Ông Đinh La Thăng xin được tại ngoại

Pháp luật - Ngày đăng : 14:14, 16/01/2018

Ngay khi bắt đầu phiên tranh luận chiều 16.1, ông Đinh La Thăng đã kiến nghị cơ quan tố tụng thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho ông được tại ngoại.

Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa

Trình bày với hội đồng xét xử trước khi bước vào tranh luận chiều 16.1, ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HđQT Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), bị xét xử về tội cố ý làm trái cho rằng bản thân ông cũng như các bị cáo khác không gây nguy hiểm cho xã hội, không cần thiết phải bị tạm giam.

Ông Thăng kiến nghị Hội đồng xét xử và Viện kiểm sát thay đổi biện pháp ngăn chặn với ông, cho ông được tại ngoại.

Trước đó trong phiên tòa buổi sáng, ông Đinh La Thăng khẳng định bản thân không hưởng lợi gì từ việc chỉ định thầu cho Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) của Trịnh Xuân Thanh.

Do đó, theo ông Thăng, luận điểm của Viện kiểm sát cho rằng việc ông bổ nhiệm các bị cáo Vũ Đức Thuận và Trịnh Xuân Thanh làm tổng giám đốc PVC vì lợi ích nhóm là không thỏa đáng.

Bị cáo cũng được bổ nhiệm!

"Việc bổ nhiệm cán bộ không thể coi là lợi ích nhóm. Bản thân bị cáo cũng được cấp trên bổ nhiệm. Vì trong nhóm này không phải thuần túy là lời buộc tội của bị cáo mà còn lương tâm trách nhiệm của cả tập thể, mong HĐXX xem xét giúp", ông Thăng nói.

Ông Thăng cũng nói về việc nhận trách nhiệm của mình trước HĐXX và toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, nhưng đại diện VKS vẫn cho rằng đó là chối bỏ trách nhiệm: "Bị cáo là lãnh đạo cao nhất của tập đoàn, bị cáo đã nhận trách nhiệm là chưa hoàn thành trách nhiệm. Bị cáo sẵn sàng nhận trách nhiệm của bị cáo cho tất cả các cán bộ dưới quyền, chỉ vì đẩy nhanh tiến độ dự án mà gây ra sai phạm, không động cơ cá nhân, không vụ lợi". 

Khẳng định bản thân không bao giờ muốn làm tổn hại đến các bị cáo khác, ông Đinh La Thăng cho biết luôn dặn các luật sư bào chữa rằng: "Bào chữa thế nào thì bào chữa nhưng không đổ lỗi cho Đảng và Nhà nước hay cấp dưới. Bào chữa cho bị cáo mà làm nặng cho người khác thì không được làm".

Ông Thăng cũng nhắc lại kết luận 41 của Bộ Chính trị và chủ trương của Chính phủ và khẳng định việc chỉ định thầu là nằm trong chủ trương, PVN được chỉ định các đơn vị thành viên của mình. Còn thời điểm đó, ngay cả Lilama cũng không đủ năng lực để làm tổng thầu.

Thẩm quyền chỉ định thầu trong dự án này đã được HĐTV quyết định. Đặc biệt, ông Thăng nhấn mạnh, sau khi bị cáo chuyển công tác thì lãnh đạo tập đoàn đã đánh giá lại và vẫn giao PVC đủ năng lực thực hiện.

"Như vậy, chủ trương chỉ định thầu không phải do bị cáo đưa ra", ông Thăng nói.

Sao không xử lý người trực tiếp vi phạm?

Hợp đồng 33, ông Đinh La Thăng khẳng định, hoàn toàn là thẩm quyền của PVPower, không thuộc thẩm quyền của chủ tịch HĐTV của PVN.

"Bị cáo chỉ được thực hiện trong phạm vi trách nhiệm quyền hạn, nếu làm sai thì vi phạm pháp luật. Trong các cuộc họp, bị cáo không nhận được báo cáo nào của PVPower hay ban tổng giám đốc về sự thiếu sót này, bị cáo hoàn toàn không biết", ông Thăng nhấn mạnh.

Ông Thăng cũng nói trách nhiệm là của PVPower bởi ngay sau khi ký hợp đồng xong, PVPower có công văn đề nghị tạm ứng tiền cho PVC ngay. 

"Tuy nhiên, vì trách nhiệm của bị cáo là đang sử dụng đồng tiền của nhà nước nên không thể sử dụng sao cũng được", ông Thăng nói ngay sau đó đã có văn bản chỉ đạo chỉ được sử dụng tiền tạm ứng vào dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 nhưng văn bản này đã không được VKS trích dẫn.

"Những cái gì buộc tội bị cáo thì VKS đưa vào, cái gì gỡ tội thì không đưa vào. Không phải bị cáo coi thường đồng tiền, chính vì trân trọng đồng tiền nhà nước giao nên phê vào công văn đó. Bị cáo không muốn đôi co với cấp dưới của mình, bởi bị cáo đã rất trân trọng họ. Đề nghị HĐXX xem xét cho bị cáo", ông Đinh La Thăng nói.

Bị cáo Thăng cũng tỏ thái độ với việc PVPower là bên phải chịu trách nhiệm về chuỗi hành vi sai phạm nhưng lại không bị xử lý, trong khi những người liên quan, giúp sức lại bị xử lý.

Ông Thăng tranh luận: "Ví như người trực tiếp giết người thì không xử lý, những người mua dao, người cầm dao thì bị xử lý tất. Đề nghị xem xét về trách nhiệm của PVPower".

Ông Đinh La Thăng vẫn chưa nói xong phần tranh luận của mình thì đã quá 12h trưa, HĐXX cho tạm nghỉ để chiều phiên tòa tiếp tục.

Trước đó, luật sư Trần Hồng Phúc bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh (tội tham ô tài sản) đã đề nghị HĐXX xem xét bằng chứng (chứng nhận việc rút tiền đưa cho Trịnh Xuân Thanh) mà VKS sử dụng trong phần đối đáp hôm qua.

Cho rằng bằng chứng đó được thu thập trong khi vụ án đang được đưa ra xét xử, luật sư Phúc nhận định việc sử dụng bằng chứng như vậy là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

HOÀNG ĐIỆP (Tuổi trẻ)