Phòng, trị bệnh tụ huyết trùng ở gà
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 16:46, 27/12/2017
Triệu chứng của gia cầm mắc bệnh này là lúc đầu sốt cao, ít vận động, thở khó, chảy nước mũi, nước rãi, mào tím tái. Sau đó gia cầm đi ngoài phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh đôi khi lẫn máu, liệt chân.
Nếu vi khuẩn gây bệnh có độc lực cao thì gà mắc ở thể quá cấp tính, chết rất nhanh, có thể chết đột ngột khi chưa có biểu hiện triệu chứng của bệnh nên còn gọi là bệnh toi gà. Một số gia cầm sau khi ăn no tự nhiên lăn ra chết mà không có biểu hiện ốm hoặc gà mái nhảy lên ổ rồi nằm chết luôn tại chỗ, gà ăn no rồi lên chuồng, sáng hôm sau thấy chết trên chuồng. Xác gà chết vẫn béo và da tím tái.
Để phòng bệnh tụ huyết trùng ở gà cần thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Vệ sinh chuồng trại khu chăn nuôi sạch sẽ, tránh gió lùa, bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, thức ăn nước uống đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh. Phun thuốc sát trùng (Iodine, Benkocid, Chloramin...) chuồng trại, khu chăn nuôi để tiêu diệt mầm bệnh định kỳ 1 tuần/lần.
Tiêm vaccine phòng bệnh tụ huyết trùng cho đàn gà khỏe mạnh (cách sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất). Trộn thuốc kháng sinh như Ampi-Coli, Hanflox, Genta-Costrim... vào thức ăn hoặc nước uống cho gà, đặc biệt vào thời điểm giao mùa nên dùng kháng sinh phòng trước 1- 2 tuần.
Nếu phát hiện trong đàn gà có con có những biểu hiện triệu chứng của bệnh tụ huyết trùng phải tách ra khỏi đàn và điều trị toàn đàn (kể cả con khỏe). Dùng các loại kháng sinh như Streptomyxin, Ampi-Kana hoặc Kanamyxin... tiêm bắp với liều 1g/15 kg thể trọng. Ngày tiêm 2 lần, tiêm liên tục 3 ngày liền. Kết hợp với các thuốc kháng sinh cho gà ăn hoặc uống: Ampi-Sep, Thiaphenicol, Hamcoli - Fort... với liều 1g/2kg thể trọng/ngày. Dùng liên tục 5 ngày liền. Bổ sung chất điện giải, men tiêu hóa sống, Sorbitol B12, B-Complex... để tăng sức đề kháng cho gà.
Bác sĩ thú y HOÀNG THỊ NGUYỆT(Trạm Thú y huyện Nam Sách)