Rồi mình cũng già như mẹ

Đời sống - Ngày đăng : 18:18, 25/12/2017

Sao bữa nay canh chua lại có vị dầu gội đầu thế em? - Anh Kha hỏi vợ.



Nghe chồng hỏi vậy, chị Thanh hớt hải chạy vào.

- Chắc lại là mẹ đây mà. Em đã dặn mẹ ngồi yên một chỗ rồi. Thế nào mẹ lại lấy được dầu gội đầu cho vào nồi canh được chứ? - Chị Thanh phân trần.

Bữa cơm hôm đó, nhà anh Kha đành đổ cả nồi canh đi.

Bà Khi, mẹ anh Kha năm nay đã ngoài 80 tuổi. Bà sinh được 8 người con, 4 trai, 4 gái. Chồng bà mất đã lâu. Nay bà nương tựa tuổi già vào vợ chồng anh Kha, con trai áp út. Khoảng 2 năm nay, bà bị lẫn nhiều. Ban đầu chỉ là chứng hay quên vặt, lâu dần bà quên tên con cháu, thậm chí quên cả tên mình.

Trước đây, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu giữa bà với chị Thanh rất tốt. Từ ngày bà đau yếu, chị vẫn ân cần chăm sóc. Nhưng gần đây chị cảm thấy hơi ái ngại bởi chứng hay quên, lú lẫn của bà.

Chị Thanh trước đây làm công nhân may cho một công ty gần nhà. Từ ngày sinh con thứ 2, chị nghỉ hẳn để chăm các con và trông nom bà Khi. Kinh tế gia đình khó khăn, công việc lúc nào cũng dồn lên đôi vai khiến chị chẳng được nghỉ ngơi. Mỗi lần ức chế, chị cằn nhằn thì anh Kha lại dịu giọng:

- Mẹ già rồi, mai kia mình cũng già như mẹ.

Vẫn biết vậy. Chị Thanh không nói gì rồi quẳng tiếng thở dài vào trong yên lặng. Chị biết, rồi đây sẽ là chuỗi ngày dài đầy mệt mỏi.

Một buổi sáng giữa đông mưa rét, chị vừa chạy ra chợ mua được mớ rau với vài con cá. Ở nhà, có bao nhiêu chăn bông, bà Khi mang ra giặt hết. Thấy hàng chăn phơi trên dây, chị Thanh định chạy vào nhà trút vài ba câu cho vơi phần bực bội nhưng khi nhìn cảnh mẹ chồng ngồi co ro nơi góc giường, chị lại kìm lòng.

Ngôi nhà nhỏ của anh chị cứ như vậy ngày này qua ngày khác. Chị Thanh phải tự thích nghi với những hệ lụy từ bệnh mất trí nhớ của mẹ chồng. Mỗi lần đi ra khỏi nhà, chị Thanh đều phải khóa trái cổng, phòng trường hợp bà Khi đi quên đường về. Nhưng bà Khi thường ra bám cổng, gặp ai đi qua bà cũng nói với theo:

- Vợ chồng nó ăn ở tệ bạc, nhốt mẹ trong nhà lại không cho ăn uống gì!

Người ngoài nghe thấy tưởng thật, cho là vợ chồng chị Thanh ngược đãi bà Khi. Người ta xì xầm, dị nghị. Một lời dị nghị ở làng chẳng cần đến 2 ngày đã trở thành những lời đồn thổi ác ý. Vợ chồng chị Thanh ra đường đều bị mọi người dò xét bằng những ánh mắt lạ lẫm.

- Chị Thanh này, tôi nghe thấy bà cụ nói vậy, có thật không? - Một người hàng xóm hỏi chị Thanh.

Chị Thanh ấm ức ôm mặt khóc. Chị chạy một mạch về nhà giãi bày cơ sự với anh Kha. Chị đòi anh Kha phải gọi điện ngay cho 7 anh em còn lại về họp gia đình. Biết rằng mình ăn ở ngay thẳng nhưng nếu anh em trong nhà không chịu hiểu, cho rằng chị ăn ở độc địa với bà Khi thì sao?

Anh Kha không nói gì.

Đêm đó chị Thanh sốt cao, họng cháy rát. Một phần do vất vả, phần còn lại có thể do chị nghĩ nhiều. Không biết từ lúc nào, những suy nghĩ có phần ích kỷ cứ len lỏi trong đầu chị. Chị cho rằng, ngoài chồng chị còn có 7 anh em khác. Tài sản anh chị chẳng được chia hơn. Anh Kha không phải con trưởng cũng chẳng phải con út, sao anh chị phải gánh hết trách nhiệm nuôi mẹ về mình?

Hai ngày sau chị vẫn nằm liệt trên giường, không thiết ăn uống. Con trai lớn bưng bát cháo nóng hổi, thơm phức đến gần rồi hỏi chị mấy câu chẳng ăn khớp:

- Mai kia mẹ có già như bà nội không?

Chị gật gật. Nó nói tiếp như cố dỗ dành để chị ăn thêm từng thìa cháo nhỏ:

- Mẹ không đi được, con sẽ cõng mẹ. Mẹ không xúc cơm được con sẽ bón cho mẹ ăn...

Chị bỗng thấy đắng ở cổ họng. Chị nghĩ về một ngày xa xôi rồi chị cũng sẽ già, nằm một chỗ như thế này... Lúc ấy chị sẽ cần các con của chị lắm như bà Khi lúc này đang cần đến bàn tay chăm sóc của anh chị. Nhìn sang phía giường bà Khi nằm, nước mắt chị trào ra.

LÊ HƯƠNG