George Weah - từ sân cỏ đến ghế tổng thống
Thể thao - Ngày đăng : 16:03, 28/12/2017
Con đường nào đã dẫn đưa một cầu thủ như George Weah lên làm Tổng thống Liberia? Câu trả lời là: băng qua thảm cỏ xanh. Sau khi khép lại một sự nghiệp lẫy lừng, Weah lập tức dấn thân vào chính trị với đầy đủ những yếu tố mà ông đã tôi luyện để trở thành cầu thủ vĩ đại bậc nhất lịch sử bóng đá châu Phi: nhiệt huyết, chăm chỉ, niềm tin và quả cảm.
Và trên con đường ấy không hề có hoa hồng. Trong đợt bỏ phiếu lần thứ nhất hồi tháng 10, dẫu vượt trội hoàn toàn so với đối thủ là đương kim Phó tổng thống Joseph Boakai, Weah vẫn không thể chiến thắng. Luật định rằng một ứng viên Tổng thống chỉ đắc cử nếu đạt được trên 50% số phiếu.
Cách đây 13 năm, Weah đã ra tranh cử Tổng thống, nhưng thất bại vì những người chống đối ông đưa ra một luận điểm lợi hại: Làm sao ông có thể làm Tổng thống khi trình độ học vấn của bản thân còn thấp và cả đời gần như không đọc một quyển sách nào?
Trong cả hai lần thất bại ấy, lời dạy năm nào của Arsene Wenger đều trở lại. Ngày ấy, khi cả hai còn ở Monaco, Weah từng xin nghỉ sớm một buổi tập vì cảm thấy mệt mỏi. Và Wenger đã khuyên cậu học trò: “George, cậu là một người rất tài năng. Nhưng tất cả tiềm năng chỉ có thể được khai phá thông qua ý chí và tập luyện. Nếu cậu không muốn trở thành cầu thủ hay nhất thế giới thì cứ việc rời sân”.
Nghe xong lời ấy, Weah trở lại tập luyện tiếp. Sau này Weah luôn xem Wenger là người thầy lớn của đời ông. Chính trị gia sinh năm 1966 kể lại: "Wenger đã yêu thương tôi vào một thời điểm mà nạn phân biệt chủng tộc đang vào giai đoạn khủng khiếp. Tôi không bao giờ quên điều đó".
Và vì lời dạy của Wenger, từ “bỏ cuộc” không bao giờ có trong từ điển của Weah nữa. Bị chê là “thiếu chữ”, ông dành mấy năm trời “dùi mài kinh sử” tại Đại học DeVry ở Miami, nơi ông sinh sống. Timothy Weah - đứa con mà ông mang sang sống cùng lúc đó - bây giờ mang quốc tịch Mỹ. Tháng 10 vừa qua, chỉ một ngày sau khi kết quả kiểm phiếu đợt đầu tiên cho thấy Weah vượt trội hoàn toàn, Timothy đã lập một hat-trick, giúp Mỹ vượt qua Paraguay để vào tứ kết World Cup U17 tại Ấn Độ.
Nhưng Weah không chỉ học từ Wenger. Ông còn học từ Silvio Berlusconi, người đã mang ông về AC Milan. Từ năm 2005, Weah đã tạo ra một hãng truyền thông nhỏ nơi quê nhà Liberia, buộc chặt bóng đá vào chính trị, y như cách cựu Thủ tướng Berlusconi từng làm ở Italy.
Weah cho thấy xu hướng chính trị từ sớm, bởi thần tượng của ông là Nelson Mandela. Weah có công không nhỏ trong việc mang World Cup về Nam Phi năm 2010, và ông gọi đó là món quà để tri ân những gì Mandela đã làm cho châu Phi. Đó còn là sự cám ơn của một người Liberia bởi trong những năm tháng hoạt động chính trị, Mandela từng sở hữu một hộ chiếu Liberia. Lần đầu tiên Weah đến Nam Phi là năm 1996, để dự Cup châu Phi. Ông về châu Phi dự giải năm ấy cũng chỉ vì muốn được bắt tay Mandela. Ông gọi khoảnh khắc được ôm thần tượng là “giây phút kỳ diệu”.
Từ hôm nay, Weah sẽ trở thành người lãnh đạo tối cao của đất nước Liberia. Nhưng suốt nhiều năm qua, Weah đã là nhân vật nổi tiếng nhất và được yêu mến nhất ở quốc gia Tây Phi này. Năm 2008, khi Weah bước vào sân vận động SKD ở Monrovia để theo dõi một trận bóng đá, 30.000 khán giả nhận ra và hét lên “Weah, Weah, Weah", không khác gì đang hô vang tên nước họ. Weah chỉ vừa giải nghệ 5 năm trước đó, nhưng ông mãi mãi là biểu tượng thể thao của Liberia.
Weah chào đời tại khu Clara Town nghèo nàn sát rìa biên giới. Đám trẻ nơi đây đến giờ vẫn còn đi chân trần, đá bóng trên những con đường mà Weah từng lớn lên trong những năm 1970. Ở đây muỗi bay như sáo thổi, và dịch bệnh Ebola vẫn còn là một nỗi ám ảnh không thôi. Trong tiếng Latin, Liberia có nghĩa là “vùng đất tự do”, nhưng rất ít người có cơ hội để thoát khỏi nghèo đói. 75% dân số quốc gia sống dưới chuẩn nghèo, chỉ 1% được tiếp cận với điện, và 80% dân chúng thất nghiệp.
Weah vì thế là một biểu tượng, sau khi ba lần được bình chọn là Cầu thủ hay nhất châu Phi, một lần được vinh danh Quả Bóng Vàng. Năm 1999, ông được bầu chọn là Cầu thủ châu Phi hay nhất mọi thời đại. Châu Phi từng sản sinh ra những siêu sao thực thụ như Didier Drogba, Samuel Eto’o, Yaya Toure, Jay Jay Okocha, Roger Milla, Abedi Pele…, nhưng chỉ Weah vươn lên tầm biểu tượng.
Weah khởi nghiệp ở quê nhà, 21 tuổi ông mới sang Cameroon thi đấu. Gần 22 tuổi được Arsene Wenger mang sang châu Âu trong màu áo Monaco. Wenger lập tức sửng sốt vì tài nghệ của chàng tiền đạo châu Phi. "Tôi có cảm giác không khác gì đứa trẻ tìm ra chú thỏ chocolate trong vườn nhà vào lễ Phục sinh", HLV người Pháp kể lại.
Từ Monaco, Weah tiến lên thủ đô Paris. Ở sân Parc des Princes, ông giúp PSG giành ba chiếc Cup quốc nội và vào đến bán kết Cup C2 lẫn Cup C3 (hai sân chơi là tiền thân của Europa League hiện tại). Champions League mùa 1994-1995, ông giành danh hiệu Vua phá lưới. Khi rời Paris, ông đã ghi đến 16 bàn sau 25 trận tại châu Âu. Đó là một thành tích phi thường lúc ấy.
Mùa hè 1995, sau khi mất scudetto vào tay Juventus của Marcelo Lippi, Silvio Berlusconi quyết định hành động. Hàng thủ với những cái tên như Paolo Maldini, Franco Baresi, Christian Panucci và Filippo Galli đã quá ổn, Berlusconi quyết định làm mới hàng công. Và ông mang về chàng trai vàng của bóng đá Italy lúc đó - Roberto Baggio. Người đá trước mặt Baggio chính là Weah, khi ấy đã 29 tuổi.
Nhiều người tin Baggio sẽ thu hút mọi sự chú ý khi dẫn đầu hàng công của Milan. Trên thực tế, Weah mới là người thường xuyên hiện diện trên những trang nhất. Ông chơi bóng đúng kiểu của một con báo trên thảo nguyên châu Phi: thần tốc, mạnh mẽ và vô cùng nguy hiểm. Năm 2014, Thierry Henry thừa nhận đã rất ngưỡng mộ Weah khi còn ở đội trẻ Monaco. Henry nói: "Trong lịch sử bóng đá, tôi chưa từng thấy ai với sức mạnh và tốc độ như Weah".
Những hàng thủ hay nhất Serie A và thế giới thời ấy không thể ngăn Weah. Một chiều Chủ nhật tại San Siro vào năm 1996, Weah đã ghi được một bàn mang tính biểu tượng. Tiếp Hellas Verona, Milan phải phòng ngự trong một tình huống phạt góc khi đang dẫn 2-1. Weah là người đoạt được pha bóng ấy để giải vây cho đội nhà khỏi một tình huống nguy hiểm. Và từ rìa vòng cấm đội nhà, ông lao lên, vượt qua mọi pha xoạc bóng của đối thủ, lao một mạch vào vòng cấm Verona và ghi bàn. Bàn thắng ấy mau chóng được các hãng truyền thông của Berlusconi mang đi toàn thế giới.
Cuối mùa giải đầu tiên tại Milan, Weah mang scudetto trở lại San Siro. Riêng ông trở thành cầu thủ đầu tiên và duy nhất đến nay giành Quả Bóng Vàng và Cầu thủ hay nhất thế giới của FIFA. Baresi, một trong những hậu vệ hay nhất lịch sử, nói: "Weah làm tất cả ngạc nhiên, kể cả tôi. Khi đến Milan, anh ấy không còn trẻ, nhưng cũng chưa mấy tên tuổi trên bình diện quốc tế. Chỉ sau vài buổi tập, chúng tôi biết mình đang có một đồng đội phi thường. Weah có mọi thứ mà một trung phong mơ ước: nhanh, kỹ thuật và sự khó lường". Khi chọn đội hình Milan mạnh nhất qua mọi thời đại, Baresi đã chọn Weah trên hàng công, bên cạnh Marco van Basten.
Vào thời đỉnh cao của Weah, Liberia đang xảy ra một cuộc nội chiến. Nhưng trong những trận đấu của Weah được truyền về quê nhà, lính các bên lập tức ngưng bắn, gác súng, cùng ngồi xuống xem trận đấu. Khi trận đấu kết thúc hoặc Weah được rút ra nghỉ, họ lại cầm súng lên... bắn nhau tiếp. Weah đã tạo ra những giây phút không còn sự xung khắc giữa lính phiến loạn hay chính quyền, chỉ còn là người Liberia với nhau. Ở tuổi 35, Weah đã được dân chúng tôn sùng là "Vua George".
Điều đó cũng có nghĩa việc Weah lên làm lãnh đạo của họ chỉ còn là vấn đề thời gian. Và Weah đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. Sau khi giải nghệ, ông lập ra Junior Professionals, đội bóng ở quê nhà Monrovia để thưởng cho những trẻ em vừa đá bóng giỏi nhưng vẫn không bỏ học. Weah luôn nêu cao khẩu hiệu: "Đừng hỏi bóng đá đã mang lại gì cho bạn, mà hãy hỏi mình đã làm gì thông qua bóng đá".
Tự thân câu chuyện của George Weah đã ngập tràn cảm hứng. Một cậu bé nghèo, chân đất trở thành cầu thủ hay nhất lục địa đen với đôi giày đinh. Cởi giày đinh, ông mang đôi giày tây và trở thành nguyên thủ. Ông thắp sáng một đất nước, làm tạm ngưng nội chiến và chăm sóc cho trẻ em nghèo.
Ông là ước mơ, là nguồn cảm hứng vô tận cho giới trẻ châu Phi hàng chục năm qua. Và sau hôm nay, nếu được đặt câu hỏi "Sao con không lo học hành mà chỉ đá bóng vậy", có thể đâu đó trên thế giới sẽ có đứa trẻ trả lời:
- Con đá bóng để mai này trở thành Tổng thống!
HOÀI THƯƠNG (VnExpress)