Những chấm phá công nghiệp ở huyện thuần nông
Kinh tế - Ngày đăng : 11:50, 31/12/2017
Công ty CP Đầu tư sản xuất, xuất nhập khẩu Trường Giang đầu tư dây chuyền sản xuất bao bì hiện đại tại cụm công nghiệp Đoàn Tùng
Nỗ lực xoay chuyển
Trước đây, huyện Thanh Miện là một trong những "vùng trắng" công nghiệp của tỉnh. Do đó, để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, huyện đã đặc biệt quan tâm thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp.
Từ năm 2004 đến nay, huyện đã quy hoạch 4 cụm công nghiệp (CCN) gồm: Tứ Cường, Đoàn Tùng, Ngũ Hùng - Thanh Giang và Cao Thắng với tổng diện tích gần 174 ha. Cả 4 CCN này đều đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết. Mặc dù vậy, do chưa có nhà đầu tư nên hầu hết các diện tích đất đều vẫn dùng để canh tác hai vụ lúa. Năm2013, UBND huyện Thanh Miện xây dựng phương án chuyển đổi sử dụng đất CCN Tứ Cường sang mục đích khác.
Hết năm 2015, các CCN trong huyện mới thu hút được 2 dự án gồm: dự án của Công ty TNHH HK VINA đầu tư xây dựng nhà máy dệt may tại CCN Ngũ Hùng - Thanh Giang và dự án của Công ty TNHH May mặc quốc tế Phú Nguyên xây dựng nhà máy Phú Nguyên II tại CCN Cao Thắng. Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không lựa chọn Thanh Miện làm nơi "dừng chân" chủ yếu do giao thông không thuận lợi, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ. Huyện nằm cách xa các trục đường chính, các tuyến đường vào huyện nhỏ, cầu Neo, cầu Tràng Thưa có trọng tải yếu không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng xe có trọng tải lớn của các doanh nghiệp.
Làm thế nào để thu hút dự án công nghiệp vào huyện, giải quyết việc làm cho lao động địa phương luôn là trăn trở của cấp ủy, chính quyền huyện. UBND huyện xác định khó thu hút các doanh nghiệp lớn vào đầu tư nên huyện hướng tới việc khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ, cơ sở sản xuất của con em quê hương trên địa bàn mở rộng ra. Đồng thời, tranh thủ các thời cơ để mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư.
Ông Đinh Thế Chiêu, nguyên Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện cho biết: “Có giai đoạn, việc phát triển công nghiệp của huyện đi vào bế tắc. Một số nhà đầu tư mặc dù đã đến và hoàn thiện các thủ tục, nhưng sau đó đều bỏ đi. Để kêu gọi đầu tư, lãnh đạo huyện đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ với con em quê hương cả ở trong Nam ngoài Bắc. Trong các buổi gặp gỡ, lãnh đạo huyện đề cập nhiều đến việc chú trọng phát triển công nghiệp và những chính sách thuận lợi để thu hút doanh nghiệp của huyện. Ngoài ra, huyện còn nhờ con em địa phương có uy tín đến trao đổi, chia sẻ những khó khăn, thuận lợi trong phát triển công nghiệp ở huyện”.
Khởi sắc
Nhờ xác định rõ mục tiêu và có chiến lược rõ ràng nên bức tranh công nghiệp của huyện đã có những bước phát triển đáng kể. Đến nay, huyện Thanh Miện đã thu hút được 6 dự án đầu tư vào 3 CCN với tổng số vốn đăng ký hơn 2.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 17.000 lao động địa phương. Chỉ tính riêng năm2017, huyện đã thu hút được 1 dự án sản xuất, lắp ráp đồ chơi trẻ em của Công ty GFT UNIQUE Singapore PTE.LTD vào CCN Ngũ Hùng - Thanh Giang và 1dự án sản xuất hàng may mặc, túi xách vào CCN Cao Thắng với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng, dự kiến giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động. Ngoài ra, huyện còn chấp thuận đầu tư cho 1 cơ sở sản xuất tôn, sắt và 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ tại xã Tứ Cường với tổng vốn gần 12 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ lấp đầy các CCN ở Thanh Miện đạt hơn 80%.
Nhà máy của Công ty CP Đầu tư sản xuất, xuất nhập khẩu Trường Giang ở CCN Đoàn Tùng được xây dựng trên diện tích gần 2,1 ha, tổng số vốn đầu tư hơn 59,7 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 200 lao động. Anh Vũ Văn Thắng, Giám đốc Công ty CP Đầu tư sản xuất, xuất nhập khẩu Trường Giang cho biết: “Trước đây, công ty chỉ là xưởng sản xuất gia công nhỏ. Trong hai năm2004 - 2005, công ty đã mở rộng sản xuất tại quê hương, nhưng do giao thông không thuận lợi nên chưa đầu tư. Năm2016, khi biết được chính sách thu hút doanh nghiệp của huyện, chúng tôi đã mở rộng sản xuất”.
Cùng với nỗ lực của chính quyền trong thu hút đầu tư, những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng, mở rộng các tuyến đường, cầu vào huyện. Cầu Neo mới được xây dựng, cho phép các xe có trọng tải lớn lưu thông dễ dàng. Quốc lộ 38B đi qua huyện Thanh Miện, đoạn đường từ xã Lam Sơn đi xã Phạm Kha được làm lại đã dễ dàng kết nối Thanh Miện với các vùng lân cận. Huyện còn chú trọng đến công tác quy hoạch và quản lý các CCN, việc giải phóng mặt bằng được tiến hành nhanh chóng. Bên cạnh đó, Thanh Miện có lực lượng lao động trẻ dồi dào cũng là yếu tố thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư tại vùng quê này.
Ông Nhữ Văn Cúc, Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện cho biết: "Mặc dù là huyện nông nghiệp nhưng Thanh Miện luôn chú trọng tới phát triển công nghiệp. Đến nay, định hướng phát triển công nghiệp của huyện đã được thực hiện, giúp người lao động có việc làm ngay tại quê hương. Huyện vẫn đang tích cực kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư, trong đó đặc biệt chú trọng tới các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường".
Thanh Miện đã hoàn thiện quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Theo đó, huyện sẽ mở rộng một số CCN và điểm công nghiệp ở xã Đoàn Tùng, Tân Trào… tạo điều kiện cho các xã vùng xa có điều kiện phát triển kinh tế.
Từ thành công bước đầu cùng với quyết tâm của huyện, những năm tới, Thanh Miện sẽ là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư. Qua đó, góp phần xây dựng quê hương Thanh Miện ngày càng giàu đẹp.
TRẦN HIỀN