Thông điệp từ những bức tranh thánh

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 09:52, 25/12/2017

Hội họa sơn dầu vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 được đánh dấu bằng bức tranh “Bình văn” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.


Đức mẹ Đồng trinh và Chúa Hài đồng

Những bức tranh tại nhà thờ Thiên chúa giáo xứ Hải Dương cũng được vẽ từ khoảng thời gian ấy, đến nay đã qua hơn một thế kỷ, trở thành di sản hội họa châu Âu sớm nhất ở tỉnh ta.

Vào những ngày cuối năm 2017, tôi cùng ông Phạm Quý Mùi, một chuyên gia lịch sử của TPHải Dương đến xem và tìm hiểu về những bức tranh vẽ tại nhà thờ Thiên chúa giáo Hải Dương.

Chúng tôi hết sức ngạc nhiên và thú vị trước những bức tranh vẽ trực tiếp trên sảnh tường cao của nhà thờ với màu sắc còn tươi gần như mới. Ngoài giới hạn hình bán nguyệt của phần tường có các bức tranh còn lộ những nét bút chờm ra ngoài, cho cảm nhận thấy bàn tay của họa sĩ đã vẽ bức tranh như còn hiện hữu. Cũng từ đó mà sức biểu cảm của bức tranh, giá trị lịch sử qua năm tháng như một thông điệp đối thoại với người xem.

Nhà thờ này được xây dựng từ năm 1876, hoàn thành năm 1885. Theo Linh mục Chính xứ Dương Hữu Tình thì những bức tranh này được vẽ trực tiếp lên tường từ sau khi xây dựng xong nhà thờ một số năm.

Ở vị trí phía trên và hai bên giáo đường có nhiều bức tranh thể hiện thế giới đức tin về Chúa Trời và thiên đường. Đối chiếu với lịch sử hội họa Cơ đốc giáo, hội họa Gô-tích và Phục hưng châu Âu thì những bức tranh về Thiên chúa giáo được vẽ và đặt trên cao cho thấy đó là một thế giới ở trên chúng sinh cả vật chất lẫn tinh thần vốn có từ những nền văn minh Hy Lạp - La Mã. Nền nghệ thuật này ít tính thần bí và mang nhiều tính nhân bản, nhân văn.

Các bức tranh này chủ yếu miêu tả theo phong cách tả thực của hội họa Phục hưng châu Âu từ thế kỷ XV trở đi, đặc biệt là hội họa Gô-tích của Italia, Hà Lan. Các bức tranh là những tích truyện trong Kinh thánh với những nhân vật hòa trong khung cảnh thiên nhiên hoặc trên trời với những đám mây nửa thực, nửa hư, gây cảm giác như ta đang vừa ở hiện thực, trong chốc lát đã ở thiên đường. Đứng trước những bức tranh này, cảm nhận của con người thật nhỏ bé trong một thế giới bao la. Những con người trở nên nhỏ bé trước giáo đường lộng lẫy, vút lên đấng tối cao. Đó là tinh thần của các bức tranh về Thiên chúa giáo.

Bức Đức mẹ Đồng trinh và Chúa Hài đồng trong gia đình thần thánh mang tính phổ biến trong các tranh thánh. Bên cạnh đó là một vị giáo hoàng, một tay dâng  rổ nho, hoa quả, chăm sóc, bảo vệ Chúa Hài đồng. Khung cảnh êm đềm, pha chút thần bí nhưng tạo sự an nhiên trong một thế giới cảnh sắc và con người hòa quyện.


Đức Mẹ lên trời

Bức tranh Đức Mẹ lên trời trong trang phục Do Thái, chung quanh là vô vàn lớp mây trùng điệp. Các thiên thần có cánh vây quanh. Phía trên, sau Đức Mẹ là một vầng hào quang mặt trời, tượng trưng cho Chúa. Phía dưới chân là ánh trăng, tượng trưng cho Đức Mẹ. Đức Mẹ được thể hiện trong khung cảnh như đang ở thế giới của đấng tối cao.

Một bức khác thể hiện đề tài thánh Phan-xi-cô trên giá đóng đinh câu rút. Vị thánh này luôn chú trọng đến bảo vệ môi trường. Ngày của vị thánh này cũng là Ngày Quốc tế bảo vệ môi trường. Ông được một vị chúa tốt lành ôm lấy. Tích Công giáo đều ghi lại đời sống tốt lành của vị thánh Phan-xi-cô.      

Ở dãy bên phải là bức tranh mô tả một linh mục (chúa bảo vệ) đang trông nom đàn cừu đông đúc, dài như vô tận từ vị trí cận cảnh đến chân tòa thánh. Con cừu - đàn cừu - được ví là những con chiên của Chúa. Con cừu là vật hiền từ, cũng là vật hiến sinh của người Do Thái, được tín đồ Cơ đốc đầu tiên chọn làm biểu tượng cho sự hy sinh của Chúa cứu thế. Chúa đã nói: “Đây là con cừu của Chúa Trời”. Phía trên vị linh mục là một vầng hào quang, tượng trưng cho Chúa Trời ở trên. Xa xa, phía trên tòa thánh và thánh giá có một vầng sáng vút lên trời, gây cảm nhận đó là vầng sáng như con đường mà các con chiên được lên trời.  


Chúa luôn nghe thấy, nhìn thấy

Một bức tranh khác mang thông điệp cụ thể hơn. Ở giữa bức tranh là một linh mục tay cầm thánh giá, tay giơ lên như ôm lấy chúng sinh. Vòng cung phía trên bức tranh là các dòng chữ biểu thị giáo lý của Công giáo. Phần trung tâm của tranh, bên trái vẽ một cái tai, ở giữa là một con mắt và ở bên phải là một bàn tay cầm chiếc lông ngỗng đang viết trên một cuốn sách và các dòng chữ thể hiện giáo lý của tòa thánh được viết nên từ những điều nhìn thấy, nghe thấy. Ở phía dưới bức tranh là hình ảnh chiếc cân, một bên là những thiên thần, một bên là quỷ dữ, tượng trưng cho sự việc trên thế giới này có thể tồn tại vĩnh cửu hay chốc lát. Điều thiện và cái ác như một quy luật nhân quả. Đức Chúa Trời luôn luôn thấu tỏ, cân đong được. Bức tranh như một khuyến cáo với mọi người, ai làm điều thiện hay điều xấu, Chúa đều biết và ghi lại. Từ đó có thể hiểu giáo dân đến với giáo xứ hãy sống tốt đẹp để được hưởng những điều tốt lành.


Chết lành

Hai bức tranh đối diện trên cao phía gần cửa ra vào  diễn tả hai cảnh trái ngược nhau, gọi là bức Chết lành và Chết dữ. Người chết lành rất nhẹ nhàng, có nhiều người chung quanh thể hiện sự tiếc thương. Người vợ bên cạnh như đang níu kéo, giành giật lấy sự sống của người chồng. Một vị Cha đến cầu giúp người sắp ra đi ở những giây phút cuối cùng được thanh thản. Trên cùng là Chúa Cha và Chúa con đến đón. Bức Chết dữ, Cha cũng đến nhưng không giúp gì cho người sắp chết. Người vợ cũng khóc lóc, nhưng phía sau đã có mấy con quỷ đến để lôi người này đi. Thiên thần có cánh cũng quay đi. Dưới chân giường của người sắp chết là một cái túi với con rắn, biểu thị của cải của người này là những gì gắn với điều ác. Mặc dù cô vợ cúi mặt khóc ở bên nhưng người sắp chết lại hướng về bức ảnh của một người nào đó như một sự biểu thị không chung thủy. Người này đã bị mất linh hồn. Cửa địa ngục đang đợi.

Các bức tranh được vẽ trực tiếp trên tường, có thể bằng chất liệu tempera và sơn dầu từ cuối thế kỷ 19 với kỹ thuật tả thực nhuần nhuyễn, hình ảnh con người, cảnh vật theo ước lệ xa gần rất chuẩn mực. Nhiều bức hiện còn màu sắc tươi nguyên gần như mới.

HUY CHƯƠNG