Bao giờ Hải Dương có đội bóng đá chuyên nghiệp?
Thể thao - Ngày đăng : 11:05, 08/02/2018
Hải Dương là “cái nôi” đào tạo bóng đá nhi đồng, nơi sản sinh ra rất nhiều cầu thủ tài năng. Nổi bật hiện nay là 4 cầu thủ của đội tuyển U23 Việt Nam vừa giành ngôi á quân tại Giải U23 châu Á 2018 gồm: Văn Thanh, Đức Huy, Văn Toàn, Trọng Đại. Tuy nhiên nhiều năm qua, tỉnh ta lại không có đội tham dự giải chuyên nghiệp quốc gia. Phóng viên Báo Hải Dương đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh về vấn đề này.
Giám đốc Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao tỉnh Vũ Đình Thịnh
- Chẳng lẽ với bóng đá, Hải Dương mãi chỉ dừng ở lứa tuổi nhi đồng, không chịu "lớn", thưa ông?
- Không đúng. Nói như vậy là mọi người chưa hiểu đầy đủ về bóng đá Hải Dương. Người dân tỉnh ta có truyền thống yêu bóng đá. Không phải đến bây giờ mà khoảng năm 1960, chúng ta đã có lứa cầu thủ rất tài năng từng thi đấu trong màu áo đội tuyển quốc gia như: Lê Thế Thọ, Phùng Mạnh Ngọc, Phạm Ngọc Khánh… Năm 1980, Hải Dương đã có đội bóng thi đấu ở hạng A cấp quốc gia. Sau này, do nhiều nguyên nhân mà đội bóng đá Hải Dương giải thể.
Hiện nay, chúng ta vẫn liên tục phát hiện, tuyển chọn, đào tạo những lứa cầu thủ tài năng. Khá nhiều cầu thủ trưởng thành từ Trung tâm Đào tạo, huấn luyện thể thao Hải Dương đang chơi tại V-League và thi đấu thành công trong màu áo đội tuyển quốc gia. Văn Thanh, Đức Huy, Văn Toàn, Trọng Đại là những ví dụ.
- Chúng ta có nhiều cầu thủ bóng đá tài năng như vậy mà lại chưa thành lập được đội bóng chuyên nghiệp, đó có vẻ là một nghịch lý?
- Để xây dựng một đội bóng đá chuyên nghiệp cần số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Kinh phí đủ mạnh mới đầu tư xây dựng được khu liên hợp thể thao đạt tiêu chuẩn để đội bóng tập luyện, thi đấu… Theo tôi hiểu, kinh tế của tỉnh ta mặc dù đã có bước phát triển nhưng nhìn chung còn khó khăn, phải ưu tiên cho các lĩnh vực cần thiết khác trước nên chưa đủ điều kiện để đầu tư xây dựng một đội bóng đá chuyên nghiệp.
Muốn tham dự được giải đấu chuyên nghiệp như V-League lại cần có một khoản kinh phí tài trợ khoảng 30 tỷ đồng mỗi năm để đầu tư trang phục, trả lương cho đội ngũ huấn luyện viên, các cầu thủ… Ở tỉnh ta hiện tại chưa có doanh nghiệp nào dám bỏ ra số tiền lớn như vậy để làm bóng đá. Ngoài ra, muốn thành lập đội bóng cần nhiều huấn luyện viên giỏi chuyên môn, mà điều này thì không hề dễ dàng.
- Nói như vậy thì tỉnh ta khó mà thành lập được đội bóng đá chuyên nghiệp?
- Chủ trương của tỉnh ta hiện nay là tiếp tục đầu tư cho bóng đá trẻ. Cụ thể là tuyển chọn, đào tạo lứa cầu thủ U11, U13 để phục vụ đội tuyển của tỉnh, vừa cung cấp những tài năng cho các đội bóng chuyên nghiệp và đội tuyển quốc gia. Tỉnh ta sẽ thành lập đội bóng đá chuyên nghiệp khi nào hội đủ điều kiện như tôi nói ở trên.
- Trân trọng cảm ơn ông!
BÌNH MINH(thực hiện)