Nhọc nhằn mưu sinh giữa đêm đông
Xã hội - Ngày đăng : 09:54, 01/02/2018
Đã gần 70 tuổi nhưng hằng đêm bà Lam vẫn phải cặm cụi bán hàng kiếm sống
Công việc của những công nhân vệ sinh môi trường vốn đã vất vả nhưng vào những ngày đông rét buốt, sự vất vả của họ càng nhân lên. Khoảng 22 giờ một ngày cuối năm, hình ảnh chị lao công với dáng người mảnh khảnh đang đẩy xe chở rác trên phố Nguyễn Văn Linh (TP Hải Dương) hiện ra trước mắt tôi. Đó là chị Nguyễn Thị Yến (36 tuổi) ở phường Tân Bình (TP Hải Dương). Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, hai vợ chồng chị Yến phải lặn lội từ quê lên đây làm thuê. Nhờ một người quen giới thiệu, chị xin vào làm công nhân vệ sinh môi trường. Công việc quét dọn rác của chị bắt đầu từ 17 giờ hôm trước tới gần 1 giờ sáng hôm sau mới xong. Chị Yến chia sẻ: "Vào mùa đông, không chỉ có cái lạnh, nhiều hôm mưa gió, tay chân lạnh cóng, cứng đơ tưởng không cử động nổi nhưng tôi vẫn phải cố làm cho nhanh". Đồng lương ít ỏi của công nhân không đủ trang trải cuộc sống nên vào ban ngày, chị lại tranh thủ đi rửa bát thuê, giúp việc theo giờ... để có thêm thu nhập cho gia đình, lo cho con cái ăn học.
Nhiều tuyến phố như Nguyễn Lương Bằng, Tuệ Tĩnh, Vũ Hựu... là nơi tập trung của những hàng quán thường chỉ bán vào mùa đông như ngô nướng, khoai nướng... Dù tuổi đã cao nhưng hằng đêm bà Nguyễn Thị Lam (69 tuổi) ở phường Thanh Bình (TP Hải Dương) vẫn ngồi bán ngô nướng, khoai nướng, hạt dẻ. "Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, con cháu cũng không có điều kiện nên tôi phải đi làm kiếm tiền nuôi mình. Càng khuya, càng rét thì hàng càng bán được nhiều. Có năm tôi đã bán qua thời khắc giao thừa. Ngày bán nhiều thì được vài trăm nghìn, ngày ít được vài chục", bà Lam nói.
So với những người rửa bát thuê ở những quán ăn đêm thì được ngồi bán hàng bên cạnh bếp để sưởi ấm như bà Lam vẫn còn may mắn hơn nhiều. Chị Nguyễn Thị Hoa (34 tuổi), ở phố Nguyễn Thị Duệ (TP Hải Dương) cho biết: "Mùa đông, những người rửa bát thuê như chúng tôi rất vất vả. Dầm nước nhiều mà không được sử dụng găng tay (vì sẽ chậm) nên bàn tay bị cước, đau nhức".
Lúc trời còn tờ mờ sáng, không khí mua bán tại các chợ đầu mối đã diễn ra tất bật. Bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Nghĩa An (Ninh Giang) gắn bó với nghề nhiều năm chia sẻ: “Ngày rét cũng như ngày thường, tôi đều phải đến chợ đầu mối từ 4 giờ sáng để nhập rau về bán. Hôm nào trời rét đậm, rét hại, rau khan hiếm còn khó lấy hàng hơn nhiều".
Ở cái thời điểm nhiều người vẫn còn trong chăn ấm, đệm êm thì không ít những người phải thức đêm để mưu sinh. Mỗi người một công việc, một cách mưu sinh khác nhau nhưng họ đều có động lực để vượt qua mọi vất vả. Có người chỉ đơn giản là lo kiếm đủ cái ăn qua ngày, có người muốn có thêm tiền lo cho con cái được tới trường để tương lai bớt khổ. Họ không chỉ phải làm những công việc nặng nhọc, vất vả mà một số người còn bị khinh miệt đối xử, chịu những điều bất công. Chị Yến cho biết: “Lao công thường xuyên đi làm về khuya, bị trêu, bị dọa nạt là điều không tránh khỏi. Nhưng miễn sao có việc để kiếm tiền lo cho con cái ăn học, trang trải cuộc sống là tốt rồi”.
Hình ảnh những đôi mắt đỏ hoe, những cái ngáp vì thức khuya với giấc ngủ chưa trọn vẹn của những người lao động nghèo khiến không ít người thương cảm, xúc động.
THẢO NGUYỄN