Gánh nặng việc nhà đè vai phụ nữ
Đời sống - Ngày đăng : 08:53, 04/01/2018
Mỗi ngày, công việc nhà thường chiếm 4-5 giờ của phụ nữ
Vòng xoáy mệt mỏi
Chị Nguyễn Thị Chi, nhân viên văn phòng Công ty TNHH Kefico Việt Nam thường xuyên đau đầu vì phải tính toán sắp xếp việc nhà hợp lý để không ảnh hưởng tới công việc ở công ty. Buổi sáng của chị Chi bắt đầu từ 5 giờ 30. Chị dậy nấu nướng bữa sáng cho cả gia đình. Đến 6 giờ hơn, chị gọi các con dậy, vệ sinh, ăn sáng, rồi chuẩn bị đồ để chúng tới trường. Đúng 7 giờ, chồng chị Chi tiện đường đi làm đưa các con đến lớp, còn chị quay lại dọn dẹp "bãi chiến trường" trong bếp và chuẩn bị đi làm. Vì nhà ở xa, chị Chi đăng ký đi xe đưa đón nhân viên của công ty nên luôn phải đúng giờ để kịp xe.
Sau một ngày làm việc căng thẳng ở công ty, chị Chi quay lại với guồng công việc ở nhà. Việc đầu tiên sau khi xuống khỏi xe là chị tới trường đón con. Con chị lúc nào cũng nằm trong nhóm được bố mẹ đón muộn nhất trường. Trên đường về, mấy mẹ con chị ghé qua chợ mua thức ăn cho bữa tối. Về đến nhà, chị xắn tay vào chuẩn bị thức ăn, sắp sẵn các món rồi đi tắm cho bọn trẻ. Sau đó chị quay lại nấu nướng, tranh thủ lau dọn nhà cửa. Ăn xong chị lại dọn dẹp bếp, chuẩn bị đồ ăn cho bữa sáng hôm sau. Nhiều hôm chị vừa làm đồ ăn sáng vừa tranh thủ hướng dẫn con học bài, mọi việc kết thúc thường đã là 22 giờ. Chị Chi chia sẻ: "Công việc ở công ty cũng rất căng thẳng, về nhà lại cả núi việc đang chờ, nhiều lúc mình cảm thấy mệt mỏi. Nhưng mình không làm thì nhà cửa bừa bộn, con cái không ai chăm, lại phải cố. Công việc, cuộc sống cuốn đi nên nhiều lúc chẳng còn thời gian dành cho mình".
Chị Trần Phương Nga ở phố Mạc Thị Bưởi (TP Hải Dương) cũng bị cuốn trong mớ bòng bong công việc nhà không bao giờ hết. Chị Nga là chủ cửa hàng kinh doanh thức ăn chín nên không bị bó buộc về thời gian làm việc nhưng cũng rất bận rộn. Công việc đầu tiên trong ngày của chị Nga là đi chợ lấy hàng, chế biến thực phẩm chuẩn bị mở hàng. Trong khi đó chị vẫn phải đưa đón con đi học, chăm chút bữa ăn, tắm giặt cho chúng... Chị Nga chia sẻ: "Công việc một ngày cứ xoay vần, nhiều lúc ốm cũng phải cố, mình không làm sẽ không ai làm thay mình được. Một ngày của tôi thường kết thúc vào lúc nửa đêm".
Nhiều người mặc định việc chăm sóc gia đình là của phụ nữ nên đàn ông không có ý định sẻ chia. Khi thực hiện bài viết này, phóng viên đã hỏi 10 người đàn ông câu hỏi: Việc nhà là của ai? Trong số đó có 7 người đàn ông trả lời rằng việc nhà của phụ nữ, từ việc nấu nướng, giặt giũ, chăm sóc con, quan hệ bên nội, bên ngoại. Người đàn ông trong gia đình lo kiếm tiền. 3 người đàn ông còn lại thì cho rằng đối với việc nhà, đàn ông chỉ đỡ đần thôi, còn vai chính vẫn là phụ nữ.
Phụ nữ cần được chia sẻ
Chị Phạm Thị Phương, Trưởng Ban Gia đình và xã hội (Hội Phụ nữ tỉnh) cho biết mỗi ngày trung bình một phụ nữ phải dành từ 4 - 5 giờ cho những việc nhà không tên, không lương. Chăm sóc gia đình không hề đơn giản, thậm chí khá nặng nhọc và áp lực không kém công việc ngoài xã hội. Để mọi thành viên trong gia đình đều khỏe mạnh, bữa cơm luôn nóng hổi, nhà cửa gọn gàng... người phụ nữ phải mất rất nhiều công sức và thời gian. Tuy nhiên, họ lại không hề được đánh giá cao. Những người phụ nữ chỉ ở nhà chăm con có khi còn bị coi thường. Tình trạng này xuất phát từ quan niệm "việc nhà là của phụ nữ" đã ngấm sâu vào suy nghĩ của nhiều người từ lâu.
Cùng phải ra ngoài làm công việc xã hội, trách nhiệm lo kinh tế ngang nhau, nhưng phụ nữ luôn bị gắn thêm trách nhiệm với công việc nhà. Không khó gặp những hình ảnh cùng đi làm về, trong khi người vợ tất bật với công việc nhà còn nhiều ông chồng được nghỉ ngơi, chơi thể thao hoặc gặp gỡ bạn bè.
Để giải quyết vấn đề này, không chỉ người chồng phải thay đổi quan điểm mà ngay chính phụ nữ cũng cần thay đổi suy nghĩ. Việc nhà là việc chung của cả vợ và chồng, vì thế cần được chia sẻ một cách hợp lý. Công việc dù nặng nhọc thế nào nhưng nếu có hai người chung vai gánh đỡ thì phần việc mỗi người sẽ nhẹ nhàng hơn. Ví dụ khi vợ nấu ăn, thì người chồng có thể đảm nhận dọn dẹp nhà cửa, đưa đón con... Chia sẻ việc nhà giúp vợ cũng là cách thể hiện tình cảm, sự yêu thương của chồng dành cho "nửa kia" của mình. Sự quan tâm ấy sẽ trở thành động lực quan trọng giúp người phụ nữ vượt qua những khó khăn, trở ngại để hoàn thành tốt công việc xã hội và việc gia đình. Những người đàn ông tham gia chia sẻ việc nhà là những người tiến bộ, chứ không phải như quan niệm lâu nay đàn ông không nên quanh quẩn xó bếp.
THANH HOA