Trầu têm cánh phượng

Truyện ngắn - Ngày đăng : 08:39, 22/01/2018

Từ trong vỏ quả thị làm bằng nan tre bọc vải, xẻ thành nhiều múi, Tấm khoan thai bước ra trong tiếng nhạc hân hoan của phường bát âm.

Từ trong vỏ quả thị làm bằng nan tre bọc vải, xẻ thành nhiều múi, Tấm khoan thai bước ra trong tiếng nhạc hân hoan của phường bát âm. Ánh sáng vụt bừng lên rực rỡ. Tấm đẹp lộng lẫy như thể chính vẻ đẹp của em tự phát sáng chứ không phải do dàn đèn pha hàng nghìn oát trên cao kia. Sau bao nhiêu ngang trái, tôi gặp lại Tấm. Tôi sung sướng nắm hai bàn tay xinh xắn của em. Tôi hát những lời đã thuộc lòng với trái tim tràn ngập yêu đương.

Cánh màn nhung khép lại trong tiếng vỗ tay vang dội của đám khán giả ái mộ sắc đẹp của Tấm và giọng hát của tôi. Tôi sửa soạn đèo Tấm trên chiếc xe đạp cà tàng đến quán phở gánh rẻ tiền quen thuộc như mọi đêm. Chúng tôi sẽ xì xụp húp những thìa nước dùng béo ngọt, nóng bỏng và luôn miệng xuýt xoa vì ớt cay. Tôi sẽ đưa cho Tấm chiếc khăn tay nhỏ thơm dịu mà tôi đã sắp sẵn để em lau miệng. Và rồi dưới bóng tối của một tán cây nào đó, tôi sẽ dừng xe, hôn lên cặp môi mềm đỏ vì tương ớt của Tấm, như mọi đêm.

Đám bạn diễn bảo rằng, tôi yêu và săn sóc Tấm cẩn thận, chuẩn xác như khi tôi xử lý những syn-cpe (nhỡ nhịp) trong điệu hát “cách cú” vậy. Riêng gã hề đồng của tôi thì tiên tri rằng, tôi chỉ làm cái trò “mị người yêu” đến ngày cưới mà thôi. Còn sau đó thì… Đến đây gã hai tay chống nạnh, rít lên the thé:

- Này Tấm! Anh đã trộn lẫn hai loại quần và áo trong chậu giặt. Phải giặt hết thứ nào ra thứ ấy, rồi mới được đi dự hội làng, nghe chửa!

Nhưng cái ngày cưới mà gã hề đồng nói ấy đã không bao giờ đến. Trong khi tôi sửa lại cái poocbaga thì một chiếc xe máy sáng loáng như một loại côn trùng cánh cứng kêu rì rì, lướt đến bên Tấm. Gã chủ thầu khoán xây dựng, hàng xóm của Tấm, béo phị, vuông bạnh và đen nhẻm như một con cóc lớn ngồi trên xe, cười nói ầm cửa rạp:

- Hoan hô Tấm. Em có nghe thấy tiếng anh huýt sáo cổ vũ không? Em diễn thật tuyệt vời! Anh đã khoe với những người ngồi xung quanh rằng Tấm ở sát cạnh nhà anh. Rằng chính anh mới là vua của hoàng hậu Tấm chứ không phải cái tay kép hát còm nhom bên cạnh em trên sân khấu. Nào, ta đi thôi!

Tấm cười khúc khích ngồi lên chiếc đệm xe êm ái, cấu vào vai gã thầu khoán. Chiếc xe máy lại trôi đi êm ru như cái tên của nó: Dream - Giấc mơ. Tôi đứng ngây trước cửa bán vé và hiểu rằng tôi đã mất Tấm.

Mấy hôm sau, Tấm xin thôi việc, bỏ nghề, đi theo “giấc mơ” của em. Tôi giấu kín nỗi đau của mình. Nhưng chuyện rõ ràng quá, ai mà chẳng biết. Có điều, đối với mọi người, chuyện “tham vàng bỏ ngãi”, “tham phú phụ bần” ấy nhàm cũ từ xưa rồi, như những tích cổ chúng tôi vẫn diễn đêm đêm và như lẽ đương nhiên, chẳng có gì đáng xúc động.

Người ta giết đi tiếng hót con chim vàng anh của tôi, chặt phá rặng xoan đào và đốt chiếc khung cửi có bóng dáng người xưa.

Tôi vẫn gân cổ hát như một kẻ tội đồ kêu than trong mảnh vườn thượng uyển ván ghép khấp khểnh với những cây cảnh, giả sơn bằng cót ép bồi giấy, phết màu.

Bây giờ thì Cám thay thế Tấm. Cám không đẹp và duyên dáng bằng Tấm nhưng chẳng còn ai hơn. Tôi cầm tay Cám hát những lời yêu thương dành cho Tấm.

Nhưng một đêm, lúc già Đa - bà cụ bán hàng nước - đang ngạc nhiên và cảm động vì sự giúp đỡ bí mật của cô gái trong quả thị, thì sau cánh gà, Cám giận dữ giật vạt hoàng bào của tôi. Chiếc long bào đã qua bao cuộc chinh chiến, đã từng bao lần ôm ấp các ái hậu, quý phi, giờ vải đã dãn. Cám kéo mạnh quá làm tôi sợ thót tim. Cô xưng xỉa nói với tôi:

- Anh chịu mãi được à? Hôm nọ diễn hợp đồng với Trại lợn giống được mấy triệu mà chỉ thí cho vai chính hơn trăm. Anh không dám nói, em sẽ làm toáng lên cho mà xem!

Tôi thở dài. Tôi chỉ là một ông vua nhu nhược chìm đắm trong ảo mộng yêu đương. Tôi khẽ nói:

- Nghiệp cầm ca mà! Phải chịu vậy thôi. Với lại tiền còn phải chi phí đủ mọi khoản, cả cho bên thuê mình diễn nữa.

Cám “hức” một tiếng như khi cô còn đóng vai Cám, rồi quay ngoắt đi, không thèm nói chuyện với tôi nữa. Cô lom khom theo một lối đi thấp dẫn đến quả thị rỗng, vì bà cụ Đa đang nấp một nơi chờ cô chui ra khỏi vỏ thị.

Hôm sau, Cám cãi nhau kịch liệt với ông trưởng đoàn về chuyện tiền thù lao.

Ông trưởng đoàn hỏi đạo diễn:

- Ông quan niệm về vai chính, vai phụ thế nào?

Đạo diễn không buồn bỏ điếu thuốc lá ra khỏi miệng, ngửa đầu trên chiếc ghế xa lông từ thời xưa đã rách da bọc, lòi cỏ khô, nói lập bập:

- Khán giả là vai chính, là ông trời. Tất cả chúng ta là vai phụ. Rõ thế mà cũng phải hỏi!

Cám tức giận, nguây nguẩy bỏ về. Cô vay vốn ra chợ bán son phấn, dưới cái biển đề: “Diễn viên Thúy Biếc - Mỹ phẩm tuyệt hảo”. Chẳng bao lâu, Cám thành bà chủ một đại lý giàu có và không bao giờ trở lại cái nơi mà cô từng mò cua bắt ốc với Tấm nữa.

Chẳng còn ai, mẹ Cám thành cô Tấm. Mụ không đẹp, không xấu nhưng đôi mắt sâu thẳm và buồn đến chết người. Một lần đi diễn xa, ô tô hỏng, trong khi chờ sửa xe, mụ ngã người trên đống đồ nghề bên lề cỏ, mắt mở to nhìn trời cao hút. Tôi nhìn thấy mây trôi trong đôi mắt ấy và thấy lòng mình buồn vơ vẩn. Mẹ Cám nghèo, ngoài giờ tập diễn, đi may áo quần thuê. Mụ kín đáo và khắc khổ, tuy ít tuổi hơn Tấm nhưng vẫn phải làm “mẹ Cám”.

Đã hai năm qua rồi.

Buổi diễn đêm nay dài mãi không hết. Gã hề đồng của tôi giờ đã sọm nhiều so với ngày xưa khi còn Tấm. Gã vẫn cười cợt, lẻo mép, vừa nịnh nọt lấy lòng tôi, lại vừa châm chọc khích bác tôi.

Gã hề đồng đang gò cổ kéo con ngựa tưởng tượng của tôi. Con ngựa bướng bỉnh không chịu qua cầu, hí lên ầm ĩ. Gã xắn quần để lộ hai ống chân gầy khẳng, lội xuống lạch mò mẫm. Gã vấp vào thanh gỗ chống cây cầu đau điếng, nhưng vẫn reo lên sung sướng:

- Ô, chiếc hài thêu đẹp quá cậu ơi! Hài này chắc chẳng phải của người phàm mà là của một nàng tiên giáng trần rồi... đánh trần tuốt tuột, tắm, rồi để rơi! Hơ hơ!

Gã cười hơ hớ tập tễnh nhảy đến bên tôi, chìa ra chiếc hài thêu. Tôi đón chiếc hài bằng cả hai tay sửng sốt kêu lên:

- Ôi! Đẹp làm sao chiếc hài thêu vân mây còn thơm nức mùi hương trinh nữ...

Kịch bản viết thế, mặc dù như câu chuyện thì chiếc hài đã bị ngâm trong bùn nước hàng giờ. Tôi hát mà buồn đến tận đáy lòng nhớ đến người con gái ngày xưa đã từng mang chiếc hài này. Bây giờ chiếc hài đã cũ, đế bị bong, chỉ thêu tuột cả, lại có mùi gián nữa. Họa sĩ phục trang đã dùng giấy trang kim và bột màu dán phết lên qua quýt.

Tôi hát, bâng khuâng mong gặp được người mang vừa chiếc hài này. Rồi thật bất ngờ, mẹ Cám đi vừa khít chiếc hài! Bàn chân mụ mới thon nhỏ làm sao. Thực ra trước kia Tấm xỏ chiếc hài này hơi chật. Mụ đỏ bừng mặt nhìn tôi, rồi bẽn lẽn cúi đầu. Gã hề đồng của tôi nhảy tưng tưng chiếc chân còn đau, kêu lên:

- Ối giời ơi! Vừa khít như in!...

Rồi lại đến đoạn cuối vở diễn. Sau bao nhiêu trắc trở, tôi tìm được Tấm bây giờ - tức là mẹ Cám trước kia. Em mở to đôi mắt buồn ướt đẫm, long lanh ánh đèn nhìn tôi. Trước mặt dân làng, em run rẩy tựa đầu vào vai tôi khóc. Kịch bản không viết thế, và liệu ngày xưa trai gái có dám làm như thế trước đám đông không nhỉ? Nhưng chúng tôi mặc kệ kịch bản, mặc kệ ngày xưa! Em khóc thực sự làm ướt vai chiếc long bào bạc phếch loáng thoáng vết gián nhấm của tôi.

Tiếng vỗ tay cuồng nhiệt của khán giả vang lên không dứt. Rồi “mụ Cám” trở thành vợ tôi! “Mụ” đã sinh hạ cho tôi một hoàng tử kháu khỉnh. Tôi sung sướng nghĩ tới lúc hoàng tử trưởng thành, tôi sẽ truyền ngôi cho nó, tức là truyền cái nghề xướng ca cho con tôi. Hoàng tử lại sẽ vi hành, lãng du như vua cha trước kia. Và con tôi cũng sẽ tìm được người con gái hiền thục đi vừa chiếc hài thêu vân mây như mẹ nó ngày xưa!

Kể ra có thể kết thúc ở đây, vì như những tích cổ, câu chuyện đã “có hậu” rồi. Nhưng tôi phải kể một cái “hậu” khác đúng với sự thật: Tấm trở về, tiều tụy rũ rượi như một cành lá vừa qua cơn bão. Gã thầu khoán đưa Tấm vào Sài Gòn, sống với nhau chẳng cưới xin gì cả. Rồi mang thai, rồi phá thai, ốm đau. Rồi gã bỏ rơi Tấm, đi với một cô gái bia ôm. Tấm lại xin về đoàn diễn.

 Bây giờ, Tấm là bà cụ bán hàng nước, bưng những miếng trầu têm hình cánh phượng mời tôi. Nhìn những miếng trầu cũ bằng giấy màu bụi bặm, tôi kêu lên đau đớn:

- Ôi! Trầu têm cánh phượng như những miếng trầu ngày nào của Tấm, Tấm ơi!

Tấm bưng mặt khóc nức lên. Và khán giả vô tư lại nồng nhiệt vỗ tay tán thưởng cái "xen" tình cảm thống thiết ấy.

Truyện ngắn của BÃO VŨ