Người chăn nuôi chuẩn bị hàng Tết

Kinh tế - Ngày đăng : 09:58, 02/02/2018

Giáp Tết, giá nhiều loại gia súc, gia cầm tăng, người nuôi bắt đầu có lãi. Đây là tín hiệu vui để người chăn nuôi chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường Tết.


Gia đình anh Nguyễn Văn Nghĩa ở xã Tiền Tiến (Thanh Hà) chuẩn bị gần 200 con trâu bò để bán trong dịp Tết

Nguồn cung ổn định

Công ty CP Giống và Thiết bị chăn nuôi Hưng Huy ở xã Cẩm Định (Cẩm Giàng) đã chuẩn bị 250 con lợn thịt để bán dịp Tết này. Đây là năm đầu tiên công ty có sản phẩm phục vụ Tết. Hiện giá lợn thịt bán tại các trang trại từ 33.000-34.000 đồng/kg, trừ chi phí công ty lãi khoảng 1.000 đồng/kg. Ngoài cung cấp giống và lợn thịt, công ty còn có 1 cơ sở giết mổ và 3 cửa hàng bán thịt lợn sạch. Mỗi ngày, công ty tiêu thụ khoảng 3 con lợn thịt, dịp Tết dự kiến tăng lên 10 con. Ông Nguyễn Đắc Viêm, Giám đốc công ty cho biết: "Công ty đã được cấp giấy chứng nhận trang trại chăn nuôi VietGAP. Trước khi giết mổ 1tháng, lợn được cho ăn cám hữu cơ để loại bỏ chất kháng sinh trong cơ thể, bảo đảm sức khỏe người dùng. Hiện nay, phần lớn các trang trại chăn nuôi quy mô lớn đều giữ lượng đàn ổn định nên người dân không lo thiếu nguồn cung thực phẩm dịp Tết".

Trang trại chăn nuôi bò Úc của gia đình anh Nguyễn Văn Nghĩa ở thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến (Thanh Hà) cũng tấp nập khách đến đặt mua hàng. Hiện trang trại đang nuôi vỗ béo gần 200 con trâu bò thịt để bán trong dịp Tết. Để trâu bò tăng cân, anh bổ sung thêm các loại thức ăn giàu dinh dưỡng như cỏ voi, thân cây ngô ủ... Trâu bò mới nhập về có trọng lượng khoảng 3 tạ/con, giá mỗi con từ 35-40 triệu đồng. Sau 3 tháng nuôi vỗ béo, mỗi con tăng lên 6 tạ, trừ chi phí chăn nuôi, gia đình anh thu lãi hơn 1 triệu đồng/con.

Thời điểm cuối năm, giá nhiều loại thực phẩm khác như gà, cá cũng tăng. Gà đồi Chí Linh từ 51.000-52.000 đồng/kg, người nuôi lãi 30 triệu đồng/1.000 con. Giá bán nhiều loại cá cũng tăng từ 5.000 - 7.000 đồng/kg so với tháng trước. Cá rô phi bán tại ao loại từ 0,5 kg/con trở lên có giá từ 28.000 - 33.000 đồng/kg. Cá trắm từ 2 kg/con trở lên 50.000-52.000đồng/kg, trừ chi phí, người nuôi lãi gần 30 triệu đồng/tấn.

Tăng cường phòng dịch

Gia trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Đồng Văn Khá ở thôn Hoàng Xá, xã Quyết Thắng (Thanh Hà) thường xuyên nuôi gần 100 con lợn thịt và 500 con gà. Giáp Tết là thời điểm quan trọng của người chăn nuôi  nên ông đặc biệt quan tâm đến công tác phòng dịch. "Diễn biến thời tiết cuối năm thất thường, nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng tới hệ miễn dịch của vật nuôi. Do vậy, ngoài tiêm phòng đầy đủ, tôi còn bổ sung thêm một số loại vitamin để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Đồng thời chủ động giữ ấm cho đàn vật nuôi trong các đợt rét", ông Khá cho biết.

Trang trại chăn nuôi trâu bò thịt của hộ anh Nguyễn Văn Nghĩa cũng đang tăng cường phòng chống dịch bệnh. Ngoài những người làm công trong trang trại, anh hạn chế người ngoài ra vào để tránh dịch lây lan. Dọn vệ sinh, thu gom chất thải của trâu bò cũng được thực hiện thường xuyên hơn. "Trước đây, mỗi tuần trang trại chỉ dọn vệ sinh và tiêu độc khử trùng môi trường 1 lần, nay thực hiện 2 lần/tuần. Chất thải sau khi thu gom được vận chuyển đến khu riêng biệt và ủ để làm phân bón cho cây trồng", anh Nghĩa nói.

Theo bà Phạm Thị Đào, Phó Trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong năm nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ chuồng do giá vật nuôi xuống thấp, nhưng các trang trại lớn vẫn duy trì chăn nuôi ổn định. Do vậy, người dân không lo thiếu thực phẩm dịp Tết. Mặc dù vậy, người nuôi cần chú ý phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, bởi khâu vận chuyển sản phẩm động vật giữa các địa phương chưa được kiểm soát triệt để. "Giáp Tết, giá gia súc, gia cầm sẽ cơ bản ổn định như hiện nay và khó có thể tăng đột biến như những năm trước. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, các hộ chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thực hiện tiêm phòng đầy đủ, vệ sinh chuồng trại và kiểm soát việc mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn”, bà Đào nhấn mạnh.

TRẦN HIỀN