Không được hỗ trợ xi măng: Thôn Phúc Tân vẫn chủ động làm đường

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 16:13, 17/01/2018

Từ cuối năm 2016, UBND tỉnh tạm ngừng hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn và đường ra đồng.


Nhân dân xóm Trại, thôn Phúc Tân, xã Gia Tân chủ động đóng góp kinh phí, ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn

Trong khi một số địa phương không được hỗ trợ xi măng, việc làm đường đã phải dừng lại thì người dân một số xóm của thôn Phúc Tân, xã Gia Tân (Gia Lộc) vẫn chủ động làm đường giao thông theo đúng chuẩn nông thôn mới (NTM).

Trước đây, các tuyến đường trong thôn Phúc Tân đã được bê tông hóa nhưng nay bị xuống cấp, bề rộng, độ dày đều không bảo đảm. Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, UBND xã Gia Tân cùng với cán bộ thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chủ động làm lại đường. Bà con ủng hộ tích cực nên chỉ trong thời gian ngắn, xóm Trại và xóm Đình đã làm 875 m đường, với kinh phí trên 700 triệu đồng do nhân dân  đóng góp và ủng hộ.

Để làm lại tuyến đường trục chính của xóm, người dân xóm Trại nhiều lần tổ chức họp bàn về cách thức, phương án thực hiện. Tuyến đường dài 590 m nhưng chỉ có gần 150 nhân khẩu nên người dân thống nhất chia tuyến đường làm 3 đoạn. Mỗi đoạn bầu 1 nhóm trưởng, người dân ở đoạn đường nào thì đóng góp làm ở đoạn đó. Cách làm này được nhân dân nhất trí cao nên chỉ trong 7 ngày (từ ngày 19 - 25.12.2017), đoạn đường dài 590 m đã hoàn thành, bề mặt rộng từ 3,5-4,7 m, dày 20 cm, có rãnh thu gom nước thải. Ông Nguyễn Đăng Nhánh, một trưởng nhóm làm đường cho biết: “Đoạn đường nhóm tôi làm dài 310 m nhưng chỉ có 60 khẩu. Trong khi đó, tổng kinh phí làm đường hết hơn 260 triệu đồng. Ngoài số tiền bà con trong thôn ủng hộ, mỗi khẩu phải đóng 3,1 triệu đồng để làm đường nhưng ai cũng vui vẻ”.

Việc xóm Trại làm xong đường thôi thúc người dân xóm Đình bắt tay vào thực hiện. Ông Tăng Văn Doàn, một người dân trong xóm cho biết: “Chúng tôi có kế hoạch từ lâu nhưng do tỉnh tạm dừng hỗ trợ xi măng nên định chờ khi nào tỉnh hỗ trợ thì sẽ làm đường. Thế nhưng khi thấy xóm Trại không cần nguồn hỗ trợ mà vẫn làm được nên chúng tôi quyết tâm thực hiện”.

Đường của xóm Đình dài 285 m nhưng chỉ có 67 nhân khẩu.  Để giảm mức đóng góp của người dân, xóm lập một nhóm đi tuyên truyền, vận động sự ủng hộ của gia đình có điều kiện, cán bộ, lãnh đạo xã sinh sống trong xóm và một số người dân sử dụng tuyến đường này để đi ra đồng. Tổng kinh phí vận động được trên 50 triệu đồng, vì vậy mỗi khẩu trong xóm chỉ phải đóng góp trên 2 triệu đồng.

Sau khi có đường mới, bà con nhân dân rất phấn khởi. Nhiều gia đình đã tu sửa tường bao, cổng ngõ cho gọn gàng, sạch đẹp. Để có thêm nhiều tuyến đường theo chuẩn NTM, UBND xã Gia Tân đang khuyến khích người dân chủ động đóng góp kinh phí, công sức làm đường. “Quan trọng là phải chọn được việc mang lại hiệu quả thiết thực, gắn với quyền lợi của nhân dân thì sẽ được người dân ủng hộ. Với mỗi công trình phải công khai thông tin để nhân dân nắm được và kiểm tra”, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tân rút ra kinh nghiệm khi huy động sức dân vào xây dựng NTM.

Trong khi nhiều địa phương không làm được đường vì vẫn trông chờ tỉnh hỗ trợ xi măng thì cách làm của người dân thôn Phúc Tân rất đáng để học tập.

PV