu cầu sử dụng, không nên xây quá to, dẫn đến lãng phí. Các khu dân cư nhỏ cần họp bàn, thống nhất cùng nhau xây dựng và sử dụng chung một NVH  hoặc có thể cải tạo đình, chùa làm nơi sinh hoạt văn hoá. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần đa dạng hóa các hoạt động, thu hút nhân dân đến sinh hoạt để nâng cao công năng sử dụng”, đại diện Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh gợi ý.

THANH HÀ