Luật sư ông Đinh La Thăng: Không có căn cứ nói chỉ định thầu là lợi ích nhóm
Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 01:21, 16/01/2018
Chiều 15.1, phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐQT/HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), cùng 21 đồng phạm trong vụ án "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), tiếp tục diễn ra.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (đứng) bào chữa cho ông Đinh La Thăng
Bào chữa cho ông Đinh La Thăng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng phần đối đáp của VKS còn nhiều nội dung được suy đoán, quy kết thiếu căn cứ và không đưa ra được bằng chứng chứng minh, vi phạm nguyên tắc cá thể hoá, có căn cứ trong luận tội. Về nguyên tắc tố tụng, căn cứ là ưu tiên số 1 cần tôn trọng.
Về vấn đề VKS cho rằng công văn của Thủ tướng cho phép PVN chỉ định thầu theo quy định và PVN phải chịu trách nhiệm thực hiện cũng như quản lý vốn. Tuy nhiên, 2 văn bản này không đưa ra cụ thể cho phép PVN chỉ định PVC thực hiện dự án Nhà máy Thái Bình 2.
Lập luận về vấn đề này, luật sư Thiệp cho rằng là không phù hợp, không có căn cứ. Với các công văn về đường lối chiến lược thì không thể có thể chi tiết, cụ thể như: có dự án, công trình...
Đối đáp VKS về vấn đề chỉ định thầu cho PVC, luật sư Thiệp cho rằng vào thời điểm đó, các bị cáo có mặt trong vụ án đều xác định chỉ có Lilama đủ kinh nghiệm thực hiện Dự án Nhà máy Thái Bình 2. Tuy nhiên, dự án nào cũng để Lilama làm thì dẫn đến độc quyền, không kích thích phát triển.
"Với tư duy kinh tế thị trường thì không bao giờ để rơi vào độc quyền, phải có cạnh tranh, để kích thích doanh nghiệp tự hoàn thiện mình, vượt lên để đủ sức cạnh tranh. Với tư tưởng ấy thì HĐTV chỉ định thầu cho PVC về chủ trương là phù hợp"- luật sư Thiệp đối đáp lại.
Về hợp đồng 33 và 4194, VKS cho rằng ngày 24-2, ông Đinh La Thăng biết hồ sơ thiết kế kỹ thuật chưa có nhưng ngày 28-2 đã ký hợp đồng nên quy kết ông Thăng chỉ đạo ký hợp đồng vi phạm pháp luật. Theo luật sư Thiệp, với hợp đồng 33, thẩm quyền ký là thuộc PVPower và PVC, tức chủ đầu tư và nhà thầu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, dự án là trọng điểm quốc gia, với áp lực tiến độ, ông Thăng đã quyết liệt chỉ đạo đáp ứng tiến độ.
"Nếu dự án tính cấp bách và tầm quan trọng mà thủ tục trình tự lần lượt thì không bao giờ làm được kịp. Do ép tiến độ và cơ chế đặc thù được phép tiến hành với nhiều nội dung, chứ không nhất thiết việc trước xong mới đến việc sau. Vấn đề cuối cùng là hiệu quả trong thực hiện triển khai dự án và thực tế hôm nay không thể nói không đạt được"- luật sư Thiệp phân tích
Theo luật sư Thiệp, sai sót trong hợp đồng 33 không thuộc trách nhiệm ông Đinh La Thăng vì ông lãnh đạo đề ra chủ trương, thay mặt HĐTV ban hành nghị quyết chứ không phải người thực hiện. Ngoài ra, việc ký hợp đồng, chưa có tài liệu nào chứng minh ông Đinh La Thăng chỉ đạo ký hợp đồng 33 bất chấp quy định pháp luật, hay nói cách khác là trái quy định pháp luật.
Luật sư Thiệp cũng cho rằng kết luận chỉ đạo giao ban ngày 1-6 cho thấy rằng bản thân ông Đinh La Thăng không biết nội dung hợp đồng 33 nên đã yêu cầu tạm ứng cho nhà thầu tới 10%, trong khi hợp đồng 33 thống nhất 6%. "Chi tiết này cho thấy ông Thăng không biết nội dung hợp đồng, do đó làm sao nói ông biết mà chỉ đạo làm sai"- luật Thiệp nói.
Về vấn đề tạm ứng, luật sư Thiệp cho rằng VKS áp dụng điều 68 luật dân sự 2005. "Quan điểm của luật sư cho rằng đây có sự lẫn lộn. Nếu là tranh chấp phát sinh của 2 doanh nghiệp thì việc áp dụng điều 68 là đương nhiên. Nhưng hiện đang xem xét pháp luật hình sự, hậu quả là thực tế diễn ra chứ không phải hậu quả tương lai"- luật sư Thiệp phân tích
Về cáo buộc lợi ích nhóm của VKS, theo luật sư Thiệp là vấn đề phát sinh trong quá trình luận tội, trước đó chưa được thể hiện trong điều tra truy tố, với lập luận cho rằng do ông Vũ Đức Thuận, Trịnh Xuân Thanh là do ông Đinh La Thăng cất nhắc, bổ nhiệm nên có ưu ái chỉ định PVC làm tổng thầu. "Có căn cứ nào để xác định việc cất nhắc bổ nhiệm cán bộ trong doanh nghiệp mà ông Thăng có lợi ích gì trong việc đó? Quy trình bổ nhiệm cất nhắc có căn cứ nào sai? Nếu có chỉ ra để thấy sự ràng buộc, còn việc lãnh đạo thấy cán bộ đáp ứng yêu cầu, đủ khả năng thì thậm chí tìm mọi cách lôi kéo nhân sự về là bình thường"- luật sư Thiệp nêu rõ.
Theo Người Lao động