Lo vì số lượng giáo sư tăng đột biến

Chính trị - Ngày đăng : 09:15, 09/02/2018

1.226 là con số ứng viên vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn phó giáo sư (PGS), giáo sư (GS) năm 2018.

Con số này cao kỷ lục trong suốt lịch sử 41năm Nhà nước ta tổ chức xét phong, công nhận đạt tiêu chuẩn PGS, GS, gần bằng số lượng của cả hai năm 2016 và 2015 cộng lại. Việc tăng đột biến một cách bất thường không khỏi làm nảy sinh nhiều lo lắng, băn khoăn.

Lý giải với báo giới, GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh GS cho biết thời gian xét công nhận hai loại học hàm này tăng thêm nửa năm so với những đợt trước nên số lượng người đạt chuẩn tăng cao. Nghe qua thì có vẻ hợp lý song nửa năm không phải quãng thời gian quá dài, trong khi tiêu chuẩn để được công nhận GS, PGS cần được tích lũy trong cả quá trình chứ không thể ngày một ngày hai.

Nguyên nhân quan trọng hơn cả là do đây là đợt cuối cùng xét GS, PGS theo quyết định cũ. Từ năm 2019, tiêu chuẩn cho các học hàm được tăng lên, đồng nghĩa với việc khó đạt hơn, nhất là trong tiêu chuẩn số lượng bài báo đăng trên các tạp chí khoa học uy tín của quốc tế. Vì vậy, nhiều người cố gắng nộp đơn xét công nhận đợt này. "Chuyến tàu vét" học hàm thật cồng kềnh về số lượng song chất lượng chưa thực sự bảo đảm khi 53% số PGS, 34% số GS được công nhận đợt này không có công trình nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế.

Việc cố gắng có được học hàm với mức độ đạt các tiêu chí thấp thể hiện tâm lý háo danh, yếu tố có thể tạo ra lực cản đối với hoạt động nghiên cứu khoa học vốn cần sự kiên trì và thầm lặng. Đồng thời cũng phản ánh chất lượng đội ngũ này chưa thật sự đồng đều nên nhiều người mới "sợ" không đạt được các tiêu chí theo quy định mới. Trong số những người được xét PGS, GS đợt này, liệu có ai cảm thấy chạnh lòng cho những người sau này sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều mới đạt được học hàm hay chỉ có những tiếng thở phào nhẹ nhõm?

Tương phản với số lượng PGS, GS tăng và lời cam kết bảo đảm về chất lượng của Hội đồng chức danh GS là thực tế các sáng chế phục vụ cộng đồng của các PGS, GS không nhiều. Trong khi một số nông dân đã có những sáng chế thực sự hữu ích cho cuộc sống. Điển hình như anh Phạm Văn Hát ở Tứ Kỳ mới chỉ học hết lớp 7 nhưng đã sáng chế ra nhiều máy nông nghiệp xuất khẩu đi nhiều quốc gia và tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Sự tương phản ấy khiến học hàm PGS, GS ở nước ta nặng về lý thuyết và hình thức. Sự gia tăng số lượng PGS, GS chưa thực sự đồng hành cùng sự phát triển của các nghiên cứu, sáng tạo. Những điều này khiến một số người có đóng góp thực sự cho nền khoa học lại không muốn nộp hồ sơ đề nghị xét học hàm.

Tuy có những lùm xùm song đợt xét PGS, GS "lịch sử" này đã kết thúc. Chúng ta chỉ có thể hy vọng từ năm 2019, đội ngũ PGS, GS theo tiêu chuẩn mới sẽ ngày càng tiệm cận với chất lượng nghiên cứu khoa học của thế giới. Và quan trọng hơn cả là những công trình của họ không còn nằm yên trên giấy mà phải bước chân xuống đồng ruộng, công trường, nhà máy...  phục vụ hữu ích sản xuất, đời sống của người dân.


LAM ANH