Người “xây” biểu tượng bánh đậu xanh Hải Dương

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 21:00, 02/01/2018

Với bàn tay tài hoa và tâm huyết cùng đặc sản nổi tiếng của xứ Đông, họa sĩ Phạm Trí Tuệ đã thiết kế gần 50 nhãn hiệu, mẫu hộp bánh đậu xanh.


Họa sĩ Phạm Trí Tuệ đã thiết kế gần 50 nhãn hiệu, mẫu hộp bánh đậu xanh. Ảnh: Đỗ Quyết

Tôi có duyên may được gần gũi, gắn bó với họa sĩ Phạm Trí Tuệ trong quá trình hoạt động văn hoá nghệ thuật và lập nghiệp kinh doanh ở Hải Dương với thương hiệu bánh đậu xanh Tiên Dung Rồng Vàng. Nghề vẽ của anh trải ra nhiều lĩnh vực mà lĩnh vực nào cũng gặt hái nhiều thành công đáng nể, mang dấu ấn riêng. Tranh nghệ thuật đẹp mượt mà, trong trẻo như nắng, như lụa. Tranh cổ động tuyên truyền chính trị đích đáng về nội dung, truyền thông điệp và cảm hứng mạnh mẽ. Trong thiết kế đồ họa, sản phẩm mỹ thuật ứng dụng, nói riêng lĩnh vực bao bì, nhãn hiệu hàng hoá (mà một thời giới họa sĩ cho là chuyện làm ăn thực dụng) anh cũng dồn nhiều tâm huyết và tài năng, đầu tư như với những tác phẩm nghệ thuật.

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, công cuộc đổi mới khuyến khích phát triển kinh tế nhiều thành phần, bánh đậu xanh Nguyên Hương xuất hiện với biểu tượng chim phượng hoàng mở đầu cho phong trào khôi phục sản phẩm nghề truyền thống đặc sản Hải Dương. Với tâm nguyện khôi phục nghề bánh đậu xanh hiệu Rồng Vàng nổi tiếng một thời, ban đầu ông chủ hiệu nhờ họa sĩ Phạm Trí Tuệ thiết kế bao bì sản phẩm với biểu tượng Rồng Vàng. Nhưng họa sĩ đã khuyên ông nên làm nhãn hiệu biểu trưng chim Phượng Hoàng, để tạo màu cờ sắc áo riêng, khác biệt. Ông chủ Nguyên Hương đã nghe ra và chấp thuận. Vì ông hiểu đó không đơn giản là ý kiến tư vấn của một họa sĩ vẽ nhãn hiệu mà chứa đựng ý tưởng và triết lý kinh doanh đã chiêm nghiệm, đúc rút từ thực tế quảng bá, xây dựng thương hiệu với nhiều năm tham gia các hội chợ, triển lãm quốc gia và quốc tế. Hồi đó anh Tuệ là Phó Giám đốc Nhà Triển lãm - Thông tin của tỉnh, thường được giao tổ chức đưa các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương đi trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm. Hầu như cuộc nào cũng có sản phẩm được thưởng huy chương vàng, huy chương bạc. Bánh đậu xanh Nguyên Hương với biểu tượng chim phượng trên nền hộp bánh có gam màu vàng chủ đạo đã được thị trường đón nhận hào hứng không ngờ.

Kho tư liệu mẫu rồng, phượng, các họa tiết trang trí cũng như bút vẽ, dụng cụ được anh chuẩn bị nhiều hơn để đáp ứng sự tín nhiệm của các chủ doanh nghiệp.

Còn Rồng Vàng thì ít lâu sau cũng qua nét vẽ của họa sĩ Phạm Trí Tuệ đã sống lại với vẻ đẹp tươi mới trong biểu trưng của thương hiệu bánh đậu xanh Bảo Hiên - Rồng Vàng. Hồi đó, bà Ngọc Bích, con gái bà Bảo Hiên cùng các con mở cửa hàng kinh doanh chè Thái Nguyên và các loại bánh kẹo, thuốc lá. Chỉ thỉnh thoảng có người đặt hàng bà mới làm một vài mẻ bánh đậu, được gói bằng giấy bóng kính, nhãn hiệu con rồng màu vàng in lưới thủ công sơ sài. Nhìn nhà Nguyên Hương nổi nang phát đạt, dân phố ai cũng lấy làm tiếc, động viên bà Ngọc Bích khôi phục thương hiệu Bảo Hiên. Là phóng viên, tôi đã để tâm tìm hiểu nghề sản xuất bánh đậu xanh và đã viết bài giới thiệu về bánh đậu xanh Bảo Hiên Rồng Vàng, phát ở chương trình Tết Nguyên đán và gửi đăng ở báo Hải Hưng số Tết. Tôi giới thiệu họa sĩ Phạm Trí Tuệ với bà Ngọc Bích. Và thế là sang xuân năm đó, biểu tượng con rồng vàng của nhà Bảo Hiên một thời gian dài bị quên lãng đã xuất hiện trở lại nổi bật trên nền đỏ tươi của hộp bánh, bên cạnh chữ Bảo Hiên màu xanh được viền một nét trắng nhẹ rất hài hòa. Sau đó, cả một xê ri các loại hộp to, nhỏ, phù hợp với nhu cầu lễ bái, làm quà biếu rất sang trọng và tiện lợi lần lượt xuất hiện. Khách hàng ở Hà Nội, Hải Phòng đi ô tô ghé qua mua hàng tấp nập, nhiều khi cháy hàng không làm kịp. Ít lâu sau, tôi ghé thăm cửa hàng, bà Ngọc Bích hồ hởi khoe với tôi cái máy tính bà mới sắm, thay cho cây bút, tờ giấy, cuốn sổ tính toán tiền hàng. Cái máy tính bấm số cỡ to hơn một bàn tay đánh dấu bước ngoặt phát tài ngoạn mục của thương hiệu Bảo Hiên Rồng Vàng.

Sau thành công đầy ma lực của nhà Nguyên Hương, Bảo Hiên, rồi Bảo Long, Quê Hương Hòa An... liên tiếp xuất hiện các cơ sở bánh đậu xanh, bánh khảo, bánh gai... Anh Tuệ cho biết tính đến trước năm 2000, anh đã thiết kế tới gần 50 nhãn hiệu, mẫu hộp. Không chỉ ở khu vực thành phố, mà cả ở các huyện, thị trấn. Kho tư liệu mẫu rồng, phượng, các họa tiết trang trí cũng như bút vẽ, dụng cụ được anh chuẩn bị nhiều hơn để đáp ứng sự tín nhiệm của các chủ doanh nghiệp. Công phu, miệt mài với cả tài năng và tâm huyết nhưng thu nhập chỉ là những khoản bồi dưỡng "hữu nghị" cảm ơn gọi là. Anh coi thành công của doanh nghiệp là niềm vui của mình.

"Đẹp vàng son, ngon mật mỡ" - sản phẩm bánh đậu xanh bao hàm cả yếu tố đẹp mắt và yếu tố ngon miệng của câu tục ngữ đã đúc kết. Thành phần chính của tấm bánh là bột đậu xanh trộn với đường kính trắng và mỡ lợn (nay là dầu thực vật). Độ thơm ngon đến mức nào tùy thuộc vào trình độ và kinh nghiệm chế biến của nhà sản xuất. Còn vẻ đẹp của bao bì là sự tài khéo của họa sĩ với hai màu vàng và đỏ, kết hợp với công nghệ in ấn hiện đại. Họa sĩ Phạm Trí Tuệ còn vận dụng cả vốn mỹ thuật truyền thống dân gian cổ truyền để thổi hồn cho biểu tượng và các mẫu bao bì bánh đậu xanh. Ông cụ thân sinh của anh xuất gia tu hành ở chùa làng đã đưa con trai thâm nhập vào thế giới của tứ linh với long, ly, quy, phượng vàng son rực rỡ, được chạm trổ, điêu khắc ở các đình, chùa, hoặc các đồ vàng mã, vật phẩm bày biện cúng bái mang triết lý âm dương ngũ hành cân đối, hài hòa, phép tắc. Khi theo học Trường Mỹ thuật Hà Nội, vốn mỹ thuật truyền thống ấy đã được bổ sung, nâng cấp nhờ sự đào tạo, bồi dưỡng của các thầy giáo, họa sĩ nổi tiếng về mỹ thuật hiện đại. Bởi vậy yếu tố truyền thống và hiện đại đã kết hợp nhuần nhuyễn trong các họa phẩm mỹ thuật hiện đại của anh. Không biết ít nhiều những gì là căn cốt trong nghệ thuật hội họa của Phạm Trí Tuệ sẽ khó cảm nhận được sự tinh xảo và độc đáo của biểu tượng chim Phượng Hoàng trong khuôn hình ô van trên hộp bánh đậu xanh Nguyên Hương - tôi cho là một họa phẩm tuyệt mỹ. Anh Tuệ cho hay đó là kết quả của những năm anh làm
việc ở xưởng họa, tiếp thu ngón nghề của một họa sĩ đàn anh đã từng vẽ tiền ngân hàng và vẽ những con tem bưu chính. Còn chỉ với hình Rồng Vàng cách thể hiện của anh khá đa dạng, tạo ra nhiều vẻ, là "quái chiêu" của anh cống hiến cho làng bánh đậu Rồng Vàng Hải Dương. Nào là biểu tượng rồng đời Lý, đời Trần, hay đời Nguyễn, rồi rồng chầu, phượng múa, rùa nằm, hạc đứng, rồng và mây, khúc ẩn, khúc hiện, mỗi nhà một vẻ, biến hóa theo yêu cầu từng thương hiệu và khả năng đầu tư in ấn của
chủ nhân. Thật là đa dạng, phong phú!

Phong cách đồ họa của họa sĩ Phạm Trí Tuệ đã tạo nên màu cờ sắc áo cho sản phẩm bánh đậu xanh đặc sản của Hải Dương. "Y phục xứng kỳ đức" - món đặc sản dân dã ấy không chỉ ngon mà còn đẹp, xứng đáng là một thứ quà quý đến với người mến mộ ở muôn nơi và nằm trong tốp 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng của nước ta.

NGUYỄN PHÚC LAI