"Nóng" vấn đề tinh gọn bộ máy và giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp
Tin tức - Ngày đăng : 08:17, 05/01/2018
Đã có 58 lượt ý kiến phát biểu làm rõ một số nội dung các báo cáo, tờ trình.
Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Chung
Giảm biên chế phải gắn với tìm việc làm, chuyển nghề
Có ý kiến đề nghị cần giải thích rõ nội hàm của cụm từ “quyết định số lượng biên chế tối thiểu và số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa". Hiện nay còn thiếu biên chế làm việc ở các cơ quan, nhất là ngành giáo dục thiếu hàng nghìn giáo viên. Đề nghị số lượng thiếu phải rà soát và giao chỉ tiêu biên chế, tổ chức thi hành thống nhất trong toàn tỉnh. Các đơn vị hiện nay rất thiếu cán bộ, nhất là khối cơ quan nhà nước vì không cho thực hiện hợp đồng công việc.
Có ý kiến đề nghị lựa chọn mô hình thí điểm cho phù hợp. Việc giảm biên chế phải gắn với trợ cấp, tìm việc, chuyển nghề; giải quyết các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách cán bộ, nhất là liên quan đến nhiệm kỳ.
Về việc sở, ban, ngành MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh phải giảm ít nhất 1 phòng, ban chuyên môn, có ý kiến đề nghị không nên quy định cứng về việc mỗi sở, ngành phải giảm ít nhất 1 phòng, ban chuyên môn, vì sau đại hội đã sắp xếp theo thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành cơ bản tinh gọn hơn so với trước. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng các cơ quan cấp tỉnh cần gương mẫu đi đầu trong việc giảm ít nhất 1 phòng chuyên môn để tạo ra bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Nên có giải pháp tài chính đi kèm để khuyến khích các đơn vị thực hiện, nếu giảm đầu mối mà bị cắt giảm chi thường xuyên thì sẽ không khuyến khích các đơn vị thực hiện.
Cũng về nội dung này, có ý kiến yêu cầu cần đánh giá, so sánh việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ cấp phòng của từng đơn vị trong các giai đoạn. Nếu phòng dưới 10 người rất khó làm việc, nhưng phòng dưới 5 người thì toàn lãnh đạo. Có thời gian các cơ quan, đơn vị không có cấp phòng vẫn thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Ban Thi đua khen thưởng, Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ lại có phòng trực thuộc là không phù hợp.
Có ý kiến đề nghị cần xem xét đến yếu tố đặc thù. Ví dụ đối với Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công thương), nếu giảm đầu mối các đội cấp huyện sẽ ảnh hưởng đến việc chuyên quản trên địa bàn, bỏ sót các nhiệm vụ, hạn chế trong việc phối hợp với chính quyền địa phương…
Về việc hợp nhất văn phòng cấp uỷ với văn phòng HĐND, UBND cấp huyện, có ý kiến đề nghị nêu cụ thể tên huyện, thị xã, thành phố trong kế hoạch thực hiện hợp nhất. Đơn vị sáp nhập thuộc khối đảng hay chính quyền, kinh phí sử dụng như thế nào? Có ý kiến cho rằng nên chọn 1 huyện làm điểm sau đó tiến hành đồng loạt. Thực tế hợp nhất không khó, nhưng điều hành hoạt động của văn phòng sẽ trùng về nội dung và công việc của 2 cơ quan đảng và chính quyền. Do vậy, mô hình này chỉ phù hợp khi Bí thư cấp ủy là Chủ tịch UBND sẽ hiệu quả.
Về tổ chức cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cấp huyện, có ý kiến đề nghị cần tranh thủ ý kiến của Trung ương trước để triển khai phù hợp. Tổ chức cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cấp huyện (nơi có đủ điều kiện) thì tổ chức mới này phải nằm trong một cơ quan nào đó như tính chất của một văn phòng. Đề nghị nghiên cứu có thể đưa về văn phòng cấp ủy để điều hành công việc và thực hiện trong năm 2018.
Có ý kiến băn khoăn về việc thực hiện các mô hình chưa có hướng dẫn như Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra cấp huyện, nếu không sửa Luật Thanh tra sẽ khó thực hiện, việc sáp nhập cơ quan nội vụ và tổ chức khó thực hiện vì liên quan đến chức năng, nhiệm vụ...
Về thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh, có ý kiến đề nghị lên làm rõ và cụ thể hơn nếu Bí thư cấp ủy là Chủ tịch HĐND cùng cấp thì không thể đồng thời là Chủ tịch UBND vì quy định một người không quá 3 chức danh. Cũng cần làm rõ thế nào là nơi có đủ điều kiện, nếu không sẽ rất khó cho địa phương khi thực hiện đề án của cấp trên.
Tính toán, sắp xếp các đầu mối đơn vị sự nghiệp cho phù hợp
Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Chung
Có ý kiến đề nghị xem lại số liệu giảm biên chế mỗi giai đoạn 10% và đến năm 2030 là tổng 30%. Mục tiêu này rất khó thực hiện và đề nghị phải bám sát thực tế để đưa ra chỉ tiêu cho phù hợp.
Việc thực hiện giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập; giảm tối thiểu 10% biên chế chưa chắc đã tỷ lệ thuận với việc giảm bình quân 10% chi trực tiếp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, vì mức lương khác nhau. Việc để từ 2 - 3 đơn vị trực thuộc chi cục, trung tâm là chưa phù hợp vì chi cục làm nhiệm vụ quản lý nhà nước, trung tâm là đơn vị sự nghiệp. Đề nghị cần phải có phân hạng để bố trí đơn vị trực thuộc cho phù hợp, không nên quy định cứng.
Đối với lĩnh vực giáo dục, đề nghị cần sớm hợp nhất các Trung tâm Giáo dục thường xuyên ở cấp huyện. Tỉnh tiếp tục nghiên cứu sớm sắp xếp Trung tâm Văn hóa và Trung tâm Thể thao ở cấp huyện.
Đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, một số đại biểu còn băn khoăn nếu quy định cứng 1 xã có 1 trường mầm non công lập, 1 huyện có 2 trường THPT và tăng trường lớp thì phải tự chủ về tài chính, vì thực tế có những địa bàn rất rộng và đông dân sẽ rất khó thực hiện.
Đối với việc sáp nhập tiểu học, THCS, không phải nơi nào cũng cần phải sáp nhập, mà hướng tới những nơi quy mô nhỏ, không phải sáp nhập ồ ạt. Ví dụ 1 phường của TP Hải Dương có 7 trường cả tiểu học và THCS thì sáp nhập thế nào? Việc sắp xếp các đơn vị cần tính đến cả việc sắp xếp đội ngũ giáo viên. Cần thận trọng trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục phổ thông, mầm non.
Có ý kiến về số lượng giáo viên hợp đồng nếu không còn chỉ tiêu biên chế thì rất khó trong thực hiện chỉ tiêu giảng dạy. Thực tế hiện nay số giờ lên lớp đã cao hơn định mức, chưa tính số giáo viên hợp đồng; mặt khác nếu giao cho giáo viên dạy tăng giờ sẽ vi phạm pháp luật về lao động.
Đối với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên đề nghị nên để Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì quản lý việc sắp xếp và bàn giao về cho huyện quản lý. Có ý kiến về các cơ sở dạy nghề hiện nay, tỉnh quản lý 4 cơ sở thuộc tỉnh, 6 cơ sở dạy nghề thuộc Trung ương. Để gộp lại 1 cơ sở thì cần phải làm rõ việc gộp các cơ sở thuộc Trung ương hay chỉ làm ở tỉnh.
Đối với lĩnh vực y tế, có ý kiến còn băn khoăn việc sáp nhập giữa y tế dự phòng và chữa bệnh đối với các Bệnh viện Đa khoa cấp huyện; Trung tâm Dân số-KHHGĐ cấp huyện và Trung tâm Y tế cấp huyện. Có ý kiến đề nghị sắp xếp Trung tâm Y tế dự phòng, dân số, các trạm y tế... thành 1 đầu mối. Có ý kiến băn khoăn về thị trấn, xã không có trạm y tế, vậy trung tâm y tế có thực hiện được các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tư vấn sức khỏe cho người dân được không?
ST