Thi tuyển đầu vào lớp 6: Vừa mừng, vừa lo
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 06:03, 12/01/2018
Xét tuyển kết hợp kiểm tra đánh giá năng lực học sinh được nhiều trường đồng tình
Mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành theo Thông tư 11 ngày 18.4.2014 của bộ này. Điểm mới của dự thảo lần này là cho phép các trường có số học sinh đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu được kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực để tuyển sinh.
Tuyển sinh thuận lợi hơn
Theo quy chế hiện hành, các trường THCS tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển. Qua 3 năm áp dụng hình thức này, nhiều trường có đông học sinh đăng ký vào lớp 6 gặp không ít khó khăn. Trường THCS Lê Quý Đôn (TPHải Dương) là một ví dụ. Mấy năm gần đây, mỗi năm trường được giao chỉ tiêu tuyển khoảng 300 học sinh lớp 6, nhưng số hồ sơ đăng ký xét tuyển thường từ 400 - 420. Nhà trường thực hiện xét tuyển dựa trên kết quả học tập 5 năm tiểu học của học sinh, đồng thời cộng điểm cho học sinh đoạt giải cao trong các cuộc thi phong trào như thi giải toán, tiếng Anh qua mạng, thi “Trạng nguyên nhỏ tuổi”...
Thầy giáo Nguyễn Văn Oanh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết: “Năm học 2017 - 2018, nhà trường có khoảng 90% số học sinh vào lớp 6 có thành tích tham gia các kỳ thi, 10% còn lại xét tuyển thông qua kết quả học tập 5 năm tiểu học”. Cách xét tuyển này cũng bộc lộ nhiều bất cập bởi các trường tiểu học hoàn toàn có thể ưu ái kết quả học tập trong học bạ cũng như khuyến khích học sinh tham gia nhiều cuộc thi phong trào để có thêm các giải phụ. Trong khi đó nhiều em có khả năng nhưng không tham gia các cuộc thi phong trào nên điểm xét tuyển thấp hơn, không được tuyển.
Năm học 2018 - 2019, Bộ GDĐT dừng việc thi giải toán, tiếng Anh trên mạng và không cho phép sử dụng kết quả các cuộc thi để ưu tiên tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp. Đây sẽ là trở ngại cho nhà trường vì nếu chỉ dựa theo kết quả 5 năm học tiểu học sẽ rất khó khăn. Theo thầy Oanh, nếu quy chế tuyển sinh được sửa đổi, nhà trường sẽ được “cởi trói”, tuyển sinh sẽ thuận lợi hơn. “Có kiểm tra, đánh giá năng lực thì các trường ở nhóm nóng trong tuyển sinh mới sàng lọc và lựa chọn được học sinh có năng lực thực sự”, thầy Oanh nói.
Trung bình mỗi năm Trường THCS Bình Minh (TP Hải Dương) tuyển sinh từ 260 - 270học sinh vào lớp 6, song nhiều năm qua hồ sơ dự xét tuyển vào trường thường vượt từ 12 - 15%, nhất là từ khi trường xây dựng được 4 lớp chất lượng cao và được phép tuyển sinh trong toàn thành phố. Đồng tình với việc sửa đổi quy chế tuyển sinh theo hướng kết hợp vừa xét tuyển, vừa thi tuyển, cô giáo Đinh Thị Vượng, Hiệu trưởng nhà trường nói: “Đây là phương án phù hợp trong bối cảnh đã dừng các cuộc thi học sinh giỏi. Qua kiểm tra, đánh giá, nhà trường sẽ căn cứ vào điểm của các em đó để tuyển sinh mà không bị áp lực cộng điểm ưu tiên, điểm các giải phụ, mở ra nhiều cơ hội cho học sinh thử sức mình ở các trường chất lượng cao, bảo đảm tính khách quan trong tuyển sinh”.
Phụ huynh, học sinh băn khoăn
Trong khi các trường mừng thì không ít học sinh, phụ huynh lại lo lắng. Chị Bùi Thị Bích Trâm có con đang học lớp 5, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (TP Hải Dương) cho biết năm tới chị dự định nộp hồ sơ cho con vào Trường THCS Lê Quý Đôn. Nếu việc sửa đổi quy chế tuyển sinh được thông qua, con chị sẽ phải tham gia kiểm tra đánh giá năng lực. “Nếu thi tuyển sẽ gây thêm áp lực học tập cho các cháu vì phải ôn tập, học thêm mới mong cạnh tranh được với các bạn”, chị Trâm nói.
Em Đinh Nguyễn Trà My, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Bình Minh bày tỏ: "Em nghe cô giáo chủ nhiệm nói có thể năm học tới muốn vào các trường THCS tốt, chúng em sẽ phải tham gia thi. Em rất lo lắng không biết trường mà em muốn vào học có phải thi tuyển không? Việc kiểm tra thi tuyển có khó không?”.
Những băn khoăn, lo lắng trên là có cơ sở bởi với các trường có hồ sơ tham gia xét tuyển luôn cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh như THCS Lê Quý Đôn, Bình Minh, Võ Thị Sáu (TP Hải Dương) hay các trường chất lượng cao của các huyện, thị xã sẽ tổ chức thi tuyển nếu việc sửa đổi quy chế được thông qua. Như vậy học sinh sẽ phải ôn luyện cật lực và làm gia tăng thêm nạn dạy thêm, học thêm.
Tuy nhiên, cũng theo một số thầy, cô giáo là hiệu trưởng các trường chất lượng cao, các bậc phụ huynh và học sinh không nên lo lắng quá bởi thực tế nếu các em đã có kiến thức cơ bản, có năng lực thì việc kiểm tra đánh giá là rất bình thường. Đây cũng là dịp để các em làm quen với thi cử. Với các trường như THCS Bình Minh hay Võ Thị Sáu, học sinh đúng tuyến nếu không trúng tuyển vào lớp chất lượng cao vẫn được xếp học tại các lớp đại trà.
Theo dự thảo sửa đổi Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, việc xét tuyển kết hợp với kiểm tra đánh giá năng lực học sinh chỉ áp dụng với một số nơi có hồ sơ xét tuyển cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh. Như vậy, học sinh tự thấy mình không thể cạnh tranh vào trường tổ chức thi tuyển sẽ chọn trường đúng tuyến để được xét tuyển bình thường.
TRƯƠNG HÀ