Chấn thương trong thể thao phong trào: Chớ coi thường

Thể thao - Ngày đăng : 15:05, 05/02/2018

Do chưa có kỹ năng và thực hiện không đúng quy trình tập luyện nên nhiều người đã bị chấn thương nặng, có trường hợp đã tử vong ngay trên sân tập.


Nếu không khởi động đúng cách, người chơi thể thao có thể gặp chấn thương

Có thể... mất mạng

Mặc dù đã mấy năm trôi qua nhưng dân chơi bóng đá ở huyện Cẩm Giàng vẫn chưa quên sự việc đáng tiếc xảy ra với một người tên T. Năm 2013, khi đang thi đấu, tự nhiên đồng đội thấy anh T. dừng đá ra ngoài sân bóng ngồi, rồi ngã gục xuống đất. Mọi người chạy đến đưa anh T. đi cấp cứu ngay nhưng anh đã chết khi chưa kịp đến bệnh viện. Năm 2017, khi đang tranh cướp bóng quyết liệt, anh K. ở thôn Ngọ, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) cũng gục xuống chết ngay trên sân.

Ngoài những trường hợp đáng tiếc trên, thời gian qua rất nhiều người đã bị chấn thương trong khi tập luyện, thi đấu thể thao, nhất là ở những môn vận động nặng, di chuyển nhanh, có tính đối kháng như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, quần vợt. Trong đó bóng đá là môn dễ gây chấn thương nhất. Trong một câu lạc bộ bóng đá có đến gần 40% số người chơi thường gặp phải chấn thương như đứt dây chằng, rách cơ, lật cổ chân. Thời gian đã lâu nhưng anh Hoàng Văn Quyết ở đường Ngô Quyền (TP Hải Dương) vẫn chưa hoàn toàn bình phục chấn thương. Anh Quyết chia sẻ: "Cách đây 2 tháng, trong một lần vặn người tranh cướp bóng, tôi cảm thấy chân trái bước đi như bị hụt, sờ vào xương bánh chè như long ra. Tôi liền đi chụp cộng hưởng từ thì phát hiện bị đứt dây chằng chéo trước của chân trái". Anh Quyết đã phải lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (TP Hà Nội) để phẫu thuật, chi phí mất 80 triệu đồng. Để phục hồi hoàn toàn anh Quyết phải mất 6 tháng và phải tích cực tập luyện phục hồi chức năng.

Gặp chấn thương không chỉ tốn kém tiền của mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Anh Nguyễn Xuân Trường ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) cho biết: "Tôi bị đứt dây chằng chéo trước của chân trái. Sau khi phẫu thuật, tôi phải dùng nạng 1 tuần và tiếp tục nẹp đầu gối 1 tháng. Trong mấy tháng trời, tôi phải đi lại nhẹ nhàng và tập luyện phục hồi theo hướng dẫn của bác sĩ. Thế mà đến nay dây chằng chéo của tôi cũng chỉ phục hồi lại được khoảng 80% so với ban đầu".

Đừng coi thường khởi động

Các chấn thương trong tập luyện, thi đấu thể thao phong trào có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng lý do chính là không thực hiện theo đúng quy trình. Hoạt động thể thao chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư đều có ba bước. Đầu tiên là khởi động, sau đó đến trọng động (thời gian tập luyện, thi đấu chính thức) và cuối cùng là thả lỏng, phục hồi.

Theo anh Nguyễn Xuân Long, Phó Trưởng phòng Tập huấn và thi đấu (Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh), hiện nay nhiều người chơi đã quan tâm hơn đến khởi động trước khi tập luyện, thi đấu thể thao. Nhưng phần lớn lại thực hiện không đúng kỹ thuật, không đủ thời gian. Mỗi môn thể thao có kỹ thuật, cách khởi động riêng. Trước khi tập luyện, thi đấu, đa số người chơi mới chỉ làm vài động tác đơn giản như quay khớp chân, tay, vặn người, quay khớp cổ nhưng rất qua quýt. Thậm chí có nhiều người bỏ qua giai đoạn khởi động, ra sân là thi đấu luôn, rất nguy hiểm.

Nguyên nhân chính dẫn đến chấn thương của anh Nguyễn Xuân Trường là vì vội nên đến sân bóng là anh lao vào đá ngay cho kịp giờ chứ không quan tâm đến việc khởi động. Hôm đó trời đã vào mùa đông, các cơ còn co cứng, lại không được làm nóng nên chỉ vào sân được ít phút, khi thực hiện một động tác co chân cao để khống chế bóng anh bị chấn thương ngay. Anh Trường cũng có 2 người bạn chơi bóng chuyền và bóng đá gặp chấn thương trong hoàn cảnh tương tự.

Nếu khởi động tốt, người chơi sẽ hạn chế được rất nhiều chấn thương. Nhất là tránh được tình trạng đột quỵ, đứt dây chằng, vỡ cơ.

Để tránh chấn thương khi tập luyện, thi đấu thể thao, người chơi cần thực hiện nghiêm túc việc khởi động. Nhất là phải dành thời gian thỏa đáng và tìm hiểu để thực hiện những kỹ thuật khởi động phù hợp với môn thể thao mình tham gia. Một bài khởi động phải đạt được các yếu tố làm nóng, trơn các cơ, khớp khởi động. Quan trọng là cổ tay, chân, cổ và kéo dãn các cơ tương đối. Anh Nguyễn Xuân Long cho biết: "Dù mùa đông hay mùa hè, một bài khởi động đạt yêu cầu phải làm cho cơ thể ra được mồ hôi. Nếu khởi động tốt, người chơi sẽ hạn chế được rất nhiều chấn thương. Nhất là tránh được tình trạng đột quỵ, đứt dây chằng, vỡ cơ”. Ngoài ra, trong lúc thi đấu bóng đá, người chơi cần hạn chế những va chạm ngược với chiều chuyển động, bị va chạm từ phía sau. Không chỉ trong quá trình thi đấu mà kể cả khi kết thúc vận động, người chơi cần kiểm soát được cảm giác, cơ thể của mình vì có những chấn thương nhỏ không dễ phát hiện được ngay. Nếu có tình trạng bất thường phải đi kiểm tra ngay để xử lý kịp thời.

DANH TRUNG