Giáo dục phòng chống thiên tai

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:38, 29/12/2017

Những ngày gần đây, thông tin cảnh báo về cơn bão số 16-Tembin tràn ngập trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Dự báo bão đổ bộ vào vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) với sức gió mạnh cấp 12 và giật cấp 14-15, cấp thảm họa. Các tỉnh, thành phố trong khu vực dự kiến bão đi qua đã rất tích cực hỗ trợ người dân phòng chống bão. Nhưng điều đáng buồn là có không ít người dân không nhiệt tình, thậm chí là từ chối sự giúp đỡ này.

Lãnh đạo các huyện của tỉnh Cà Mau chỉ đạo cán bộ xuống tận nơi giúp người dân chằng chống nhà cửa, nhưng nhiều hộ không đồng thuận. Các địa phương thuộc địa bàn bão sẽ đi qua như huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), TP Cam Ranh (Khánh Hòa)... đều có những người không chịu di dời để bảo đảm sự an toàn cho bản thân, buộc chính quyền địa phương phải cưỡng chế. Các hộ có ý thức hơn với việc phòng chống bão thì lại thiếu kiến thức, có những cách chống bão "không giống ai" như ở Cà Mau, có những hộ dỡ nhà, ra trú ở bụi tre, gác các tấm ván lên các thùng nhựa làm hầm để trú...

Những phản ứng, hành động đó của người dân thể hiện ý thức cũng như kiến thức về phòng chống thiên tai vẫn còn nhiều lỗ hổng, thậm chí với nhiều người là trống hoàn toàn. 20 năm trước, chúng ta đã có bài học đau thương về sự chủ quan trong đối phó với cơn bão Linda, khiến hơn 3.000 người thiệt mạng và mất tích, gây thiệt hại tại 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ với tổng giá trị vật chất ước tính gần 7.200 tỷ đồng. Nếu như khi đó còn có thể lý giải sự chủ quan của người dân là do chưa bao giờ có bão lớn đổ bộ vào Nam Bộ thì 20 năm sau, sự chủ quan ấy là điều khó lòng có thể chấp nhận được.

Mặc dù bão đã không vào như dự báo nhưng không thể phủ nhận công tác chuẩn bị ứng phó bão. Những hạn chế nêu trên có một phần nguyên nhân xuất phát từ công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai vẫn chưa được coi trọng. Mảnh đất Nam Bộ trước đây hầu như không phải đón bão nên người dân khu vực này không biết cách cũng như không lường được hậu quả của bão như người dân khu vực miền Bắc, miền Trung vốn hằng năm đều phải hứng bão từ nhiều đời nay. Tuy nhiên, trong thời buổi biến đổi khí hậu như hiện nay, thời tiết diễn biến bất thường thì việc trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng chống bão cho người dân khu vực này trở nên cần thiết. Ngoài ra, trên khắp cả nước còn có nhiều loại thiên tai khác gây thiệt hại như hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, rét đậm, rét hại, nắng nóng, dông lốc, mưa đá... Người dân cần có những hiểu biết nhất định khi đối mặt với các loại thiên tai như vậy.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực tiếp tại khu dân cư, đưa nội dung giáo dục vào trong nhà trường, có sự hướng dẫn thực hành cụ thể. Công tác này cần được tiến hành thường xuyên, trở thành nền nếp chứ không nên lơi là với suy nghĩ "bao nhiêu năm mới có một lần". Các kiến thức, kỹ năng liên quan tới sinh mạng con người như vậy luôn phải được trang bị cho dù có những người không bao giờ phải dùng tới. Song song với đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, thiết kế các loại công trình xây dựng phù hợp với các địa phương có thể dùng làm nơi cho người dân trú ẩn khi xảy ra thiên tai.

LAM ANH