Điều quan trọng của Tết

Các em viết - Ngày đăng : 15:23, 29/12/2017

Hôm nay là thứ sáu, chuẩn bị bước vào cuối tuần cuối cùng của năm 2017.


Tết dương lịch năm nay rơi vào thứ 2 nên bọn học sinh chúng tôi được nghỉ hai ngày liền. Nhóm bạn thân của tôi đã xin phép bố mẹ đi dã ngoại một ngày. Chẳng là chúng tôi đang học lớp 12, chẳng mấy nữa chia tay nhau nên ai cũng muốn lưu lại nhiều kỷ niệm. Cả nhóm đã háo hức chuẩn bị đồ ăn, nước uống, đặc biệt là máy ảnh và quần áo đẹp. Tôi được phân công nhiệm vụ làm “phó nháy” chụp một bộ ảnh thật đẹp cho các bạn. Rộn rịch kế hoạch cả tháng trời, nhưng đến hôm nay tôi bỗng thấy buồn chán, không còn hào hứng nữa.

Thật ra, không phải bỗng nhiên tôi có tâm trạng không tốt. Đó là vì tối qua tôi mới cãi nhau với Jiro, cậu bạn người Nhật Bản thân thiết với tôi hơn 1 năm qua. Từ khi học THCS, tôi đã mơ ước sẽ du học đại học ở Nhật Bản vì tôi thích văn hóa của đất nước này. Những bộ truyện tranh Nhật Bản được tôi sưu tầm, lưu giữ cẩn thận nhiều tới mức phòng tôi không còn chỗ để. Nhiều khi mẹ phải càu nhàu. Lên lớp 10, tôi xin mẹ cho đi học tiếng Nhật. Để nâng cao khả năng giao tiếp, tôi vào các hội, nhóm của học sinh Nhật Bản trên Facebook. Tôi và Jiro quen biết nhau ở đó. Chúng tôi có chung sở thích đọc truyện tranh, vẽ và cả chơi đàn ghi ta nữa. Có  những hôm học được  bản nhạc mới, tôi và cậu ấy lại bật video call đánh đàn cho nhau nghe  và góp ý. Nhờ Jiro, vốn từ của tôi tăng lên khá nhiều. Chúng tôi đã hẹn nhau phấn đấu cùng vào học một trường đại học.

Tối qua, Jiro kể với tôi về kế hoạch nghỉ Tết của cậu ấy. Tôi cũng kể cho Jiro nghe về ngày Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Chúng tôi say sưa nói về những phong tục tập quán và so sánh những nét tương đồng, khác biệt. Ai cũng muốn cho người kia thấy ngày Tết của đất nước mình đặc sắc và thú vị. Trong lúc đang “hăng máu”, tôi lỡ lời chê đất nước của cậu ấy là đánh mất truyền thống khi chuyển ngày Tết truyền thống theo năm âm lịch sang năm dương lịch từ thời Minh trị. Jiro không bày tỏ sự tức giận nhưng tôi cảm thấy cậu ấy buồn. Và tôi tự trách mình đã cư xử không ra sao, thật chẳng lịch sự, tế nhị chút nào, dù đã được bố mẹ, đặc biệt là cô Huyền, cô giáo tiếng Nhật của tôi dạy bảo về cách cư xử sao cho lịch sự, văn hóa.

Trong giờ học tiếng Nhật, thấy tôi không vui, cô Huyền không nói gì. Nhưng đến cuối buổi, cô rủ tôi đi ăn ở nhà hàng Nhật Bản. “Để chào đón Tết như người Nhật”, như lời cô nói. Cô khơi đúng vào điều tôi đang day dứt, tôi kể cho cô nghe chuyện với Jiro. Cô kể cho tôi nghe những kỷ niệm ăn Tết rất vui vẻ khi đi học ở Nhật. Có năm cô còn được mời về nhà bạn cùng lớp, đón Tết như một người con trong gia đình. Cô nhẹ nhàng bảo:

- Em có biết tinh thần, sức sống của ngày Tết là ở đâu không? Đó chính là ở không khí sum vầy ấm cúng trong mỗi gia đình. Đó là dịp để mọi người ngồi lại bên nhau, tưởng nhớ đến tổ tiên, để họ hàng, làng xóm thăm hỏi chan hòa, rũ bỏ những khúc mắc, muộn phiền năm cũ, hướng tới những điều tốt đẹp hơn. Ý nghĩa đó của ngày Tết mới là điều quan trọng nhất. Còn ăn Tết theo âm lịch hay dương lịch là lựa chọn của mỗi quốc gia, dân tộc. Chúng ta phải tôn trọng sự lựa chọn đó.

- Vâng, em hiểu rồi ạ. Em cũng biết là em không đúng với Jiro, em sẽ xin lỗi cậu ấy - tôi lí nhí.

Định là vậy nhưng mở lời xin lỗi thật không dễ dàng gì. Vẫn đang suy nghĩ cách làm sao bắt đầu câu chuyện với Jiro cho tự nhiên nhất thì thật bất ngờ, tôi nhận được email thông báo được nhận vào trường đại học mà cả tôi và Jiro đều đã nộp hồ sơ. Tôi còn được cấp học bổng bằng 50% học phí nữa. Lòng lâng lâng, tôi gọi video call cho Jiro. Nhìn vẻ mặt hí hửng của cậu ấy mà tôi vỡ òa vì vui sướng, chúng tôi cùng hét lên: “Tết này thật là tuyệt!”. “Vì sắp đến Tết mà Tết thì không được mang những điều không vui nên chúng mình bỏ qua đi nhé. Khi nào cậu sang đây, tớ sẽ hỏi tội sau”, Jiro nhăn nhở nháy mắt với tôi.

(*) Lớp 12 toán, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, TP Hải Dương.