Dấu ấn đậm nét của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế

Chính trị - Ngày đăng : 07:18, 27/01/2018

Thành tích đối ngoại nổi bật của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đánh dấu một mốc son mới trong tiến trình hội nhập quốc tế và đối ngoại đa phương.


Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các Trưởng đoàn dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 25 chụp ảnh chung. Ảnh: TTXVN

Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 (thành phố Đà Nẵng, 6-11.11.2017) và Năm APEC Việt Nam 2017 đã thành công tốt đẹp.

Thành tích đối ngoại nổi bật của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã đánh dấu một mốc son mới trong tiến trình hội nhập quốc tế và triển khai đối ngoại đa phương, góp phần củng cố xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển, nâng cao uy tín, vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế.

Đẩy mạnh hợp tác, khẳng định vị thế của một Việt Nam đang đổi mới

Nhận định “APEC 2017: Cơ hội phát triển mới cho Việt Nam,” tờ Quan sát (Hong Kong) phân tích đối với Việt Nam, APEC là một trong những diễn đàn đa phương quan trọng và mang lại nhiều lợi ích thực chất nhất. Diễn đàn hội tụ 13 trong số 25 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và nhiều đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam; 18 thành viên APEC là các đối tác quan trọng của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và nhiều bên.

Các thành viên APEC chiếm tới 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 75% thương mại hàng hóa, 38% viện trợ phát triển chính thức ODA và 79% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam; khoảng 80% du học sinh Việt Nam đang học tập tại các nền kinh tế thành viên APEC.

Với 243 hoạt động được tổ chức tại 10 tỉnh, thành phố trên suốt chiều dài đất nước, Năm APEC 2017, đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao APEC đã đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới - toàn bộ lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có lãnh đạo các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản... đều hội tụ tại thành phố Đà Nẵng.

Chỉ riêng trong thời gian Tuần lễ Cấp cao APEC, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tiến hành gần 50 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với các đối tác, trong đó có các tập đoàn, thiết chế tài chính, kinh tế mang tầm ảnh hưởng toàn cầu như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, Hãng kiểm toán Pricewaterhouse&Coopers, Tập đoàn Abbott (Hoa Kỳ), Tập đoàn Công nghiệp Mitsubishi (Nhật Bản)...

Gần 100 cuộc gặp, tiếp xúc song phương giữa các nhà lãnh đạo APEC đã diễn ra trong dịp này. Đây là minh chứng sinh động cho vị thế đang lên của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trên bản đồ chính trị-kinh tế thế giới và cam kết mạnh mẽ của các nền kinh tế thành viên đối với tiến trình hợp tác APEC.

Tuần lễ Cấp cao APEC còn mang lại nhiều nguồn lực thiết thực phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước - tổng cộng 121 thỏa thuận hợp tác, hợp đồng được ký kết, trị giá khoảng 20 tỷ USD.

Tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức họp báo tại thành phố Đà Nẵng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới tính thực tế trong các chủ đề được đưa ra thảo luận tại hội nghị lần này, trong đó vấn đề kinh tế số mà Việt Nam nêu ra tại hội nghị là một vấn đề rất thực tế và quan trọng.

Chia sẻ cảm nhận với phóng viên TTXVN, Tổng thống Cộng hòa Chile Michelle Bachelet bày tỏ ấn tượng, Việt Nam một lần nữa đã cho thấy khả năng tổ chức tuyệt vời, không chỉ về cơ sở hạ tầng mà còn cả về chất lượng các chương trình làm việc. Bà Michelle Bachelet nhấn mạnh, thành công của Việt Nam cho thấy sự quan tâm đến APEC cũng như khả năng tổ chức của nước chủ nhà.

Những dư âm từ thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC và Năm APEC Việt Nam 2017 là đề tài được báo chí và dư luận quốc tế quan tâm, đặc biệt là vai trò dẫn dắt của chủ nhà Việt Nam trong sự kiện kinh tế quan trọng bậc nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương này. Truyền thông quốc tế đã có cả trăm bài báo đánh giá về vai trò và vị thế của Việt Nam trong sân chơi toàn cầu.

Báo chí Uzbekistan cũng đi sâu phân tích Năm APEC 2017 là tiêu điểm trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ủng hộ, tham gia tích cực của các nền kinh tế thành viên APEC, các tổ chức khu vực và quốc tế trong Năm APEC 2017 sẽ là đòn bẩy giúp Việt Nam phát triển “sức mạnh mềm."

Với tiêu đề "Vị thế mới của Việt Nam qua Năm APEC 2017," báo Jakarta Post (Indonesia) nhấn mạnh Việt Nam đang nhanh chóng nổi lên như một nhà đầu tư toàn cầu và là “ngôi sao mới của châu Á."


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Trưởng đoàn chụp ảnh chung tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Nhân dịp tham dự Tuần lễ Cấp cao và thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã có dịp đi thăm một số địa điểm ở Hà Nội và không giấu được sự ngạc nhiên khi chia sẻ cảm nhận về Việt Nam.

“Việt Nam thực sự trở thành một trong những điều kỳ diệu của thế giới và rất ấn tượng. Bất kỳ là ai, đến từ đâu, không có điều gì tuyệt vời hơn khi chứng kiến những gì đã diễn ra tại Việt Nam,” Tổng thống Donald Trump chia sẻ trong diễn văn đáp từ tại Quốc yến do Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì.

Hiệu ứng lan tỏa từ thành công của Năm APEC

Với thành công của Năm APEC 2017, chúng ta đã thực sự triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XII của Đảng về “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” với tư cách là “thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế," qua đó “nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương”; tranh thủ tối đa cơ hội APEC 2017 để làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác; phát triển, quảng bá vùng miền, địa phương, doanh nghiệp, người dân, với hàng trăm hoạt động, sự kiện của Năm APEC 2017 đã được tổ chức ở nhiều địa phương trong cả nước; nâng cao rõ rệt vị thế quốc tế của Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang từng chia sẻ, trên cơ sở các kết quả của Năm APEC 2017 cùng các hoạt động đối ngoại mà nước ta đã và đang triển khai, chúng ta sẽ tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi, huy động hiệu quả các nguồn lực để phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ; đặt nền móng để nâng tầm, làm sâu sắc hơn các mối quan hệ song phương; tạo điều kiện nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho các bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp trên cả nước, góp phần quan trọng bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của đất nước.

“Đây là nền tảng quan trọng để chúng ta tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Các hoạt động đối ngoại song phương trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại và đầu tư. 6 hợp đồng, thỏa thuận hợp tác kinh tế có tổng trị giá trên 12 tỷ USD đã được ký kết dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhân dịp Tổng thống Donald Trump thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (11-12.11.2017).


Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nâng ly chúc mừng mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+

Nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự Hội nghị Cấp cao APEC và thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (10-13.11.2017), dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, các bộ, ngành, địa phương hai nước đã ký kết và trao 19 văn kiện hợp tác. Sau cuộc gặp song phương giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhân dịp Tuần lễ Cấp cao APEC, lãnh đạo hai nước đã chứng kiến lễ trao đổi văn kiện ký kết hợp tác giữa các bộ, ngành và các dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam với tổng trị giá khoảng 5 tỷ USD…

Để phát huy vai trò của Việt Nam và tạo hiệu ứng lan tỏa từ những kết quả, thành công của Năm APEC Việt Nam 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh các bộ, ban, ngành, địa phương cần tập trung hợp tác chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của các nền kinh tế chủ nhà APEC tiếp theo để thúc đẩy triển khai các kết quả của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, tập trung xây dựng và triển khai Tầm nhìn APEC sau năm 2020, góp phần khẳng định vị thế chiến lược của APEC là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu, là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu.

Phát huy uy tín, lợi thế cạnh tranh và những bài học kinh nghiệm từ Năm APEC 2017, chúng ta cần tiếp tục đề xuất ý tưởng, sáng kiến phù hợp xu thế và quan tâm chung của từng cơ chế để đảm nhận tốt các trọng trách quốc tế trong thời gian tới, nhất là việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

DŨNG DƯƠNG (TTXVN)