Day dứt trước một lời từ chức
Chính trị - Ngày đăng : 07:22, 12/01/2018
Lý do thật đơn giản, ông từ chức bởi “đã không giữ được lời hứa với dân”, rằng sẽ giải quyết triệt để vấn đề này.
Hành động của ông Hải mang đến nhiều cảm xúc. Trước hết, điều đó thể hiện tinh thần “nói đi đôi với làm” của ông. Ông Hải từng nói ông sẽ quyết tâm làm cho bằng được, xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố quận 1. Sự thực thì ông cũng đã làm, làm quyết liệt và tạo nên một hiệu ứng rộng lớn. Chỉ có điều việc ông làm không được như kỳ vọng, như mục tiêu ông đề ra. Nhưng ông cũng nói nếu làm không được thì sẽ “cởi áo về vườn” và tờ đơn từ chức vừa gửi chính là hành động “nói lời, giữ lời” của ông.
Trong bối cảnh “văn hóa từ chức” là một thứ "xa xỉ" hiện nay, việc làm của ông Hải rất đáng trân trọng. Nó khác hẳn với cách mà không ít người vẫn làm, đó là “hứa rồi để đấy”, “nói một đằng, làm một nẻo”, khi làm không được thì đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan, không dám nhận trách nhiệm về mình. Nó cũng khác với kiểu của cán bộ không dám hứa điều gì trước dân, mọi kế hoạch, hành động đều chung chung, không có gì cụ thể.
Nhưng việc từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải cũng khiến nhiều người không khỏi xót xa. Giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè đô thị đúng là một việc khó, động chạm tới quyền lợi của nhiều người, như ông Hải nói, đó là “lợi ích rất to lớn hàng ngàn tỷ đồng của các bãi ô tô, xe gắn máy, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền... và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó". Có người cho rằng ông đã quá chủ quan khi cho rằng mình có thể giải quyết triệt để vấn đề này trong vòng 1 năm, nên thất bại là điều dễ hiểu. Cũng có ý kiến chia sẻ sự cảm thông, rằng ông Hải giống như “ngôi sao cô đơn” trong cuộc chiến giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Mỗi một góc nhìn đều có lý lẽ riêng, nhưng đã phản ánh một sự thật khách quan là mỗi chủ trương, mỗi việc làm liên quan đến vấn đề dân sinh muốn đi vào cuộc sống cần có sự chuẩn bị chu đáo, một kế hoạch thật cụ thể với các giải pháp đồng bộ, với sự vào cuộc thật sự của cả hệ thống chính trị. Một cá nhân cho dù có là vĩ nhân cũng vẫn cần sự đồng lòng, giúp sức của nhân dân mới có thể thành công.
Ông Đoàn Ngọc Hải mong muốn sau khi trở về làm một công dân bình thường sẽ tiếp tục suy nghĩ để tìm ra giải pháp thấu đáo hơn cho bài toán vỉa hè, lòng đường. Thiết nghĩ đó không phải là việc của riêng ông, bởi tình trạng này chẳng diễn ra tại riêng quận 1, TP Hồ Chí Minh mà hầu như đô thị nào cũng có. Lập lại trật tự đô thị, giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè cũng chỉ là một vấn đề trong rất nhiều vấn đề dân sinh khác. Để không có những cán bộ phải nói lời chia tay công việc trong day dứt vì chưa thực hiện được lời hứa của mình như ông Hải, cần nhiều hơn nữa những cán bộ dám nghĩ, dám làm, luôn trăn trở vì sự nghiệp chung. Chỉ khi nào chủ nghĩa cá nhân và lợi ích nhóm bị loại bỏ, pháp luật được thượng tôn thì khi ấy những vấn đề khó khăn như cuộc chiến vỉa hè mới được giải quyết và những cán bộ như ông Hải mới hết “cô đơn”.
HOÀI ANH