Phép màu với chàng kỹ sư Hà Nội sau hai năm sống thực vật

Xã hội - Ngày đăng : 14:17, 14/01/2018

Giọng nói ú ớ, viết nguệch ngoạc, bước đi chưa vững, song với chàng trai phải sống thực vật suốt hai năm qua, đó là kỳ tích.

Chàng trai ấy là Trần Văn Hải 35 tuổi, ở thôn Cống Đặng, xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Tại Trung tâm Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) những ai biết chuyện cũng khâm phục nghị lực phi thường của cả gia đình anh. Ngày nay nhìn anh khuôn mặt tươi tỉnh, ú ớ nói chuyện, ngồi xe lăn tập viết chữ, bạn sẽ không ngờ rằng trước đó anh chỉ có thể nằm co quắp trên giường bệnh. 

Nhớ lại 9 năm qua, bà Đặng Thị Minh Hương 59 tuổi mẹ anh Hải không ngờ con trai vẫn có thể sống. Khi đó anh Hải vừa cưới vợ được ba tháng, đang làm trưởng phòng kỹ thuật một hãng ôtô. Anh chở vợ bằng xe máy va quẹt với tàu hỏa ngày 10.1.2010 khiến anh bị chấn thương sọ não, vỡ trán, tai gần đứa lìa; vợ anh cũng bị gãy xương đùi. Cả hai vợ chồng được chuyển vào Bệnh viện E cấp cứu, sau đó chuyển sang Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Anh Hải cùng mẹ tại Trung tâm Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nam Pương.

Anh Hải cùng mẹ tại Trung tâm Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nam Phương.

Tình trạng của Hải rất nguy kịch, điểm hôn mê glasgow xuống rất thấp, máu chảy nhiều không thể phẫu thuật, phải thở máy, hồi sức tích cực. Không được bảo hiểm y tế chi trả, mỗi ngày chi phí điều trị mất 10 triệu đồng, ròng rã một tháng anh vẫn không có dấu hiệu tỉnh lại. Không từ bỏ, gia đình tiếp tục xin chuyển con sang Bệnh viện 103 rồi Bệnh viện 198.

“Tại Bệnh viện 198, Hải nằm lâu nhất được 6 tháng thì bị bệnh viện cho về vì không có tiến triển. Nghĩ cho con về quê thì chỉ có chết nên gia đình thuê nhà tại Hà Nội, bác sĩ kê đơn thuốc, đến nhà tiêm, thay ống xông; thuê hai người đến tập vật lý trị liệu”, bà Hương kể lại. Khi đó, bà đang làm hiệu phó trường mầm non, chồng làm hiệu phó trường cấp 2.

Trong suốt thời gian đó, vợ anh đi làm, thỉnh thoảng đến thăm, nói chuyện, mở cho chồng nghe những bài hát anh từng thích. Anh Hải vẫn nằm bất động trên giường, cho đến một ngày, phép màu xuất hiện. Khi ấy có người bạn của vợ đến thăm, anh Hải bỗng tỉnh lại khóc nức nở sau gần hai năm hôn mê.  

Nghe mẹ kể đến đây, anh Hải bỗng trào nước mắt, giơ tay, ú ớ muốn giải thích. “Mẹ có biết vì sao con khóc không? Vì con thương Phương quá (vợ anh Hải)”, phiên dịch lại lời con nói bà Hương không giấu được nước mắt. Vừa đưa tay lau nước mắt, người mẹ vừa nói: "Con tỉnh lại là mừng lắm rồi, nhưng gia đình còn muốn con được sống thực sự chứ không phải chỉ nằm co quắp trên giường". 

Anh Hải bị liệt nửa người, tăng trương lực cơ, cơ co cứng không thực hiện được chức năng gì, chỉ nằm co quắp trên giường như chữ C, ăn qua ống. Gia đình quyết định đưa anh đi viện tập phục hồi chức năng, hết tiền thì về nhà. Ai mách ở đâu chữa được cho con là vợ chồng bà Hương lại gom tiền đưa con đi; xoa bóp, bấm huyệt, tập vật lý trị liệu, uống thuốc nam... Vợ anh Hải đi làm tiết kiệm tiền mua các loại máy tập về cho chồng.

Căn nhà nhỏ cũ kỹ không còn đồ đạc gì quý giá cũng được đem đi cầm cố để vay tiền ngân hàng. Tài sản lớn nhất của gia đình hiện là chiếc xe máy mua năm 2009. Điều an ủi với họ là anh Hải tiến bộ từng ngày, từ chỗ nằm liệt giường dần ngồi dựa vào xe lăn, tập đánh máy tính ở nhà bằng tay phải, nói ú ớ… 

Những nét chữ còn nguệch ngoạc trong sổ nhật ký của anh Hải. Ảnh: Nam Phương.

Những nét chữ còn nguệch ngoạc trong sổ nhật ký của anh Hải. Ảnh: Nam Phương.

Gần đây bạn bè biết tin về thăm góp tiền đưa anh Hải lên Trung tâm Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai điều trị tiếp. Tiến sĩ Đỗ Đào Vũ, Phó giám đốc Trung tâm cho biết, so với lần vào viện cách đây 6 năm bệnh nhân đã tiến bộ rất nhiều, vui vẻ, nhận thức tốt, đang tập nói, tập viết, tập đi lại. Hiện miệng bệnh nhân không ngậm được nên nói phải mở miệng, mất hơi rất nhiều, chưa rõ tiếng. Để giúp bệnh nhân nói rõ hơn, không mất sức, bác sĩ sẽ phải phẫu thuật để bịt lỗ thủng ở họng. 

Sau hơn 2 tuần điều trị tại đây, từ tình trạng ngồi phải dựa ghế, anh Hải đã có thể ngồi thẳng. Mục tiêu điều trị nhằm giúp người bệnh ít nhất có thể tự chăm sóc mình, tập đi được, nói tốt hơn, viết được. Tuy nhiên phục hồi chức năng là cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi bệnh nhân cố gắng nhiều hơn, cũng như chi phí rất lớn.

Nhìn con ngồi trên chiếc xe lăn cũ kỹ, cặm cụi tập chép thơ Tống biệt bằng bàn tay phải còn lành lặn dù nét chữ còn xiên xẹo, bao nỗi vất vả mệt mỏi của người mẹ già dường như đều tan biến. Nở nụ cười rạng rõ, bà Hương tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn với con trai của mình. 

NAM PHƯƠNG (VnExpress)