Tổng Bí thư: Nghiêm minh với cả lãnh đạo cao cấp của Đảng

Chính trị - Ngày đăng : 08:19, 28/12/2017

Các vụ án tham nhũng, kinh tế đã làm rất kiên quyết, nghiêm minh, kể cả với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, đương chức và đã nghỉ hưu - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị

Lần đầu tham dự hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh thành tổ chức hôm nay 28.12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu dài, đề cập toàn diện cả những kết quả vui mừng và những khó khăn, chướng ngại.

 Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự hội nghị.

Thành viên Thường trực Ban Bí thư - Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra trung ương Trần Quốc Vượng, Trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính,Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng, trưởng ban Dân vận trung ương Trương Thị Mai, trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các tổ chức chính trị - xã hội cũng có mặt.

Các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh dự tại điểm cầu Hải Dương. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lần đầu dự họp trực tuyến của Chính phủ

Hội nghị có khoảng gần 6.000 đại biểu từ các điểm cầu Hà Nội, 63 tỉnh thành, các ủy viên trong Ban Chấp hành trung ương, bí thư các tỉnh thành, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND các tỉnh thành trong cả nước theo dõi.

Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự hội nghị trực tuyến cuối năm này của Chính phủ có thể coi là điều chưa từng có tiền lệ. Bởi trong hoạt động của các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, từ trước tới giờ Tổng bí thư mới chỉ xuất hiện tại các kỳ họp của Quốc hội với tư cách chủ yếu là đại biểu Quốc hội.

Trao đổi với báo chí trước đó, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: "Việc mời Tổng Bí thư dự họp và phát biểu chỉ đạo là để có sự đánh giá thêm về những việc làm được và chưa được của cơ quan điều hành trong năm qua. Sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng bí thư cũng để khắc phục tình trạng ‘trên nóng dưới không nóng, trên nóng dưới… vẫn lạnh’ hiện nay. Có thông điệp quyết liệt từ người đứng đầu hệ thống sẽ mang lại hiệu quả lớn".

Cán bộ nào lơ là cần thay thế ngay

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Năm 2017, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, phức tạp, hạn chế, nhất là tình trạng thiên tai nặng nề, nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. Nhưng với quyết tâm, kiên định, chúng ta đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu đề ra".

Tổng bí thư cùng Chính phủ trực tuyến với 63 tỉnh thành - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: TTXVN

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng đạt 6,81%, chủ yếu nhờ tiềm năng, lợi thế, chứ không đến từ khai khoáng. Môi trường kinh doanh chuyển đổi tích cực. Sự tăng trưởng vượt bậc của chỉ số chứng khoán cho thấy niềm tin của xã hội, thị trường, DN vào kinh tế Việt Nam ngày càng bền vững.

"Nhiều đại án tham nhũng được xử lý nghiêm minh, lấy lại niềm tin trong nhân dân. Từ đó tạo niềm tin ngày càng lớn hơn về đất nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, phát triển", Thủ tướng nói.

"Tuy nhiên, nếu chúng ta hài lòng, không cố gắng thì cỗ máy phát triển đó sẽ dừng lại. Do đó cần tiếp tục cố gắng, phát huy các thành tựu đã đạt được để tạo sự phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn".

Bên cạnh những kết quả, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại như tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, xử lý nợ xấu còn hạn chế, còn nhiều DN thua lỗ… Quy mô nền kinh tế còn thấp, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, cải cách hành chính còn bất cập, tái cơ cấu kinh tế chưa đạt được mục tiêu đề ra.

"Vấn đề mấu chốt là con người. Muốn tái cơ cấu thành công, muốn khắc phục những hạn chế yếu kém thì trước hết phải bố trí lại đội ngũ cán bộ, tái cơ cấu bộ máy, con người. Phải phát huy những cán bộ, con người tốt, năng động, phù hợp với công việc", Thủ tướng nói.

"Năm 2018 cần tiếp tục quyết liệt: kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, đề cao trách nhiệm cá nhân, xây dựng nền công vụ trong sạch, quyết tâm loại trừ tham ô, nhũng nhiễu. Hãy hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để chớp cơ vươn lên. Cán bộ nào lơ là trách nhiệm, thiếu nhiệt huyết cần được thay thế ngay".

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc

Tổng bí thư cùng Chính phủ trực tuyến với 63 tỉnh thành - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình - Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình báo cáo: Năm 2017, giá tiêu dùng bình quân tăng 3,53%, lạm phát cơ bản tăng 1,41%, tín dụng tăng khoảng 19%, mặt bằng lãi suất giảm 0,5-1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối, giá trị đồng tiền Việt Nam ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục 51,5 tỷ USD. 

Tổng thu NSNN tăng trên 2,3% so với dự toán và tăng trên 13% so với năm 2016; bội chi 3,42% GDP (Quốc hội thông qua là 3,5% GDP). 

Xuất khẩu ước đạt gần 214 tỷ USD, tăng 21,1%; trong đó hàng nông, lâm, thủy sản đạt trên 36 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt 420 tỷ USD; xuất siêu 2,7 tỷ USD. 

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung ước đạt 29,7 tỷ USD, tăng 44,2%; vốn thực hiện đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8%. Thị trường chứng khoán vượt mốc 950 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước khoảng 33,3% GDP, tăng 12,1%.

Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực với gần 127 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký tăng 45,4% và gần 26,5 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại. 

Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137; Ngân hàng Thế giới xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. 

Tăng trưởng GDP đạt 6,81%; các ngành, lĩnh vực chủ yếu đều chuyển biến tích cực.

Hệ thống hành chính đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa trên 5.000 thủ tục, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh tinh giản biên chế; giảm 3% biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước. 

Thực hiện nghiêm kỷ luật hành chính, cấm uống bia, rượu trong giờ làm việc, buổi trưa; cấm biếu quà lãnh đạo trong dịp Lễ, Tết; cấm sử dụng xe công vào việc riêng, đi lễ hội; chấn chỉnh việc cấp biển số xanh cho ô tô doanh nghiệp và nhận ô tô do doanh nghiệp biếu tặng.

Tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra

Các hạn chế, yếu kém, theo phó thủ tướng Trương Hòa Bình, là tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn. Cơ cấu lại nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ ở một số vùng, địa phương triển khai chậm, lúng túng, chưa gắn với thị trường. 

Quản lý phát triển đô thị còn nhiều hạn chế. Nhiều cơ chế, chính sách còn bất cập; điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực rườm rà. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp.

Tinh thần, thái độ phục vụ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Xây dựng Chính phủ điện tử chậm. 

Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng, phức tạp, phần lớn liên quan đến đất đai. Chậm xử lý một số vụ việc vi phạm pháp luật hình sự, để tội phạm bỏ trốn. 

Tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn diễn biến phức tạp. Xảy ra nhiều vụ trọng án, tội phạm ma túy, chống người thi hành công vụ và tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức.

Năm 2018: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả

Tổng bí thư cùng Chính phủ trực tuyến với 63 tỉnh thành - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trình bày dự thảo nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Năm 2018 Chính phủ xác định phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả".

Các trọng tâm chỉ đạo điều hành gồm: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô; quyết liệt cải cách hành chính; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. 

Đồng thời, thực hành dân chủ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. 

Một số chỉ tiêu cụ thể: GDP tăng 6,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8-10%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khoảng 10%, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 15 triệu lượt, thành lập mới khoảng 135 nghìn doanh nghiệp. 

Về tài chính, chỉ tiêu tăng thu ngân sách NN là 3%, chi đầu tư phát triển đạt 26% tổng chi NSNN, chi thường xuyên khoảng 64,1%. Dư nợ công khoảng 63,9%; nợ Chính phủ khoảng 52,5%; nợ nước ngoài của quốc gia 47,6% GDP. 

Về cải cách hành chính, chỉ tiêu là đơn giản hóa, cắt giảm 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm 2,5% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2017, giảm 1,7% biên chế công chức và giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015.

Quyết liệt và đồng bộ


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hải Dương

9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Chính phủ đưa ra gồm: 1. Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

2. Tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ 3 đột phá chiến lược.

3. Tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

4. Bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội.

5. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

6. Thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo.

7. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, cứu hộ, cứu nạn; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

8. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông.

9. Tăng cường công tác phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc VN và các đoàn thể, quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp đề ra.

Chủ tịch Đà Nẵng nói về Vũ "nhôm"

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đề cập đến vụ việc khởi tố, điều tra, truy nã đối với ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ "nhôm".

Ông Thơ cho biết, trong nhiều năm qua, nhất là thời gian gần đây dư luận Đà Nẵng rất quan tâm, bức xúc về vụ việc của ông Vũ, làm hưởng đến uy tín của địa phương. 

"Gần đây các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý ông Vũ. Tuy nhiên dư luận Đà Nẵng cho rằng các vụ việc nổi cộm liên quan đến ông Vũ chủ yếu là đất đai, bất động sản, nhưng quyết định khởi tố chỉ nói 'làm lộ bí mật Nhà nước', do đó đối tượng đã có đủ thời gian để xử lý các vấn đề liên quan đến tài sản, đất đai, chứng cứ", ông Thơ nói.

Trước vụ việc này, Chủ tịch Đà Nẵng nói đã kịp thời chỉ đạo thông tin để đảm bảo định hướng dư luận, đồng thời có văn bản báo cáo cấp trên. 

"Đà Nẵng cũng vừa nhận được văn bản của các cấp đề nghị phối hợp rà soát, xác định lại tài sản của ông Vũ, tạm giữ các tài sản tại Đà Nẵng, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Công an tăng cường chỉ đạo truy bắt đối tượng Phan Văn Anh Vũ", ông Thơ nói. 

"Khẩn trương thanh tra, điều tra sớm xử lý các vụ việc liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ có dấu hiệu tiêu cực để kịp thời xử lý, không để kéo dài gây bức xúc dư luận". 

Cụ thể hơn, ông Huỳnh Đức Thơ nói khi các cơ quan chức năng đang điều tra, Vũ "nhôm" đã rút vốn ra khỏi 5 công ty và nhiều công ty khác và chuyển nhượng các tài sản cá nhân.

"Đề nghị sớm xử lý các tài sản đứng tên ông Vũ và các tài sản nghi vấn đề thuận lợi cho việc điều tra và xử lý sau này", chủ tịch Đà Nẵng nhấn mạnh. 

TP Đà Nẵng cũng kiến nghị Thủ tướng và Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan báo chí đưa thông tin đúng bản chất vụ việc của ông Phan Văn Anh Vũ, cũng như kết luận của Uỷ ban Kiểm tra trung ương liên quan đến sai phạm của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, không để các đối tượng xuyên tạc, bôi xấu, bôi nhọ lãnh đạo trung ương và địa phương, ảnh hưởng xấu đến dư luận.

Chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bày tỏ vui mừng: "Đây là hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tôi có nói vui với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là từ thuở bé đến nay mới được dự họp Chính phủ". 

Người đứng đầu Đảng ghi nhận những thành tựu kinh tế - xã hội của năm 2017: Lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra, là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm chăm lo, bảo đảm; thực hiện tốt hơn chế độ, chính sách đối với người có công, người nghèo, nhất là những khi thiên tai, bão lũ. Đấu tranh phòng, chống tội phạm tiếp tục được đẩy mạnh...

Đề cập đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, Tổng Bí thư nói: "Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo, làm nhiều lần, làm quyết liệt từ nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết và bước đầu đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ".

Nghiêm minh với cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu

"Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được làm rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu", Tổng Bí thư nói.

Cụ thể, Uỷ ban Kiểm tra trung ương đã tập trung kiểm tra, kết luận các sai phạm và quyết định xử lý kỷ luật hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét kỷ luật nghiêm đối với nhiều tổ chức, cá nhân. Ngành thanh tra, cơ quan điều tra, viện kiểm sát và toà án các cấp cũng vào cuộc quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng.

Hai bài học quý

Nhận định "không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang lan rộng trên khắp cả nước", Tổng Bí thư đặt vấn đề: "Nguyên nhân nào cho những thành công đó?"

Tổng Bí thư chỉ ra 2 nguyên nhân bao trùm: Thứ nhất là thừa hưởng những kết quả, thành tựu của nhiều năm trước, đặc biệt là năm 2016, của nhiều nghị quyết, quyết định đúng đắn, phù hợp.

Thứ hai là sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII.

"Các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, các bộ, ban, ngành, đoàn thể đã có nhiều đổi mới, phối kết hợp nhịp nhàng, đồng bộ, bài bản hơn", Tổng bí thư nói.

"Đặc biệt là có sự đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, động viên, đóng góp ý kiến kịp thời của cán bộ, đảng viên, các lão thành, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan thông tin, báo chí..., tạo nên sức mạnh tổng hợp đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội".

Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế

"Tuy nhiên, chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi, hay nói cách văn hoa là đừng ngủ quên trên vòng nguyệt quế, bởi đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức", Tổng Bí thư lưu ý.  

"Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; xuất hiện xu hướng bảo hộ trở lại và chống tự do hóa thương mại và đầu tư ở nhiều nơi". 

Tổng Bí thư cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém tích tụ, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế và trong nhiều lĩnh vực xã hội "còn nặng nề, gây hậu quả xấu, bức xúc xã hội nhưng không dễ một sớm một chiều có thể khắc phục và đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, lộ trình phù hợp, sự chỉ đạo kiên quyết, kiên trì, chắc chắn, khoa học hơn nữa". 

"Đó là tình trạng làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, dự án. Tình trạng 'trên nóng, dưới lạnh', 'trên bảo dưới không nghe', kỷ cương phép nước bị buông lỏng", Tổng Bí thư nói.

Cùng với đó là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tệ nạn xã hội, vi phạm về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông và tội phạm...

"Trong khi đó, chúng ta phải nỗ lực phấn đấu để nước ta không chỉ năm sau tiến bộ hơn năm trước mà phải phát triển nhanh và bền vững hơn để không tụt hậu, từng bước theo kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng bí thư: Nghiêm minh với cả lãnh đạo cao cấp của Đảng - Ảnh 3.

Các thành viên Chính phủ tham dự hội nghị trực tuyến ngày 28.12 - Ảnh: TTXVN

Kiên quyết loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng

Đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ nêu, Tổng Bí thư dành thời gian "nói rộng ra một chút".

Theo Tổng Bí thư, phải tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII. 

"Phải nhận thức đầy đủ, tôn trọng và vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, thông lệ quốc tế, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước trong từng giai đoạn. Bảo đảm tính khoa học, đồng bộ và tính khả thi cao. Gắn kết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh", Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu có chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cùng với đó là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nắm bắt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư... Cũng như phát triển có hiệu quả văn hóa, xã hội, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân. Đồng thời lưu ý việc khẩn trương cải cách chính sách tiền lương. 

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh "kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân…".

Cuối cùng, Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

"Nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện 'tự diễn biến', 'tự chuyển hoá'… Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thực sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì Đảng, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước", Tổng Bí thư nói.

"Đồng thời kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn". 

"Thực hiện tốt những việc trên không hề làm 'chùn' sự chỉ đạo hay làm 'chậm lại' sự phát triển, mà ngược lại, giúp làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để Chính phủ và chính quyền các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công mọi nhiệm vụ", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

L.KIÊN - T.CHUNG (Tuổi trẻ)