Nhà thơ Anh Thơ với bài thơ Nhớ bến sông Tranh

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 14:29, 30/12/2017

Nhà thơ Anh Thơ, tên thật là Vương Kiều Ân (sinh năm1919), từng được giải thơ từ năm 1939 của Tự Lực văn đoàn, được xếp vào hàng đầu trong số các nhà thơ phụ nữ Việt Nam hiện đại.

Nhà thơ Anh Thơ, tên thật là Vương Kiều Ân (sinh năm1919), từng được giải thơ từ năm 1939 của Tự Lực văn đoàn, được xếp vào hàng đầu trong số các nhà thơ phụ nữ Việt Nam hiện đại. Bà quê ở Bắc Giang, nhưng lại sinh ở huyện Ninh Giang, bởi cụ thân sinh là một quan chức từng có thời gian làm việc ở Ninh Giang, Tứ Kỳ (Hải Dương), Tiền Hải (Thái Bình). Cô bé 5-6 tuổi thường hay ra đê sông Luộc (thời ấy gọi là sông Tranh) để xem tàu bè, xem người câu cá và bến tàu tấp nập người lên xuống. Sau này về Bắc Giang, bà vẫn nhiều lần qua lại Ninh Giang. Năm 1964, Nhà hát Chèo Trung ương nơi bà công tác bố trí một chuyến đi thực tế tại Ninh Giang, bà cùng tham gia với các tác giả Trần Bảng, Lưu Quang Thuận, Hà Văn Cầu, Hàn Thế Du, Thanh Hương... Đến năm 1972, bà lại có dịp về dự một hội nghị sản xuất của tỉnh tổ chức tại HTX Đại Xuân (Ninh Giang). Cho nên, trong tâm trí nhà thơ Anh Thơ luôn luôn sống động những kỷ niệm về mảnh đất và con người Ninh Giang, mặc dù bà đã đi xa từ ngày còn thơ bé.

Năm 1993, khi đã 74 tuổi, bà đang nghỉ hưu tại Hà Nội thì có đại diện Tạp chí Văn hóa Hải Hưng, là ông Mai Thanh Chương đến tìm gặp. Ông Chương có đề nghị bà viết một bài cộng tác với tạp chí của tỉnh, nhân ra số đặc biệt về huyện Ninh Giang. Bà đã vui vẻ nhận lời. Chỉ một tuần lễ sau, giữ đúng lời hẹn, Anh Thơ gửi về một bài thơ cho tạp chí. Đó là bài thơ Nhớ bến sông Tranh. Tạp chí Văn hóa Hải Hưng đã trân trọng đăng bài thơ mà dưới bài bà đã ghi "Kỷ niệm nhớ về quê sinh, tháng 4.1993". Bài thơ có đoạn: "Tôi chưa về được bến sông Tranh/Vẫn nhớ cánh buồm chiều qua cửa sổ/Nhà máy xay rộn ràng một thuở/Phố xá đông vui, đồng lúa rờn xanh...".

VƯƠNG BẠCH