Biển Đông nổi sóng ngay từ đầu năm

Thế giới - Ngày đăng : 14:34, 11/01/2018

Philippines cuối cùng cũng phải lên tiếng trước thực trạng Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Mỹ đã chính thức bày tỏ thái độ. Còn Indonesia có động thái cứng rắn trở lại...

Biển Đông nổi sóng ngay từ đầu năm - Ảnh 1.

Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam sau một năm bị Trung Quốc cải tạo và xây dựng bất hợp pháp - Ảnh: CSIS

Chỉ trong ngày 9.1, Mỹ và Philippines xuất hiện hai tuyên bố riêng biệt nhưng cùng một nội dung cốt lõi: phản đối các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nuốt lời

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã đưa ra tín hiệu mạnh mẽ nhất đối với các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông, cáo buộc Bắc Kinh "quân sự hóa khiêu khích" trên các tuyến đường hàng hải chiến lược.

Ông Brian Hook, cố vấn chính sách cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, ngày 9.1 nói: "Việc quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông xem như Trung Quốc đang đấu tranh với luật pháp quốc tế. Họ đang thúc ép các nước nhỏ hơn vào những con đường tạo ra gánh nặng cho hệ thống toàn cầu. Chúng tôi tin tưởng rất mạnh mẽ rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc không thể tấn công vào giá trị trật tự dựa trên luật lệ. Khi cách hành xử của Trung Quốc vượt khỏi các giá trị và luật lệ ấy, chúng tôi sẽ ra mặt và bảo vệ luật pháp".

Những kế hoạch của Trung Quốc ở Biển Đông có phần thuận lợi sau khi Philippines, một trong những nước phản đối Trung Quốc mạnh mẽ, có dấu hiệu muốn đàm phán song phương từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền. Nhưng niềm tin của Philippines đã bị phản bội, theo Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana.

Phát biểu ngày 9.1, ông Lorenzana đề cập tới một bản tin phát trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 30.12.2017, trong đó diễn tả cảnh Đá Chữ thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) đã và đang được cải tạo, chuyển đổi thành một căn cứ không quân.

"Chính quyền Trung Quốc cách đây chưa lâu nói rằng họ sẽ không quân sự hóa những đảo bồi đắp. Nếu đúng vậy và chúng tôi có thể chứng minh họ đưa quân đội và thậm chí vũ khí lên đó, thì đấy là sự vi phạm với những gì chính họ nói" - hãng tin Reuters dẫn lời ông Lorenzana.

Indonesia kêu gọi đoàn kết

Chính phủ Indonesia hôm 9.1 cho biết họ sẽ thúc đẩy một bộ quy tắc ứng xử hiệu quả ở Biển Đông để xoa dịu căng thẳng trong khu vực, đồng thời khẳng định đây là một phần trong chính sách đối ngoại của nước này.

Ngoại trưởng Retno Marsudi nhấn mạnh rằng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nên bảo toàn vị thế của một "đối trọng nổi bật trong khu vực" với "sự lãnh đạo tập thể và phối hợp trong hành động". Ông nói: "Đối với Indonesia, sự thống nhất và tính trung tâm của ASEAN là chìa khóa và Indonesia sẽ tiếp tục bảo vệ điều đó".

Im lặng là mắc bẫy

Thực tế chính quyền Philippines cũng có những mâu thuẫn trong quan điểm về Trung Quốc và Biển Đông. Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana nói Trung Quốc nuốt lời, người phát ngôn Phủ tổng thống Philippines Harry Roque lại nói Trung Quốc không phản bội lời hứa. Trang tin Rappler dẫn lời ông Roque khẳng định Bắc Kinh "vẫn không vi phạm nghĩa vụ với lòng thành tín của mình, miễn là không bắt tay vào việc cải tạo mới". Ông Roque cho rằng lời hứa của Trung Quốc là "không cải tạo thêm, không tạo ra những công trình mới trên các hòn đảo mà Trung Quốc đã cải tạo".

Lời hứa ấy là cách Trung Quốc thuyết phục Philippines "tạm gác mâu thuẫn" để "thúc đẩy quan hệ song phương". Nhưng đằng sau nó là một chiến thuật tung hỏa mù, đánh tráo khái niệm hòng chiếm đoạt Biển Đông.

Một mặt, tờ Thời Báo Hoàn Cầu ngày 9-1 tố rằng các chính trị gia Philippines muốn lợi dụng vấn đề Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc và gây sức ép lên ông Duterte, bất kể thiện chí của chính quyền Duterte muốn gác mâu thuẫn - tăng quan hệ. Một mặt, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khi được hỏi nói thẳng rằng việc gia cố khả năng phòng thủ cho "lãnh thổ của mình" là điều hiển nhiên.

Tại Philippines lúc này, truyền thông bắt đầu cảm nhận được rằng không thể để Trung Quốc tiếp tục nói miệng trong khi âm thầm tiếp tục "phần việc" của mình ở Biển Đông. Tờ PhilStar ngày 10.1 đưa ra những phân tích từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) cho thấy Trung Quốc vẫn chưa, nhưng đang dần tiến nhanh hơn tới việc tạo ra những cơ sở quân sự, tiền đồn cần thiết nhất để tiến tới cảnh cấm đánh bắt cá trong tương lai.

"Tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy Trung Quốc sẽ cố gắng cấm việc đánh bắt cá ở Biển Đông, hoặc đẩy các nước có tuyên bố lãnh thổ khác ra khỏi những khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố... Tôi nghĩ chúng ta phải lường trước rằng nếu Trung Quốc phát triển mạnh hơn thì nhiều khả năng họ sẽ có những tham vọng rộng lớn hơn nữa so với hiện tại" - ông Zack Cooper tại CSIS nói.

Theo đánh giá của giới quan sát, năm 2017 là thời gian Trung Quốc tận dụng tối đa việc Mỹ phân tâm ở vấn đề Triều Tiên để đẩy mạnh các hoạt động phi pháp trên biển. Trong đó, theo PhilStar, Bắc Kinh vận dụng chiến thuật "đôi bên cùng có lợi" và trì hoãn. Tức là một mặt Trung Quốc khuyên dụ các nước Đông Nam Á thỏa thuận riêng với họ để tránh một viễn cảnh ASEAN đối đầu Trung Quốc, một mặt Bắc Kinh vừa thúc đẩy vừa trì hoãn Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Cách làm này sẽ tạo ra một khoảng thời gian "đàm phán" đủ để Trung Quốc lại âm thầm chuẩn bị tiềm lực quân sự đầy đủ và khi đạt tới một điểm giới hạn sức mạnh, Bắc Kinh sẽ buộc các nước khác phải chấp nhận "chuyện đã rồi".

Mỹ vốn đã thực hiện các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs), gần nhất hồi tháng 10.2017, được xem như thách thức các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong mắt Washington, tiến trình quân sự hóa của Bắc Kinh đồng nghĩa với sự chuẩn bị cơ sở vật chất, tiềm năng đối đầu để đảm bảo giấc mộng một mình ôm trọn Biển Đông.

NHẬT ĐĂNG (Tuổi trẻ)