Năm nay ăn Tết ở rừng!
Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:48, 05/02/2018
Minh họa: PHÙNG BẢN
Nghe tin ông Hòa bị ung thư, anh em trong hội đồng ngũ cùng vào chiến trường Trị Thiên hẹn nhau đến thăm. Ai cũng nghĩ chắc chắn ông ấy sẽ buồn nên đã chuẩn bị sẵn những lời động viên, nào ngờ...
Giữa không gian nhà quê thoáng mát ông ấy vẫn cười khơ khớ, cái giọng cười không lẫn với ai làm cho mọi người nhìn nhau ngơ ngác.
- Tớ là một người luôn gặp may mắn! Các cậu tưởng đùa à, hôm nay rỗi rãi, chờ bà xã cơm nước, mình giãi bày gan ruột với mọi người.
Vốn là những người bạn lính thân thiết, chuyện của ông Hòa những người ngồi đây đều đã biết, đã nghe...Vậy mà trong cái không khí giao mùa, trong cái hoàn cảnh éo le này ai cũng thấy trân trọng xen lẫn sự thiêng liêng khó nói, như một nốt trầm trong bản nhạc cuộc đời.
*
Hòa là lính cơ công chuyên sửa chữa điện thoại, các máy phát 5W, 15W nên luôn ở sở chỉ huy. Hôm được lệnh xuống đơn vị để sửa chữa máy thì gặp thám báo, một băng AR15 hất cả người cả máy xuống sườn đồi. Nghe tiếng súng, bộ đội gần đấy lao đến đánh địch, đưa Hòa vào viện.
- May thế, lũ thám báo bắn dở quá, cả một băng mà chỉ vào tớ mỗi viên, nó xuyên qua bụng mà chả động gì đến tim, gan, phổi, chỉ thủng mấy lỗ ở ruột, quân y vá víu một lúc là xong! Tớ cứ quần áo chỉnh tề đố ai phát hiện được. Chả thế mà vợ tớ mãi đêm tân hôn mới thấy cái sẹo lằng nhằng trên bụng, truy hỏi mãi mới biết mình là thương binh.
- Ừ thì cứ cho đấy là may mắn, nhưng bố cũng bốc vừa thôi, ở chiến trường bom đạn nó tránh mình chứ mình thì nhờ cả vào hồng phúc tổ tiên!
Sau cái đận ấy Hòa ra Bắc an dưỡng, sức khỏe hồi phục, đang lo chuyện công ăn việc làm thì quê hương gặp một trận lũ lớn. Về đến đầu làng Hòa thấy công nhân xí nghiệp sửa chữa điện tử bán dẫn của tỉnh sơ tán ở quê anh ngụp lặn trong nước bê vác máy móc lên chỗ cao ráo, Hòa lao xuống làm việc cứ như là lẽ đương nhiên, cứ như là việc của chính mình, có lẽ là do đã từng là người thợ nên nhìn thấy máy móc bị ngập nước mà thương, tiếc, mà xông vào. Ông giám đốc chứng kiến từ lúc anh có mặt lao vào chống lũ nên cảm tình lắm! Cũng chả khó khăn gì ông đã biết anh là lính cơ công, thương binh đang xin việc làm, ông đánh tiếng nhận anh, thế là tự nhiên có công ăn việc làm nghiêm chỉnh.
- May thế chứ lỵ, có lẽ họ ưu tiên mình là thương binh thì phải!
- Thôi đi bố ạ! Không có chuyện chống lụt thì còn lâu, may mắn ấy là do mình tạo ra chứ đâu phải trên trời rơi xuống!
Lại đến chuyện vợ con nữa chứ. Ngày ấy đã mang máng cái chuyện da cam da quýt, từ khi vợ chửa Hòa lo lắm! Hòa đã mấy lần sặc sụa trong cái chất độc này khi ở chiến trường Trị Thiên, đã mấy lần phải đái vào khăn mặt rồi úp vào mũi cho đỡ ngột ngạt, anh không nói ra, không ai nỡ hỏi..., cứ ý tứ với nhau như thế. Hôm Hòa xuống sửa chữa máy cho một xã cuối tỉnh, vừa đến giờ nghỉ trưa ông chủ tịch xã thông báo có điện thoại vợ Hòa đã sinh con ở nhà hộ sinh trên phố. Hòa vồ vội lấy chiếc xe đạp của ông chủ tịch, cầm chiếc bánh bao vừa đi vừa gặm, hẹn anh em đầu giờ chiều có mặt làm việc tiếp, anh lao đi trước sự ngơ ngác của mọi người. Trong phòng hộ sinh vợ anh đang thiêm thiếp, con anh đã được quấn tã gọn gàng. Hòa run run mở tã ngắm con, ơn trời đầy đủ cả. Anh nói với vợ vài câu rồi lại vội vã lao đi. Vợ anh hình như đã hiểu nên chỉ mủm mỉm cười.
- Các ông thấy tôi may mắn chưa, đứa thứ hai cũng an toàn. Khi chúng nó trưởng thành, dựng vợ gả chồng xong, lại mang máng nghe tin cái chất độc chết tiệt kia còn ảnh hưởng đến cả thế hệ thứ ba, mà đâu chỉ có nghe, nó đã hiển hiện ở nhiều gia đình của những cựu chiến binh đã từng góp mặt ở chiến trường xưa. Thế là lại lo lắng, lại phấp phỏng chờ, lần lượt hai cháu nội, hai cháu ngoại ra đời an toàn mình mới thở phào nhẹ nhõm, may mắn quá còn gì!
- Anh em mình đều ở chiến trường có chất độc da cam, có nhiều người hoàn cảnh rất thương tâm, ai thoát được là do may mắn chứ ngày ấy mình đã ý thức được tác hại ghê gớm của nó đâu mà phòng tránh, với lại muốn tránh cũng chả được, cả cánh rừng bạt ngàn rụng lá, ăn ở đấy, uống ở đấy, thở ở đấy thì thoát làm sao được. Tôi nghe đâu như là do cơ địa của từng người thì phải, thôi thì cứ gọi là do may mắn cho dễ hiểu.
*
Hiện tại ông Hòa đang có cuộc sống khá ổn định, nói như các cụ là đã đến lúc được sung sướng thì lại đổ bệnh, nghĩ mà thương quá. Thấy ông cứ khơ khớ cười nói như không, mấy anh em không biết bắt đầu câu chuyện như thế nào. Một ông lên tiếng:
- Thế bây giờ ông còn may mắn không?
- Sao lại không! Tôi lạ gì các ông nữa, túi ông nào cũng có cái phong bì đi thăm lão già mắc bệnh hiểm nghèo này, khoan hãy nói động viên, khoan hãy rút tiền ra nhé! Tôi bị ung thư, ai cũng bảo là nhận án tử hình nhưng là được biết trước, mình có thời gian lo liệu, dặn dò con cháu... so với những người bị đột quỵ, xuất huyết não, nhoằng một cái đi luôn thì rõ ràng là mình còn may mắn chán. Với lại tôi năm nay cũng đã ngoài bẩy mươi rồi, bằng tuổi thọ trung bình của người Việt Nam thì có ra đi cũng hợp lẽ tự nhiên thôi! Cái chất độc da cam ngày xưa nó không làm gì được con cháu tôi, bây giờ nó quay lại hành tôi, tôi chấp hết, đấy cũng là một dạng "hy sinh đời bố, củng cố đời con" của cánh lính tráng chúng ta. Hôm nay cũng cuối tháng chạp rồi, nghe trong người tôi biết mình sẽ được thêm tuổi nữa, nếu anh em còn thương tôi thì hãy chấp nhận đề nghị cuối cùng của tôi được không?
- Trong hoàn cảnh này ông đề nghị gì chúng tôi cũng đồng ý!
- Các ông hứa rồi đấy nhé! Mọi việc lo liệu cho Tết nhà nào nhà nấy phải làm xong trước Tết, ngày giáp Tết chúng ta sẽ lên đường vào thăm chiến trường xưa. Năm nay, chúng ta ăn Tết ở rừng! Tôi sợ bây giờ không đi thì chả còn cơ hội nào nữa, cũng phải làm một chuyến quay về thời trai trẻ của mình! Ý tôi đã quyết mong mọi người ủng hộ nhiệt tình!
Mọi người ngớ ra, bất ngờ quá, thì ra ông ấy muốn làm một chuyến dối già.
- Chúng tôi đã nói là làm, nhưng ông không định đi điều trị sao?
- Có chứ, sau Tết mình sẽ đi xạ trị và truyền hóa chất, việc ấy tính sau, đã có bác sĩ lo liệu. Mình cứ tập trung vào chuyến đi cho thật hoàn chỉnh, kinh phí tôi đã tính rồi, khoảng hai mươi triệu là đủ, mình cũng phải tằn tiện, đến tuổi này rồi còn ăn chơi gì mà tốn kém. Các ông có mặt ở đây là chín người, cộng với tôi là mười, vị chi là mỗi ông đóng hai triệu. Bây giờ các ông bóc hết phong bì đi thăm người ốm xem được bao nhiêu sau đó tính tiếp.
Nhoáng một cái những chiếc phong bì đã được thu gọn, số tiền đếm được là mười tám triệu năm trăm ngàn. Ông Hòa lại cười khơ khớ:
- Thế là sắp xuống lỗ tôi vẫn còn may mắn, tôi chỉ phải đóng một triệu rưỡi là đủ số tiền quy định, đã bảo cái số của tôi là như thế mà, các cụ xưa đã có câu "Số giàu mang đến dửng dưng" ngẫm kỹ ra thật là chí lý... khơ... khớ... khơ... khớ...
Truyện ngắn củaNGUYỄN PHÚ NINH