Ngâm ủ thóc giống và chống rét cho lúa gieo thẳng

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:58, 08/02/2018

Thời tiết đầu vụ xuân năm nay rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng xấu đến quá trình nảy mầm của thóc giống khi ngâm ủ và các diện tích lúa đã gieo cấy, đặc biệt là lúa gieo thẳng.

Trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại cần dùng nước ấm 54 độ C để ngâm ủ thóc giống

 Để khắc phục điều này, nông dân cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Đối với việc ngâm ủ thóc giống: Để có được lô giống đủ tiêu chuẩn đem gieo, nông dân cần chú ý xử lý nấm bệnh tồn tại trên vỏ trấu bằng dung dịch nước muối 10% trong 20-25 phút. Dùng nước ấm 54 độ C (3 sôi, 2 lạnh) để ngâm thóc giống. Cần sử dụng các vật dụng làm bằng nhựa hoặc chum sành để ngâm, không nên dùng các thùng, xô làm từ nhôm, sắt vì dễ mất nhiệt trong thời tiết giá rét. Nên để chậu thóc ngâm nơi khuất gió, có hơi ấm và thường xuyên chế nước ấm cho thóc giống hút nước được nhanh. Cần theo dõi thời gian ngâm thóc và kiểm tra sức trương của hạt thóc để quyết định đưa thóc vào ủ ấm. Tránh tình trạng ngâm thóc “chưa no” đã đem vào ủ thì thóc rất khó nảy mầm vì quá khô. Thóc no nước đủ điều kiện đem vào ủ là hạt thóc phải căng tròn, vỏ trấu có màu vàng trong, nhìn rõ phôi bên trong và hạt thóc hơi sưng mép.

Trong trường hợp ngâm thóc chưa đủ no khiến cho hạt thóc khi ủ vẫn tiếp tục hút nước nên khô thì nông dân khắc phục bằng cách tãi nhanh thóc giống ra nong, nia rồi vẩy nước ấm đã pha vào thóc giống, đảo đều rồi ủ ấm ngay sau đó. Tuyệt đối không được xách bao thóc giống đem ra ao xấp nước.

Ủ thóc giống khi thời tiết giá rét cần tìm cách tăng nhiệt đến mức tối ưu cho thóc giống (từ 28-30 độ C) bằng cách ủ trong hộp xốp, trong tro bếp, đào hố chôn xuống đất hoặc trong đống rơm rạ... Song cần bảo đảm thóc giống phải có ôxy lưu thông, tuyệt đối không được dùng nilon bọc giống rồi đem ủ.   

- Đối với các diện tích lúa đã gieo thẳng: Để giảm thiểu lượng mạ non bị chết do rét người trồng lúa cần đưa nước vào ruộng khi mạ đã có 1 lá thật trở lên để giữ ấm chân mạ, đồng thời sử dụng tro bếp hoặc các chế phẩm có tác dụng chống rét cho mạ để phun hoặc rắc theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Thực tế cho thấy phân bón qua rễ như: Chế phẩm nấm cộng sinh Rhizomyx, chế phẩm Sông Hồng 001 và phân qua lá DS, Lộc Xuân rất có hiệu quả giữ ấm chân mạ, kích thích rễ mạ phát triển tốt hơn, giúp mạ nhanh hồi phục sau bất lợi thời tiết.  

* Lưu ý: Tuyệt đối không nên sử dụng các chế phẩm có chứa các chất kích thích sinh trưởng như GA3, NAA… để phun cho mạ. Các chế phẩm này sẽ kéo dài thân, lá mạ làm mạ nhanh dài thân lá nhưng lại làm mỏng, mềm thân lá, thậm chí cây mạ giống như lúa von, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của lúa.

Duy trì liên tục mực nước thích hợp trong ruộng lúa gieo (kể từ khi mạ có 2 lá) để lúa chống rét và sinh trưởng tốt hơn.

KS. TRẦN THỊ LIÊN(Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)