Lạy ông thợ kèn
Xã hội - Ngày đăng : 08:35, 01/02/2018
Có buổi sớm thư thả, gặp ông ở quán nước đầu làng, thấy mặt ông buồn buồn, tôi hỏi:
- Công việc có điều gì trục trặc hay sao mà nhìn ông ỉu xìu thế?
- Thưa bác, không có trục trặc gì đâu, đội kèn của chúng em vẫn kiếm ăn được, thu nhập khá. Nhưng em đang lo sốt vó làm sao có 50 triệu để đầu tư nâng cấp thành đội kèn Tây chính hiệu mới mong cạnh tranh nổi với các đội kèn của Hải Phòng và Nam Định đang lấn sân sang tỉnh ta bác ạ.
Thấy ông Thẩm mở lòng, tôi nhẹ nhàng vào chuyện:
- Ở làng ta, mọi người hiểu về công việc thợ kèn thì ai cũng biết, nhưng một số người vẫn phàn nàn về việc thợ kèn đang có nhiều chiêu thức moi tiền của gia chủ có đúng không?
- Bác ơi, thợ kèn đều làm theo hợp đồng bằng văn bản hay bằng miệng, ngoài số tiền từ 3-4 triệu đồng tiền công mỗi đám, gia chủ phải có cỗ nuôi, cháo gà ăn đêm. Nhân đây, em cũng chả giấu gì bác, đúng là có nhiều đội thợ kèn thường lợi dụng lúc tang gia bối rối đã khéo léo gợi ý cho con cháu họ đặt tiền để khóc hộ theo mức 10.000-20.000 đồng mỗi lần. Việc khóc hộ càng thảm thiết bao nhiêu, càng dài lê thê bao nhiêu thì số tiền đội kèn nhận được càng nhiều bấy nhiêu.
Nghe ông Thẩm nói thật lòng, tôi hỏi tiếp:
- Gần đây, tôi đi vài nơi, người dân có dư luận là thợ kèn thường hay lái gia chủ đi theo kịch bản diễn trò “chèo đò” mang ý nghĩa đưa linh hồn người chết về chốn “Tây phương cực lạc” để thu tiền, nay còn tồn tại không?
- Thú thật với bác, đây là chiêu moi tiền rất tinh vi của thợ kèn, vì thế người đời mới có câu “phép vua thua lệ... kèn”. Nhờ thông qua vở diễn, một khi thợ kèn đã nắm bắt hồ sơ lai lịch gia chủ, là cứ lần lượt gọi tên con, cháu, chắt, chít... rất thống thiết làm cho toàn thể gia tang ai nấy cũng phải động lòng. Con cháu, anh em nào khá giả sẽ bị réo gọi liên tục để các ví tiền liên tục phải mở ra. Khi mâm tiền đầy rồi thì chỉ còn đợi thời cơ hạ màn là thợ kèn bỏ tiền vào túi.
- Hiện tại vấn nạn “khóc mướn” đang làm nhiều người bực mình, khó chịu, gây phản cảm. Nhất là kèn trống được phát loa to quá cỡ, kéo dài quá khuya đang gây bức xúc trong dân. Trước vấn nạn trên các bác thợ kèn có cách gì để hạ nhiệt? - tôi nhẹ nhàng nhắc khéo bác Thẩm.
Ông Thẩm bối rối hạ giọng:
- Xin thưa cùng bác, đến tận hôm nay, chuyện đời, chuyện nghề của cánh thợ kèn chúng em như người dân đã nói cấm có sai điều gì. Nhiều người cũng đã góp ý nên dần dần đội kèn của chúng em đã hạ thấp âm thanh trong các đám hiếu. Còn cái nạn “khóc mướn” đúng là một hủ tục rườm rà, lãng phí, nên đội của em đã dẹp bỏ rồi bác ạ!
NGUYỄN HUY THỰC