Trận chiến không thể quên với siêu pháo đài bay B52

Chính trị - Ngày đăng : 14:15, 23/12/2017

Đạn pháo bay ra tạo thành một đường sáng rực. Ngay sau đó, một điểm nổ rất lớn hiển hiện trước mặt người phi công, chiếc B52 của địch nổ tung.

“Khi cách máy bay B52 của địch khoảng 4km, tôi phóng hai quả tên lửa. Đó cũng là lần đầu tiên tôi bắn tên lửa trong đêm, bầu trời phía trước mặt bỗng sáng lòa. Hai quả tên lửa nối tiếp nhau, tạo thành một đường sáng rực. Liền ngay sau đó, tôi thấy hiển hiện trước mắt một điểm nổ rất to, B52 của địch nổ tung…”

Ký ức ùa về như thước phim quay chậm, mở ra trước mắt Trung tướng-Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân những câu chuyện trong đêm đầu tiên (đêm 27.12.1972) lực lượng không quân Việt Nam bắn hạ được “siêu pháo đài bay” B52 của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

"Món nợ" của không quân Việt Nam

Chiến dịch Linebacker II (kéo dài từ ngày 18.12-30.12.1972) là chiến dịch quân sự cuối cùng của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Trong chiến dịch này, Mỹ đã sử dụng lực lượng không quân chiến lược với máy bay B52 làm nòng cốt, để ném bom rải thảm Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác.

Suốt 12 ngày đêm liên tục của chiến dịch, 193 máy bay B52 đã xuất kích 663 lần để đánh phá miền Bắc.

“Đây là cuộc đối đầu trực diện, mang ý nghĩa chiến lược của quân và dân ta với lực lượng không quân Mỹ. Những phương tiện, vũ khí chiến tranh hiện đại, tối tân bậc nhất đương thời của địch đã thất bại trước sức mạnh to lớn của ý chí quật cường và nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam,” đôi bàn tay nắm chặt, Trung tướng Phạm Tuân nói, giọng quả quyết.


Cận cảnh máy bay B52 bị quân và dân ta bắn rơi (Ảnh: TTXVN)

Thời gian này, ông là phi công thuộc Trung đoàn Không quân 921 (Quân chủng Phòng không Không quân).

Trung tướng cho biết, từ năm 1967, Trung đoàn Không quân 921 đã thành lập phi đội bay đêm và luyện tập để đánh máy bay B52. Thời kỳ đó, máy bay B52 được coi là “siêu pháo đài bay,” “quả đấm thép” của quân đội Mỹ. Mỗi chiếc máy bay B52 có thể mang theo 30 tấn bom. Nói khác đi, đây là một trong ba loại vũ khí chiến lược của Mỹ (cùng với tàu ngầm nguyên tử và tên lửa hạt nhân), được sử dụng để triển khai các cuộc chiến tranh hiện đại.

Mạch truyện nối dài, người phi công năm xưa nhớ lại những khó khăn, hiểm nguy mà quân và dân ta gặp phải trong cuộc chiến này. Trước khi đưa B52 ra đánh phá miền Bắc, phía Mỹ đã tìm hiểu rất kỹ về lực lượng và phương tiện chiến đấu của quân ta.

“Địch nắm khá rõ tình hình của ta, biết rõ ta có các loại vũ khí chiến đấu (pháo, máy bay, tên lửa…) nào; thậm chí, còn hiểu khá rõ về địa thế, đặc điểm từng sân bay của ta ở miền Bắc. Bởi vậy, khi sử dụng ‘pháo đài bay’ B52 tham chiến, địch tự tin vào khả năng giành chiến thắng của mình,” Trung tướng Phạm Tuân cho hay.


Các chuyên gia Liên Xô xem xét xác chiếc máy bay ném bom “B-52” bị bắn rơi ở Hà Nội tháng 12 năm 1972 (Nguồn: Triển lãm ảnh Thời chiến tranh Việt Nam)

Theo lời kể của vị Tướng già, trong 12 ngày đêm khói lửa cuối năm 1972, mỗi lần không quân của ta xuất kích tại các sân bay, địch đều nắm được. Hơn nữa, khi tham chiến, xung quanh B52 thường có nhiều loại máy bay khác (như F100, F111…) bay cùng để yểm trợ.

“Những loại máy bay này có khả năng làm nhiễu sóng rađa rất tốt. Bởi vậy, mặc dù đã phối hợp tốt với các lực lượng phòng không khác (không quân đánh vòng ngoài, tên lửa bắn vòng trong tại các vị trí cách Hà Nội khoảng 40-50 km) nhưng lực lượng không quân của ta vẫn rất khó phát hiện ra B52 để triển khai tấn công,” Anh hùng Phạm Tuân cho biết.

Nói rồi, vị Tướng già bỗng ngưng lại, đôi mắt nhìn xa xăm. “Đến thời điểm trước đêm 27.12.1972, nhiều lực lượng đã bắn rơi được B52 mà lực lượng không quân chưa hạ được chiếc B52 nào. Mặc dù, trên thực tế, không quân bay lên phá đội hình địch, làm tản nhiễu để lực lượng phòng không mặt đất thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Tuy nhiên, với lính không quân chúng tôi khi đó, việc chưa trực tiếp hạ được một đối thủ B52 nào vẫn là một món nợ!” ông nói, giọng chùng xuống.



"Pháo đài bay" gục ngã

Trung tướng Phạm Tuân trầm ngâm nhìn mô hình MIG21 - chiếc máy bay mà ông từng xuất kích nhiều lần trong trời đêm miền Bắc để làm nên những phút giây lịch sử.

Tối 18.12.1972, phi công Phạm Tuân trực ở sân bay Đa Phúc (Nội Bài). Khoảng hơn 19 giờ, ông nhận được thông báo B52 sẽ vào Hà Nội.

“Tôi được lệnh nổ máy, cất cánh; cấp trên cho phép vòng phải và bay qua Hà Nội đi thẳng Ba Vì và ra Suối Rút, Hòa Bình. Qua Hòa Bình, tôi phát hiện một tốp B52. Đó là lần đầu tiên tôi thấy B52 bật đèn. Những chiếc máy bay F4 yểm trợ xung quanh cũng bật đèn. Sở chỉ huy cho phép công kích. Tôi kéo máy bay lên, bật rađa. Tuy nhiên, địch đã phát hiện sóng rađa của mình nên gây nhiễu luôn, rồi tắt đèn, ẩn mình vào bầu trời đêm,” Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại.

Sau trận đối đầu trực diện không thành công ấy, suốt tám ngày sau đó, lực lượng không quân bay đêm vẫn chưa trực tiếp bắn hạ được chiếc B52 nào. “Khoảng thời gian ấy, chúng tôi thường tự trách mình, trong lòng vẫn canh cánh một ‘món nợ’ chưa trả. Chúng tôi không sợ địch, không sợ hy sinh; chỉ sợ không hoàn thành nhiệm vụ, không bắn hạ được ‘pháo đài bay’ của Mỹ để bom B52 rơi vào Hà Nội,” vị Tướng già chia sẻ.


Anh hùng Phạm Tuân trên chiếc máy bay chiến đấu (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Theo lời kể của ông, mỗi lần xuất kích, từ cấp trên đến đồng đội, đồng chí dẫn đường, anh thợ máy… đều động viên: “Cố bắn một chiếc nhé!”

Khó khăn chồng chất khó khăn. B52 chủ yếu bay đêm, lại có nhiều loại chiến đấu cơ khác bay xung quanh yểm trợ với khả năng gây nhiễu sóng cao. Không chỉ có vậy, địch thường chọn đánh vào các sân bay để phá hủy cơ sở hạ tầng, khiến quân ta không xuất kích được.

“Có những đêm, khoảng 500 chiếc máy bay các loại quần thảo trên bầu trời Hà Nội. Vậy, để bắn hạ được B52, cần có sự phối hợp, tính toán chặt chẽ của phi công, người dẫn đường, chỉ huy mặt đất… Do bị gây nhiễu sóng rađa nên không ít lần, B52 của địch đến thì ta lại bay dưới bụng nó, thấy địch mà không thể làm gì,” cựu phi công Trung đoàn Không quân 921 kể.

Sau đó, các phi đội bay chủ lực được đưa về các sân bay ở bên ngoài Hà Nội (như Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa…); đồng thời, cũng sử dụng các trạm rađa ở xa trung tâm Hà Nội để dẫn đường cho máy bay của quân ta xuất kích chiến đấu với B52 của địch.


Anh hùng Phạm Tuân trong chuyến bay vào vũ trụ lịch sử (Ảnh: TTXVN)

“Có một lợi thế rất lớn khi xuất kích từ các sân bay bên ngoài Hà Nội là phi công chủ động được tốc độ, độ cao. Từ đó, khi phát hiện được B52, phi công có thể cơ động tiếp cận được nhanh nhất và quan sát bằng mắt thường để bắn (thay cho việc dùng rađa chỉ huy) . Kinh nghiệm bay đêm đã cho thấy, B52 có bật đèn khi bay đêm. Nhờ đó, ta sẽ dễ dàng phát hiện ra mục tiêu. Nếu sử dụng rađa, địch sẽ lập tức gây nhiễu sóng và tắt đèn, rút đi,” Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân phân tích.

Khoảng 16 giờ ngày 27.12.1972, phi công Phạm Tuân được lệnh điều khiển máy bay Mig-21 lên trực ở sân bay Yên Bái. Khoảng 21 giờ cùng ngày, ông được lệnh mở máy xuất kích. Đây là lần đầu tiên phi công Việt Nam bay đêm ở sân bay Yên Bái. Trong ký ức của vị Tướng già, đó là một đêm trời Yên Bái nhiều mây, thời tiết xấu, dẫn đến khó quan sát.

“Trong lúc bay lên, tôi gặp một tốp máy bay F4 nhưng cấp trên đã hạ lệnh: ‘Cơ động vượt qua.’ Sau đó, tôi được thông báo, B52 đang cách đó khoảng 200km và khoảng cách này liên tục được rút ngắn. Khi ở độ cao khoảng 6km, tôi chủ động ném thùng dầu phụ, bật tăng lực và kéo máy bay lên cao. Trong lúc đó, tôi phát hiện hai chiếc B52 ở phía trước với hai dãy đèn. Tôi tập trung cao độ bởi với tốc độ của B52 khi đó (khoảng 900km/h), nếu lơ là một vài giây là khoảng cách với mục tiêu có thể kéo giãn ra cả cây số,” giọng ông sang sảng, hào hứng kể.


Trung tướng Phạm Tuân tại buổi giao lưu nghệ thuận nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11.6.1948 – 11.6.2013) tại Hà Nội (Ảnh: Dương Giang - TTXVN)

Số hiệu của phi công Phạm Tuân trong chiến dịch ấy là 361. Khi cách mục tiêu khoảng 4km, ông nghe được lệnh: “361, bắn! Thoát ly bên trái!”

Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại, dù đã nhận được lệnh bắn nhưng khi đó, ông quan sát thấy B52 địch còn xa, đèn chưa thực rõ nên chưa bắn, tiếp tục chờ đợi. “Ông Trần Hanh - Phó Tư lệnh Binh chủng Không quân sợ tôi ham quá sẽ đâm phải máy bay địch nên tiếp tục hô to hai lần: ‘361, bắn! Thoát ly ngay bên trái!’,” vị Tướng già nhớ lại những giờ phút làm nên lịch sử.

Khẩu lệnh thứ ba của chỉ huy kết thúc cũng là lúc ông chỉnh xong điểm ngắm. Thấy tín hiệu tên lửa tốt, ông phóng hai quả tên lửa nối tiếp nhau, đạn pháo bay ra tạo thành một đường sáng rực. Ngay sau đó, một điểm nổ rất lớn hiển hiện trước mặt người phi công, chiếc B52 của địch nổ tung. Món nợ của không quân Việt Nam trong chiến dịch này đã được trả.

45 năm sau trận chiến không thể quên với siêu pháo đài bay của Mỹ, Trung tướng Phạm Tuân đã lui về nghỉ ngơi tại căn phòng nhỏ ở phố Cù Chính Lan (Thanh Xuân, Hà Nội). Nhưng ông bảo: Trận đánh ấy chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí ông, như một quãng đời đẹp đẽ và hào hùng nhất.


Cận cảnh máy bay MIG 21 của anh hùng Phạm Tuân hạ gục B52 Mỹ

Theo Vietnam+