Ngày không ám khói
Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:00, 15/01/2018
Bà Phẳng lẳng lặng cầm cây rễ dừa ra vườn quét lá. Lá khô, lá ướt, lá rụng lâu ngày bị mục thi nhau bám dính thành từng tầng quện đất. Hì hụi từng nhát một, bà Phẳng đánh bật chúng lên, chất thành đống ở góc vườn. Một mồi lửa từ tay bà là chúng biến thành tro, sản sinh ra khói. Những làn ngói ngùn ngùn và đặc sệt. Một loại khói cực kỳ khó chịu bay mù mịt trong vườn, lan sang nhà hàng xóm, vì chỗ bà Phẳng đốt lá còn gần nhà hàng xóm hơn chính nhà bà.
Hàng xóm không ai khác chính là nhà bà Ngô, bạn tâm tình thân thiết với bà Phẳng. Đất vườn hai nhà sát nhau, trước hai nhà chỉ cắm tạm mấy cây râm bụt, gọi là có dấu mốc để biết ranh giới đất đai. Thậm chí giữa hàng rào râm bụt ấy còn có một lỗ khoét lớn mà với bọn trẻ, nó như cánh cửa thần kỳ cho chúng chui sang bên này bên kia. Hàng rào râm bụt ấy đã chứng kiến bao ân tình hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau. Khi thì bà Phẳng với gọi bên kia để cho bát canh cần vừa nấu, khi thì bên kia với gọi bà Phẳng để cho mấy củ sắn mới dỡ. Ngày mưa nhà bên này đi vắng, nhà bên kia vội vã chui qua hàng rào sang thu vén hộ dây quần áo. Mùa nắng oi ả, bà Phẳng và bà Ngô vác ghế ra ngồi bên hàng rào hóng mát, thủ thỉ chuyện trò. Đợi đến khi nước sông cạn chắc hai bà cũng không hết chuyện để kể cho nhau nghe, chẳng qua bà Phẳng phải vào bắc nồi cám lên bếp cho lợn ăn không muộn hoặc đến giờ bà Ngô phải múc xô nước tưới rau…
Nhưng đấy là chuyện ngày xưa, còn bây giờ bà Phẳng đã cho xây bức tường có cắm mảnh sành cao vun vút ngăn cách hai nhà. Bao nhiêu hậm hực trong lòng bà Phẳng được trút vào đám khói. Thằng con trai bà nuôi tốn cơm tốn gạo mới lớn phổng phao, đẹp trai, học giỏi như thế. Bà cho nó ra thành phố ăn học đàng hoàng mong mỏi nó làm nên sự nghiệp, thoát ly khỏi cái nghề nông cơ cực, vất vả của bố mẹ. Nhưng nó bị con Hiên nhà bà Ngô cho ăn bùa mê thuốc lú gì mà cứ quấn chặt lấy cái góc quê lạc hậu này.
Thằng Lân nhà bà và con bé Hiên cùng tuổi, hai đứa học cùng nhau, chơi thân với nhau từ bé. Học hết lớp mười hai thì Hiên nghỉ ở nhà. Nó mê làm vườn. Còn thằng Lân đỗ đại học trên thành phố. Bà Phẳng mừng rơi nước mắt, đời bà chỉ có niềm mong mỏi duy nhất là con trai bà sẽ theo con đường học hành, ra trường neo thân ở thành phố cho dòng họ mở mày mở mặt.
Mỗi lần từ thành phố về Lân thường chạy ngay sang khu vườn của Hiên phụ giúp việc phun nước tưới cây. Hai đứa cười nói tíu tít cả buổi trong khu vườn. Điều đó chẳng có gì lạ. Chúng nó có khác gì hai thằng con trai chơi với nhau đâu, lúc nhỏ còn chí chóe đánh nhau. Bà Phẳng không ngờ hai đứa trẻ ranh choảng nhau suốt ngày ấy lại tuyên bố yêu nhau. Trời ơi, thằng Lân chậm rãi, dõng dạc vào tai bà rằng, đời này, kiếp này nó không cưới ai ngoài cái Hiên. Bà chưa bao giờ thấy con trai mình nói cái gì rõ ràng và kiên quyết đến thế. Xưa nay, chỉ cần bà đanh mặt lại là nó đã sợ, nghe theo bà răm rắp. Nó là đứa con trai ngoan, biết vâng lời của bà. Lần này, sao nó lại khăng khăng theo ý mình. Nhất định do con Hiên đeo bám, dụ dỗ, xúi giục con bà. Nhất định tại lỗi của con Hiên.
Lân bảo mẹ chẳng hiểu gì cả. Lân quyết định ra trường về quê lập nghiệp vì Lân muốn theo đuổi ước mơ của đời mình, Lân muốn làm cái mà lòng Lân muốn, chứ không phải do Hiên. Nếu chỉ vì muốn cưới cái Hiên thì Lân về quê rước Hiên lên thành phố kiếm việc cũng xong. Ngẫm phải. Nhưng bà Phẳng vẫn ấm ức, cái Hiên sao sánh được với con trai bà.
Hôm rồi, ra chợ ngoài ngã ba mua rau, bà Phẳng thấy củ cải bầy trên quầy to, ngon, lạ mắt liền mở lời khen. Bà bán rau nhanh nhảu bảo, bà không biết à, tôi lấy của chính con dâu bà đấy. Nó thật có trí, mày mò thế nào mà trồng toàn loại rau, củ, quả ngon đáo để. Bà Phẳng quắc mắt, con trai tôi đã cưới vợ đâu mà có con dâu. Bà bán rau cười cười, gớm, thằng Lân dính cái Hiên như keo thế cứ gọi con dâu được rồi. Bà Phẳng nhảy dựng lên lu loa chửi bới ngay giữa chợ.
Bà Ngô chẳng phải dạng vừa, nghe thấy thiên hạ mách con gái bà bị bà Phẳng bêu riếu, chửi bới ở khắp nơi, bà cũng xắn tay áo lên, ra đứng cạnh bờ tường cất cao giọng mỉa mai cái thằng cứ quấn lấy con gái xinh đẹp của bà. Tiện thể bà nhiếc móc thêm người nuôi nấng không biết bảo ban nó. Bà dọa nạt con gái còn giao du với cái thằng ấy, bà từ mặt cho coi.
Mùa này cây trút lá nhiều hơn. Hiên ngồi tựa lưng vào gốc cây, mắt lim dim nghĩ về dự án vườn - ao - chuồng trên mảnh đất này. Hiên sẽ chặt những cây lâu năm đi. Hiên muốn tập trung nhiều hơn vào mảng rau sạch. Nhu cầu lấy rau sạch từ nông thôn của các thành phố lớn ngày càng gia tăng. Gì chứ trồng trọt Hiên luôn hứng thú, dù cây cảnh, hoa hay rau sạch. Để triển khai kế hoạch trong đầu thành hiện thực chắc chẳng dễ, Hiên cần có sự hỗ trợ của Lân và sự đồng tình của gia đình. Mỗi lần về, Lân thường mang theo vài cuốn sách về trồng trọt cho Hiên. Hiên tỉ mẩn say mê nghiên cứu tối ngày.
Đang miên man nghĩ ngợi thì thấy mắt mũi tự nhiên cay xè, ngực tưng tức khó thở. Những ngọn khói lại đến giờ tràn vào vườn nồng nặc. Hiên chạy ra ngõ, vòng sang nhà hàng xóm:
- Bác Phẳng ơi, bác đốt lá đấy ạ! Để cháu qua thu giùm bác rồi xin về đổ vào một chỗ để mục bón cho rau. Chứ bác đốt thế, thuận chiều khói ào sang đây, ám cây mầm mới ươm của cháu, hỏng hết bác ạ!
- Ơ, cái chị này hay nhỉ. Cây nhà chị, chị cứ giữ. Lá nhà tôi, kệ tôi đốt.
- Bác giận gì cháu thì giận, chứ mấy luống cây mầm này có lỗi gì đâu. Mà khói ám thế bác cũng chịu được sao?
- Mới nứt mắt ra mà chị đã muốn dạy người già rồi. Chị đừng tưởng chị ve vãn được con trai tôi, rồi nhảy vào nhà tôi thích làm gì thì làm.
Tính tự ái cao, nghe thấy bà Phẳng đay nghiến, giọng Hiên ngay lập tức căng lên:
- Cháu đâu dám dạy bác. Bác nói cẩn thận chứ. Chuyện tình cảm của chúng cháu xuất phát từ cả hai phía mà.
- Gớm nhỉ, để rồi xem, nó quay lưng thì chị đừng có bám nó nhé.
Hiên hơi cau mày, khẽ lắc đầu đi về. Thực ra Hiên chẳng muốn làm căng gì. Hiên đã hứa với Lân sẽ làm hòa với bà Phẳng, sẽ cố gắng để bà Phẳng thích Hiên. Khói ám luống rau Hiên xót một phần nhưng phần nhiều Hiên lo cho sức khỏe bà Phẳng. Từ lúc phát hiện ra hai đứa yêu nhau, cứ cách ngày là bà Phẳng lại hun lá khô đốt. Không khéo miệng nhưng Hiên là đứa tốt tính. Bà Phẳng lạ gì nó đâu. Nếu nói về nhan sắc, so với đám trẻ trong làng, nó xinh nhất nhì. Chỉ tội nó cá tính quá, con gái nhanh nhạy, bươn bả quá để làm gì. Bạn bè cùng trang lứa phấn đấu lấy tấm bằng đại học mong sau này tìm được công việc an nhàn. Còn nó vừa kết thúc lớp mười hai đã bảo bố mẹ không phải lo cho nó nữa, nó đã có dự định cho riêng mình. Tưởng gì, thấy ngày qua ngày nó cứ tẩn mẩn với mấy cái cây. Người ta tìm đến nó rầm rầm. Nghe đâu, mấy ông chơi hoa lan mê tít cái giống hoa nó trồng. Bà Phẳng hay “đá xéo”, chẳng biết cánh đàn ông ấy tìm hoa hay tìm người.
Có lần Lân gặng hỏi bà không thích Hiên ở điểm nào, bà ngồi thừ ra, vì bà cũng chẳng biết.
Cuộc sống thành phố ngay từ đầu đã không hợp với Lân. Lân khao khát lập sự nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình. Lân và Hiên ngẫu nhiên trùng ý tưởng. Tâm sự với nhau nhiều, tình cảm cũng tự nhiên mà phát sinh theo sự trưởng thành của hai đứa. Bốn năm học ở thành phố đằng đẵng, Lân chỉ mong nhanh nhanh ra trường, lao về quê cùng Hiên lập trang trại chuyên cung cấp rau củ quả sạch. Hai đứa tính toán đâu đó rồi, từ tìm tòi học sách vở đến trải nghiệm thực tế. Trong năm qua không ít loại cây được chính tay Hiên thử trồng ở quy mô nhỏ và đã thành công. Đây là thời điểm chín muồi để hai đứa triển khai ở quy mô rộng hơn.
Lân thưa chuyện với mẹ. Mẹ giận Lân chịu được, mẹ mắng chửi cũng chẳng sao vì có thể mẹ chưa thể chấp nhận tình yêu của Lân và chưa tin cái kế hoạch trồng rau củ quả sạch ấy thành công… Nhưng mẹ bảo mẹ chết cho Lân xem, mà mẹ lao đầu vào tường thật, lòng Lân sao đành. Mẹ mang nặng đẻ đau, vất vả nuôi Lân ăn học đến từng này. Lân vò đầu bứt tai nghĩ cách giải quyết. Sao mọi chuyện căng thẳng đến mức ấy. Lần đầu tiên thằng con trai như Lân phải rơi nước mắt.
Từ hôm đó, Lân ở thành phố biền biệt.
Tốt nghiệp đã bốn tháng, Lân chưa về nhà lần nào. Bà Phẳng từ thái độ vui mừng chuyển sang lo lắng. Bà vui vì nghĩ Lân cắt liên lạc với Hiên, bà lo lắng vì không biết tình hình công việc của con sau tốt nghiệp thế nào, sao nó không chịu điện đóm, liên lạc về nhà. Bà bắt ông nhà đèo lên thành phố xem con trai làm việc ra sao. Lân vốn tự lập nên từ khi Lân ở thành phố, ông nhà có lên hai lần, còn bà thì chưa thăm Lân lần nào. Bà Phẳng ái ngại trước cái xóm trọ ọp ẹp. Phòng này chắp nối phòng kia bằng một dây quần áo ướt át thấp lè tè. Gặp chủ nhà trọ, ông bà nán ngồi uống nước đợi con trai chưa đi làm về. Ông chủ tươi cười cởi mở:
- Thời buổi làm việc thật áp lực. Thằng cu nhà anh chị vừa ra trường càng cực, sáng sớm đã đi làm mà tối mịt mới về. Cơm nước nghỉ ngơi qua loa. Thấy cũng tội.
Bà Phẳng nghe vậy không nuốt trôi hớp nước vừa nhấp:
- Vâng, biết làm sao được bác.
Ông chủ tiếp:
- Thằng cu này ham mê trồng trọt nhỉ. Cuối tuần toàn đi thực tế ở nông trại để học hỏi đấy. Cô người yêu còn lên báo hẳn hoi, trong chuyên mục “Khởi nghiệp” ấy.
Bà Phẳng giật mình, cười sượng:
- Sao anh biết?
- Con bé nó làm ra kinh tế khi thằng Lân mới học năm thứ hai. Nó qua lại đây suốt, tôi lạ gì. Mà nói thật, chị cản chúng nó làm gì, để thằng Lân về quê chung sức với người yêu lập trang trại cũng tốt. Bám phố sướng gì đâu chị. Chị nhìn cuộc sống của bọn trẻ ở xóm trọ này xem. Chật chội, bon chen.
Bà Phẳng thần người. Chết, cả chuyện bà cản chúng nó, ông chủ nhà trọ cũng biết.
Hóng mãi. Nhìn thấy thằng Lân, bà Phẳng suýt không nhận ra con trai, làm lụng gì mà gầy tong teo. Nước mắt lưng chừng ngắn dài, bà dồn dập mắng nó, giận gì bố mẹ mà không điện về nhà.
Lân cười khì khì bảo bận làm chứ có sao đâu. Lân dẫn bố mẹ lên cái chòi nhỏ. Lâu nay, bà tưởng cứ lên phố là ngon lành. Mà nhìn như này, cực chẳng đã mới phải ở đây.
Nhà mình thì rộng rãi mà thằng Lân ở trên thành phố phải thuê cái phòng trọ ọp ẹp, sáng mở mắt ra vội vã đi làm, đêm tối muộn mới về đến nhà, lương tháng chỉ đủ chi trả cuộc sống. Nằm nghĩ đến con trai giờ này đang nằm trên cái gác chòi chênh vênh, lạnh lẽo, bà Phẳng thương thắt ruột, nước mắt rơi lã chã. Cuộc sống thành phố chẳng dễ dàng như bà tưởng. Ừ thì bà bán hết đất đai vườn tược đi, vun đắp mua cho thằng Lân cái nhà thành phố đi chăng nữa, nhưng cuộc sống thành phố chật chội, bon chen, đâu phải ai cũng hợp. Chả thế mà ối đứa trẻ măng phải tự tử vì bị stress nặng. Bà Phẳng sờ sợ.
Không biết do lúc từ thành phố về dính nước mưa hay do ngẫm ngợi quá mà bà Phẳng đổ bệnh. Bà nằm lỳ trong nhà. Sau hai hôm, cái Hiên đã phát hiện ra bà ốm, vì nếu không ốm, ngày nào bà cũng mang rễ ra vườn quét lá rụng, hun vào để đốt. Khói hôm nay không chờn vờn u ám hai mảnh vườn.
Hiên giấu bà Ngô, lúi húi nấu cháo bưng sang cho bà Phẳng. Hiên lặng lẽ đi lại làm lụng mọi thứ trong nhà bà Phẳng. Trước khi về, Hiên thì thầm bên giường bà Phẳng, nó chỉ mong hai nhà được như cũ, dù nó không đến được với thằng Lân. Bà Phẳng quay lưng vào tường chẳng nói gì, chỉ có đôi mắt rưng rưng.
Thực ra, bà Phẳng luôn yêu quý cái Hiên. Bà coi nó như con gái từ khi nó còn bé xíu xiu. Tính bà thích hãnh diện với hàng xóm, bà nghĩ phải có bằng đại học nó mới danh giá. Hiên chẳng có điểm gì đáng chê, ngoài việc nó quyết định không thi đại học. Tự dưng bà nổi giận đùng đùng rồi đay nghiến nó, chứ nó nào có tội tình gì. Nhưng từ lúc nào, khoảng cách giữa bà Phẳng và Hiên đã giãn ra quá rộng, rộng đến mức một lời nói hòa giải cũng khó mà cất lên. Bà biết sự quá quắt của mình đã khiến đôi trẻ tổn thương và có sự khởi đầu chẳng mấy tốt đẹp. Bà muốn nói một lời xin lỗi với Hiên, nhưng rồi bà cứ nằm đó, bất động. Dẫu sao, mọi chuyện chưa muộn. Người bà phải nói chuyện trước không ai khác là bà Ngô. Tự dưng, bà thấy nhớ cái giọng sang sảng của bà bạn ghê gớm.
Chắc Hiên báo mẹ ốm nên Lân đã về ngay tối qua. Lâu lắm rồi, bà Phẳng mới thấy một buổi sáng bình yên đến thế, khu vườn trước nhà bỗng dưng thật trong trẻo. Từ nay, ngày sẽ không còn ám khói nữa, sẽ thôi mùa lá rụng vì bà Phẳng sẽ cho chặt hết cây lâu năm. Bà thì thầm với Lân, “Con bàn với cái Hiên phá bức tường ngăn hai nhà đi, mở rộng đất trồng rau sạch, các con cứ thử sức xem sao… đằng nào chẳng thành một nhà”.
Lân sung sướng dạ vâng. Lân ở lỳ thành phố để gây áp lực với mẹ, mà không ngờ mới chỉ có bốn tháng mà mẹ đã thay đổi. Kế hoạch vạch ra của hai đứa còn đầy rẫy khó khăn ở phía trước nhưng khởi đầu thế này đã là thành công mỹ mãn.
Truyện ngắn của TRẦN NGỌC MỸ