Chuyển biến rõ nét trong thực thi 22.000 nhiệm vụ
Tin tức - Ngày đăng : 16:16, 30/12/2017
Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã trình bày Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Trong đó, có 16.051 nhiệm vụ đến hạn đã hoàn thành, đạt 98,62% (đúng hạn: 14.068, quá hạn: 1.983); chưa hoàn thành: 5.863 (trong hạn: 5.640, quá hạn: 223).
Như vậy, số nhiệm vụ quá hạn của năm 2017 chỉ chiếm 1,38% giảm 1,44% so với cùng kỳ năm trước (2,82%), giảm 23,62% so với trước khi Tổ công tác được thành lập (25%).
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, dù kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2017 đã có những tiến bộ vượt bậc so với các năm trước nhưng số nhiệm vụ hoàn thành quá hạn vẫn còn nhiều. Một số bộ, cơ quan, địa phương có nhiều nhiệm vụ quá hạn chưa thực hiện, kể cả các bộ, cơ quan, địa phương đã được kiểm tra.
“Có rất ít bộ, địa phương chủ động đề xuất về điều chỉnh chính sách hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để bảo đảm phù hợp với việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, phù hợp với điều kiện thực tiễn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Trong năm 2017, Tổ công tác đã tiến hành 27 cuộc kiểm tra. Trong đó có 7 cuộc kiểm tra về việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại 7 bộ, cơ quan, địa phương và 20 cuộc kiểm tra chuyên đề do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu (về xây dựng thể chế; xử lý tồn tại yếu kém của 12 dự án ngành công thương; thực hiện các giải pháp tăng trưởng; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu).
Các bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra đều đánh giá cao nhiệm vụ và tinh thần trách nhiệm của Tổ công tác, đã tạo cho các bộ, cơ quan, địa phương có sự chuyển mình thực sự, việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao được khẩn trương, kịp thời và nghiêm túc hơn.
Đặc biệt, hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng đã có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác chỉ đạo, điều hành của bộ, cơ quan, địa phương.
Thông qua các cuộc kiểm tra, nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giao được tháo gỡ kịp thời. Đặc biệt, qua các cuộc kiểm tra chuyên đề, tinh thần, quan điểm, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được đôn đốc, thực hiện kịp thời, có trọng tâm trọng điểm, nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách được tháo gỡ, tạo chuyển động thực sự về kỷ luật, kỷ cương, kịp thời đưa các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành những kết quả cụ thể, đi vào cuộc sống.
Cụ thể, như việc thực hiện các nhiệm vụ giao liên quan đến xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án thuộc ngành công thương; sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư; Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập liên quan đến thể chế, chính sách cần khẩn trương xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp như việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh vận tải, Nghị định về thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, Nghị định về hướng dẫn Luật Ngoại thương… Nhất là sau 2 cuộc kiểm tra về xây dựng, trình ban hành và ban hành văn bản quy định chi tiết Luật, pháp lệnh, đến nay tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã được khắc phục về cơ bản.
Với 9 cuộc kiểm tra chuyên đề đối với công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, những bất cập, tồn tại liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành, gây tốn kém thời gian, chi phí hàng năm cho doanh nghiệp và xã hội gần 30 triệu ngày công và 14,3 nghìn tỷ đồng đang được khắc phục, chuyển biến rất tích cực.
Nhiều quy định còn bất cập, gây khó khăn, cản trở đến hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đã được Tổ công tác kiến nghị với các Bộ nhận diện để đề xuất sửa đổi hoặc bãi bỏ kịp thời, như không kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm có sử dụng muối Iốt; không kiểm tra formaldehyte đối với sản phẩm dệt may, thủ tục dán nhãn năng lượng; bãi bỏ các quy định còn bất cập liên quan đến chế bản, in và gia công sau in; chuyển sang hậu kiểm đối với các thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện, đối với hàng hóa thực phẩm khi không có cánh báo quốc tế hoặc của nhà sản xuất…
Tuy nhiên, một số tồn tại hạn chế là các bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra chưa hoàn thành các nhiệm vụ giao theo đúng thời hạn đã cam kết với Tổ công tác, vẫn còn tình trạng xin lùi thời hạn thực hiện. Có tình trạng có bộ, cơ quan thực hiện nhiệm vụ giao mang tính đối phó, nhất là khi Tổ công tác chuẩn bị tiến hành kiểm tra.
Theo Tổ trưởng Mai Tiến Dũng, trong năm 2018, Tổ công tác tiếp tục kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt sẽ tập trung kiểm tra chuyên đề về công tác hoàn thiện thể chế; kiểm tra chuyên đề trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, các Nghị quyết số 19, Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết số 35a/NQ-CP, Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ... và kiểm tra chuyên đề đối với các nhiệm vụ giao có tính cấp bách liên quan đến an sinh xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp cần khẩn trương thực hiện.
Chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, một trong khâu quan trọng của nhà nước là thanh tra kiểm tra, đôn đốc. Thủ tướng nhấn mạnh, “nhiều việc chúng ta nói mà không triển khai, không chịu làm cho nên trì trệ” và tổ chức thực hiện vẫn là một khâu yếu, một nút thắt cổ chai hiện nay phải được tháo gỡ.
Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ cũng cần lập tổ công tác để cùng với Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thực hiện công tác này.
Đồng thời, ở các địa phương, Thủ tướng đề nghị cũng cần có các tổ công tác khi mà “những thông báo kết luận của Chủ tịch, Bí thư đưa ra có làm đâu, có gì có lợi cho sở, cho huyện thì họ làm còn việc liên quan đến dân, đến phong trào quần chúng thì có ai làm đâu. Phải kiểm tra đôn đốc, nêu tên, nêu gương, biểu dương phê bình mạnh mẽ để lời nói đi đôi với việc làm”.
“Đừng để chủ trương nằm trên giấy, không đi vào cuộc sống”, Thủ tướng yêu cầu và nhấn mạnh “từ lời nói để hành động, từ hội trường ủy ban, tỉnh ủy đến dân, đến cơ sở phải giảm khoảng cách tốt hơn nữa, để từ đó tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 01 ở địa phương mình”.
THÀNH ĐẠT (VGP)