U23 Việt Nam - ngày mai đang bắt đầu từ hôm nay
Thể thao - Ngày đăng : 14:49, 25/01/2018
Khi Vũ Văn Thanh thực hiện thành công quả luân lưu quyết định trong trận đấu với Qatar, mang Việt Nam vào trận chung kết đầu tiên ở đấu trường châu lục, anh không vươn hai tay lên trời hay chạy về phía các đồng đội để ăn mừng.
Chàng trai ấy khoanh tay lại và nở một nụ cười.
Chúng ta thấy gì từ nụ cười ấy? Đó chắc chắn là một niềm tin sắt đá. Niềm tin rằng quả 11 mét đó không thể thất bại.
Hãy xem lại loạt sút luân lưu, và gương mặt của HLV Felix Sanchez - vốn đến từ lò đào tạo lừng danh La Masia của Barca và được trao ấn tín dẫn dắt thế hệ nòng cốt của Qatar dự World Cup 2022. Người đàn ông ấy căng thẳng đến mức không dám xem. Vì trong tình thế ấy, không còn sự chênh lệch về đẳng cấp và kỹ thuật, đó chỉ còn là vấn đề của ý chí. Và các cầu thủ Việt Nam lần này đã đá bằng thứ ý chí thép.
Đấy là thứ ý chí mang một bản sắc rất Việt Nam. Nó giúp một dân tộc bé nhỏ nằm bên bờ biển Đông trụ vững suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm, khi biết bao đế quốc hùng mạnh một thời của thế giới đã nằm yên dưới ba tấc đất.
Việt Nam là đội bóng yếu nhất bảng đấu lẫn giải đấu. Khi đặt chân đến Trung Quốc, trong một bảng đấu có Syria, Hàn Quốc và Australia, đội có lẽ chỉ dám đặt mục tiêu có điểm. Nhưng rồi họ chỉ thua sít sao Hàn Quốc sau khi đã dẫn bàn, hạ Australia và hòa Syria để đi tiếp. Rồi ở tứ kết và bán kết, tất cả đều là những thắng lợi thần kỳ.
Không có ý chí thép, làm sao trụ được trước những đối thủ hơn hẳn về tầm vóc. Không có ý chí thép, làm sao có thể trụ được hai trận liên tiếp phải đá 120 phút. Ở cả hai trận ấy, Việt Nam đều ít hơn đối thủ một ngày nghỉ, phải di chuyển đến một mặt sân xa lạ. Lấy bán kết làm ví dụ, Việt Nam chỉ có vỏn vẹn một buổi tập 60 phút trong khi Qatar đã đá năm trận ở đó. Không có một sự ưu ái nào dành cho các chàng trai của Park Hang-seo.
Không có ý chí, làm sao có thể đứng vững trước những quyết định cay nghiệt từ trọng tài. Thế trận đang tốt, một quả 11 mét từ trên trời rơi xuống, những thế hệ đàn anh có thể đã gục ngã. Nhưng sau bao lần bị dẫn trước, họ không rối loạn, vẫn giữ kín hàng thủ rồi chăm chút cho từng pha bóng. Lật cánh có, đan dệt ở trung lộ có, xẻ nách có, đột phá cá nhân có, chúng ta làm tất cả những gì có thể để gỡ bàn, với một niềm tin sắt đá: bàn thắng sẽ đến.
Nhưng nếu chỉ ca ngợi ý chí của các cầu thủ Việt Nam thì đấy rõ ràng là một sự bất công. Bởi vì như danh thủ Nguyễn Hồng Sơn thừa nhận: “Trình độ U23 hơn hẳn thời đại chúng tôi”. Các cầu thủ dưới trướng Park Hang-seo cho thấy rõ bước tiến dài từ kỹ thuật cho đến thể lực. Những pha chặn bóng không còn văng xa vài mét, những pha tắc bóng không còn ăn vào chân đối thủ, những pha rê dắt không còn lắt nhắt mà đều có dụng ý rõ ràng, các cầu thủ bị ép nhưng không rối loạn, bị dẫn bàn nhưng không nao núng chính vì được trang bị kỹ thuật quá tốt.
Đấy còn là thứ tư duy chơi bóng hiện đại. Như HLV Trần Minh Chiến từng phân tích, mỗi cầu thủ U23, nhất là các tiền vệ, luôn có nhiều phương án xử lý khi bóng đến chân. Họ có thể chặn lại, bỏ bóng, chuyền ngay hoặc thực hiện động tác qua người.
Chính sự đa dạng trong cách xử lý bóng giúp các cầu thủ có sự linh hoạt trong cách chơi. Lối chơi đặt tập thể lên trên hết cũng giúp Việt Nam không dễ bị bắt bài. Mất Đoàn Văn Hậu, đội không bị thủng cánh trái. Không có Nguyễn Công Phượng suốt hiệp hai và hai hiệp phụ trận gặp Qatar, những pha lên bóng cũng không mất đi sự biến hóa. U23 Việt Nam thực sự đã tôn vinh lối chơi tập thể.
Một mốc son chói lọi trong lịch sử nước nhà, khởi đi từ những công việc thầm lặng nhất. Không thể gọi đây là một chiến công từ trên trời rơi xuống, khi những lò đào tạo trẻ đã làm rất tốt công việc của họ. Từ HAGL cho đến CLB Hà Nội, PVF, Viettel... Ở đó có những người thầy tận tụy, vốn là những cựu cầu thủ lừng danh, với hàng nghìn giờ lao động vất vả đã trui rèn ra được lứa cầu thủ tài năng này. Họ là những người đến từ quá khứ, dốc sức trong hiện tại với ước mong thay đổi tương lai.
Và bây giờ, tương lai ấy đang cho trái ngọt.
Nhưng làm ra những hạt giống tốt là một chuyện, hạt giống ấy sẽ nảy mầm trên mảnh đất nào là một chuyện khác. Một giải đấu vượt ngưỡng chưa bao giờ là thước đo của một nền bóng đá. Đan Mạch sau chức vô địch thần kỳ năm 1992 cùng thế hệ vàng của Peter Schmeichel và anh em nhà Laudrup đã biến mất trên bản đồ bóng đá thế giới. Đã có lúc, tấm vé dự vòng chung kết World Cup và Euro cũng ở ngoài tầm với của họ. Tương tự thế là Hy Lạp của năm 2004.
Có một sự thật, Việt Nam đang là niềm tự hào của cả Đông Nam Á. Một đội bóng đến từ vùng trũng của bóng đá thế giới chuẩn bị hiên ngang tranh chức vô địch U23 châu Á. Tự hào và phấn khởi, nhưng làm sao chúng ta quên đi những tai tiếng của V-League. Những câu chuyện ám ảnh bạo lực, nạn "ba đi ba về", trọng tài và những kết quả đã được dự báo từ trước. Những cầu thủ đang làm rạng danh bóng đá nước nhà hôm nay sẽ phải đi qua môi trường ấy. Và nhiệm vụ của những người làm bóng đá phía trên họ là thay đổi môi trường V-League.
Giải vô địch quốc gia luôn là nền móng của một đội tuyển. Và nền móng của Việt Nam vẫn đang có nhiều cát hơn xi măng. Rồi CĐV sẽ trở lại sân để xem những Quang Hải, Văn Thanh, Văn Hậu, Đức Chinh, Công Phượng... thi đấu, nhưng họ cần phải tin những gì mình đang xem trên sân là thứ bóng đá trong sạch, sòng phẳng, thay cho những định kiến nhuốm màu tiêu cực đã ăn sâu bén rễ về bóng đá Việt. Trong các bản báo cáo cuối năm, chúng ta cần phải nói về những bàn thắng đẹp, những trận đấu thực sự chất lượng thay vì những ca gãy chân, những tuyên bố bỏ giải, những phản ứng trẻ con từ những người lớn và những lời xì xầm về các kết quả đã được biết trước.
Có như thế, chúng ta mới có thêm niềm tin ở những giải đấu lớn, ngay cả khi không có những "Đấng cứu thế" như Park Hang-seo.
Ngày mai đang bắt đầu, và cần phải hành động từ hôm nay.
HOÀI THƯƠNG (VnExpress)