Đau đầu khi con lên 3

Xã hội - Ngày đăng : 18:11, 29/01/2018

Không ít trẻ đang ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ nhưng khi lên 3 tuổi chúng bất ngờ thay đổi, trở nên ngang bướng khiến nhiều bố mẹ lo lắng và mệt mỏi.


Dành nhiều thời gian chơi với con, hiểu con là cách để mẹ cùng con vượt qua giai đoạn khủng hoảng

Cả nhà khủng hoảng

Khoảng 2 tháng nay, chị Nguyễn Thị Hồng ở phố Chu Văn An (TP Hải Dương) luôn cảm thấy căng thẳng khi cậu con trai hơn 3 tuổi ngày càng ương bướng, không nghe lời mẹ như trước. “Con không thích làm theo những gì mẹ nói, thậm chí còn làm ngược lại lời mẹ”, chị Hồng cho biết. Trước đây, mỗi lần chơi đồ chơi xong cháu đã có ý thức tự xếp gọn đồ đạc nhưng giờ thì cháu không những không dọn mà còn ném lung tung khắp nơi. Khi bị mẹ trách phạt cu cậu ăn vạ, lăn đùng ra đất khóc lóc. Có lần cháu còn đánh lại bố mẹ hoặc tự đánh mình. Một bữa cháu nhất quyết không chịu ăn món thịt nướng mà trước đây rất thích, đòi ăn những thứ không có trong mâm cơm. Thấy con đòi hỏi vô lý nên chị Hồng không chiều theo ý con và phạt không cho ăn tối với suy nghĩ lát đói con sẽ tự ăn. Nhưng kết quả không như chị Hồng mong muốn mà trái lại cu cậu nhịn ăn luôn, hết khóc lại ra đập phá đồ chơi. Dù sợ con đói nhưng chị Hồng vẫn kiên quyết chỉ cho ăn khi con chấp nhận các món ăn nhà có sẵn. Đêm đó chị phải cho con đi cấp cứu tại một phòng khám tư do cháu bị lả vì đói. Đây chỉ là một trong số rất nhiều lần chị Hồng phải "đầu hàng" trước sự ngang ngạnh của con. Vợ chồng chị Hồng cảm thấy bế tắc không biết phải dạy con như thế nào khi con ở độ tuổi này.

Không ngày nào hàng xóm không nghe thấy tiếng khóc của bé Bông nhà chị Hoàng Thúy Phương ở phố Phạm Xuân Huân (TP Hải Dương). Mặc dù đã có kinh nghiệm nuôi con lớn, nhưng chị Phương không thể áp dụng với bé Bông 3 tuổi. Con thích gì là làm, bố mẹ, ông bà không cho thì ăn vạ hoặc đánh trả lại người lớn. “Mệt mỏi nhất là những lần đi siêu thị mua sắm, không cho đi thì con ăn vạ, cho đi thì toàn chạy theo để phục vụ con cũng đủ mệt”, chị Phương chia sẻ. Bé Bông thường nhặt tất cả những món đồ mình thích cho vào giỏ mặc dù mẹ không đồng ý. Khi thấy mẹ nhấc hết những món đồ đó ra, bé giận dỗi. Nhiều lần chị Phương mặc kệ thái độ của con thì bé quay ra đánh mẹ rồi gào khóc, lăn lộn như bị ai đánh giữa siêu thị. Sợ ảnh hưởng tới mọi người, chị Phương lại phải dỗ dành và chiều theo ý của con. Nhà chị Phương lúc nào cũng trong tình trạng "hỗn loạn", cả con và bố mẹ đều căng thẳng.

Bé Bống nhà anh Tiêu Công Hải ở phố Nguyễn Thượng Mẫn (TP Hải Dương) cũng vậy. Bé luôn thích tự làm mọi thứ, từ xúc cơm ăn cho tới vệ sinh. Nhưng vợ chồng anh Hải lại sợ con khó có thể làm mọi việc một cách gọn gàng, thậm chí còn bày bừa ra nên anh chị thường không đồng ý để con làm. Những hôm ăn bún chả hoặc phở người bé luôn dính đầy thức ăn, có lần còn đổ cả bát phở vào người. Anh Hải mà mắng, bé sẽ không ngần ngại lao vào đánh cả bố.

Hiểu để cùng vượt qua

Theo các chuyên gia tâm lý thì khủng hoảng tuổi lên 3 chỉ là một phản ứng tâm lý hết sức bình thường của trẻ, thể hiện sự phát triển của chúng. Cuộc khủng hoảng này thường kéo dài trong vài tháng với mức độ khác nhau tùy từng trẻ. Khi bắt đầu lên 3 tuổi, trẻ thích khẳng định bản thân, muốn cho mọi người biết mình đã lớn, có thể tự làm được nhiều việc. Nếu bố mẹ không hiểu, tìm cách kiểm soát và bao bọc quá mức sẽ khiến trẻ có phản ứng tiêu cực.

Ở giai đoạn này, trẻ thường dễ cáu gắt, ương bướng, ngang ngạnh, ăn vạ và có thái độ chống đối với mọi thứ xung quanh. Trẻ thường khăng khăng làm theo ý mình, ngoan cố, phản kháng chống đối lại các nguyên tắc của gia đình. Bố mẹ càng cấm đoán, trẻ càng cố tình làm và tìm mọi cách để mọi người xung quanh chú ý, phải làm theo ý chúng. Điều này dễ khiến cha mẹ có một trong hai lựa chọn: hoặc là kiên quyết không chấp thuận hoặc nuông chiều theo ý trẻ. Nếu bố mẹ thỏa hiệp với trẻ sẽ càng khiến trẻ không biết nghe lời và hay đòi hỏi. Còn nếu bố mẹ kiên quyết không chấp nhận có thể khiến trẻ trở nên ương bướng hơn.

Để cả nhà cùng vượt qua khủng hoảng tuổi lên 3 của trẻ một cách nhẹ nhàng, bố mẹ cần bình tĩnh tìm cách xử lý mềm dẻo và linh hoạt. Nếu muốn con làm theo mong muốn của mình, thay vì quát mắng, bố mẹ hãy nhẹ nhàng phân tích một cách dễ hiểu cho trẻ biết được việc làm của trẻ đúng hay sai và nó sẽ gây ra hậu quả như thế nào. Khi bé nhận thức và tự biết được hành động của mình là đúng hay sai, các bé sẽ tự thay đổi.

Khi lên 3 tuổi, trẻ luôn thích khẳng định tính độc lập của mình nên bố mẹ có thể để con tự quyết định trong một số việc như lựa chọn trang phục, món ăn, đồ chơi… Khi được bố mẹ tôn trọng, trẻ sẽ không tỏ ra ương bướng và dễ dàng làm theo ý kiến của người lớn. Bố mẹ cũng cần dành nhiều thời gian chơi cùng con, chia sẻ và hiểu con để cùng vượt qua những chuyển biến tâm lý đầu đời.

THANH HOA