Mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn: Cầu nối giúp nhiều nông dân thoát nghèo
Kinh tế - Ngày đăng : 15:35, 13/02/2018
Gia đình anh Đỗ Văn Ban ở thôn Xuân Kiều, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) đã sử dụng nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư chăn nuôi bò khá hiệu quả
Các tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) ra đời đã giúp nhiều hội viên nông dân phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Dẫn chúng tôi về thăm thôn Xuân Kiều, xã Đức Chính (Cẩm Giàng), ông Trần Văn Hiếu, Chủ tịch HND xã phấn khởi cho biết hiện Đức Chính có 9 mô hình tổ TKVV với hơn 200 hộ nông dân tham gia, tổng dư nợ hơn 10 tỷ đồng. 3 năm trước, cuộc sống của gia đình anh Đỗ Văn Ban (46 tuổi) chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên nhiều năm liền không thoát nghèo. Năm 2015, sau khi tham gia vào tổ TKVV của thôn Xuân Kiều, anh đã dùng 50 triệu đồng được vay để nuôi bò và trồng cây cà rốt. Từ khi có vốn và được tham gia các lớp dạy nghề chăn nuôi, trồng trọt, anh đã tích lũy được nhiều kiến thức áp dụng vào sản xuất. Nhờ thế, đàn bò của gia đình anh sinh trưởng tốt. Đến nay, anh đã có 4 con bò bố mẹ và 2 con bê; mỗi năm anh thu lãi gần 30 triệu đồng từ hơn 2 sào cà rốt. Gia đình anh hiện đã thoát nghèo và tiếp tục vay vốn để đầu tư sản xuất nông nghiệp.
Cuộc sống của gia đình ông Nguyễn Bá Chanh (67 tuổi) ở thôn Động Trạch, xã Hồng Phong (Ninh Giang) cũng được cải thiện nhờ nguồn vốn của tổ TKVV thôn. Trước đây, ngoài diện tích ruộng ít ỏi để cấy lúa, toàn bộ sinh hoạt của gia đình ông chỉ phụ thuộc vào nghề mộc truyền thống nhưng thu nhập thấp. Năm 2010, sau khi tham gia vào tổ TKVV, được vay 86 triệu đồng, ông mua sắm máy móc, thiết bị, mở rộng nhà xưởng sản xuất đồ gỗ trên diện tích 800 m2. Nhờ sự đầu tư này, gia đình ông sản xuất được những sản phẩm tinh xảo, đẹp hơn, được người dân ưa chuộng và đặt hàng thường xuyên. Gia đình ông hiện thu lãi hơn 50triệu đồng/năm, có điều kiện cải thiện đời sống hơn hẳn trước kia.
Hiện nay, toàn xã Hồng Phong có 81 hội viên tham gia sinh hoạt ở 4 tổ TKVV với tổng dư nợ hơn 10 tỷ đồng. Các thành viên đều tích cực sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế, thoát nghèo và làm giàu bền vững. Mỗi năm có khoảng 10 hộ nông dân thoát nghèo, sản xuất dần ổn định và bước đầu có lãi.
Đó chỉ là một số ví dụ cụ thể của việc sử dụng nguồn vốn vay từ tổ TKVV hiệu quả. Trong toàn tỉnh còn có hàng nghìn hộ nông dân đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn này. 15 năm qua, HND tỉnh đã thành lập được 1.035 tổ TKVV với tổng dư nợ tính đến hết năm2017 đạt hơn 821 tỷ đồng cho 27.217 hộ nông dân vay. Hội viên tham gia tổ TKVV được vay mức thấp nhất 8triệu đồng, cao nhất là 50triệu đồng. Thời gian vay kéo dài từ 4-5năm với lãi suất từ 0,55-0,75%/tháng.
Từ nguồn vốn này, nhiều hội viên đã xây dựng được các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, phát triển nghề truyền thống hiệu quả; tiêu biểu là các huyện Tứ Kỳ (3.214 hộ vay với tổng số tiền hơn 94 tỷ đồng), Kim Thành (2.783 hộ vay hơn 80 tỷ đồng), Gia Lộc (có 2.410 hộ vay hơn 76 tỷ đồng)...
Để phát huy hiệu quả, việc quản lý vốn vay được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định. Vào các buổi sinh hoạt hằng tháng, các thành viên của các tổ TKVV được thông báo rõ ràng số tiền, đối tượng cho vay cũng như đôn đốc, nhắc nhở các hộ trả lãi đúng hạn. Các thành viên cũng thường xuyên trao đổi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm để giúp nhau sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập.
Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý nguồn vốn này, ông Đào Duy Đực, Tổ trưởng tổ TKVV thôn Xuân Kiều cho biết thôn hiện có 37 hội viên tham gia vay vốn với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Để việc sử dụng vốn của hội viên đạt hiệu quả, các tổ TKVV luôn tuyên truyền để hội viên nắm rõ các quy định cũng như phổ biến kiến thức xã hội, tổ chức trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất. "Trước mỗi đợt giải ngân, các tổ tiến hành bình xét công khai, dân chủ nhằm lựa chọn đúng và trúng đối tượng cần hỗ trợ. Đặc biệt ưu tiên hộ cận nghèo, hộ nghèo nhằm giúp họ sớm thoát nghèo”, ông Đực nói.
ĐỨC TÂM