Xây dựng văn hóa nông nghiệp hữu cơ

Chính trị - Ngày đăng : 07:00, 20/12/2017

Thủ tướng nhấn mạnh tới việc phải hình thành hệ sinh thái phát triển nông nghiệp hữu cơ, một văn hóa nông nghiệp hữu cơ ở nông thôn và nông dân...

Ngày 16.12, phát biểu tại Diễn đàn quốc tế “Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) Việt Nam - Phát triển và hội nhập”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập tới vấn đề văn hóa nông nghiệp hữu cơ. Thủ tướng nhấn mạnh tới việc phải hình thành hệ sinh thái phát triển nông nghiệp hữu cơ, một văn hóa nông nghiệp hữu cơ ở nông thôn và nông dân, văn hóa đó không thể theo kiểu “lợn hai chuồng, rau hai luống” như vẫn từng diễn ra. Khía cạnh văn hóa của sản xuất nông nghiệp hiện đại được đặt ra trong bối cảnh mối lo về thực phẩm bẩn đang tràn ngập là điều thực sự cần thiết và nên được quan tâm thích đáng.

Để hỗ trợ nông dân sản xuất NNHC, Nhà nước cũng như các địa phương đều có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ. Tại Hải Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân các vùng trọng điểm như vùng trồng rau ở các xã Phạm Kha (Thanh Miện), Phạm Trấn (Gia Lộc), trồng cam ở xã Thất Hùng (Kinh Môn), trồng vải ở xã Thanh Thủy (Thanh Hà)…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng xong dự thảo "Nghị định về quản lý nông nghiệp và thực phẩm hữu cơ”, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành cuối tháng 12.2017 hoặc đầu tháng 1.2018. Sau khi nghị định được ban hành, Bộ sẽ xây dựng “Đề án về nông nghiệp và thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam”. Đây sẽ là những cơ sở pháp lý quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển NNHC, cung cấp sản phẩm thực phẩm hữu cơ cũng như để cơ quan quản lý kiểm soát hiệu quả thị trường thực phẩm NNHC.

Như vậy, cả mặt kỹ thuật và pháp lý cho sản xuất NNHC đang từng bước được trang bị để hỗ trợ người sản xuất, kinh doanh một cách tốt nhất. Nhưng để có một nền NNHC bền vững thì nền sản xuất ấy phải phát triển không chỉ dựa trên những nguyên tắc về kinh tế, dưới sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng; mà cần phải xuất phát từ ý thức, trách nhiệm của những người tham gia sản xuất. Mục tiêu cuối cùng của NNHC là nhằm mục đích duy trì sức khỏe của hệ sinh thái và các sinh vật, từ các sinh vật có kích thước nhỏ nhất sống trong đất đến con người. Ý nghĩa nhân văn đó cần được xây dựng làm nền tảng cốt yếu cho văn hóa NNHC. Tình trạng “lợn hai chuồng, rau hai luống” hay khai thác cạn kiệt tài nguyên đất diễn ra từ việc đề cao lợi ích về kinh tế mà bất chấp có thể gây hại cho người tiêu dùng, làm mất cân bằng sinh thái tự nhiên. Khi xây dựng được văn hóa, đạo đức trong sản xuất nông nghiệp thì thực hiện phương pháp sản xuất hữu cơ sẽ trở thành nhu cầu tự thân, thiết yếu của mỗi nông dân dù có bị kiểm soát hay không. Khi văn hóa ấy lan tỏa thì không chỉ những hộ sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… mà mọi người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đều sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những yếu tố có thể gây hại cho con người và hệ sinh thái. Những vi phạm sẽ bị tẩy chay, cười chê chứ không còn ngang nhiên như đã từng diễn ra một cách phổ biến.

Để xây dựng được nền văn hóa sản xuất NNHC như vậy, cần đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức cho người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp cũng như toàn thể người tiêu dùng. Chỉ rõ mối nguy hại lâu dài, tác động trên diện rộng với toàn thể cộng đồng nếu tạo ra những sản phẩm không tốt cho sức khỏe con người và ảnh hưởng xấu tới môi trường. Đưa sản xuất NNHC làm một tiêu chí cộng trong xét duyệt gia đình văn hóa, làng văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Không chỉ hỗ trợ nông dân trong sản xuất mà còn giúp họ tiêu thụ nông sản sạch thuận lợi với giá trị tương xứng công sức, nguồn vốn đầu tư. Không chỉ xây dựng hành lang pháp lý mà cần có biện pháp bảo đảm các quy định được thực thi nghiêm túc, kiểm soát được thị trường nông sản, không để xảy ra tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.

LAM ANH