Tết về Trường Thành, ăn giò lây
Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 09:17, 16/02/2018
Món ăn truyền thống
Làm giò lây đơn giản nhưng rất ngon
Năm nay đã 89 tuổi, nhưng ông Nguyễn Doãn Mạnh ở xóm 5 thôn Phù Tinh cũng không biết món giò lây có ở Trường Thành từ khi nào. Ông chỉ nhớ khi còn nhỏ được theo cha đi chúc Tết, dự hội làng, ông đã được thưởng thức món ăn này.
Giò lây nhất thiết phải có trong dịp Tết hay các dịp lễ trọng trong năm của xã Trường Thành. “Những năm trước đây đất nước còn nghèo, thực phẩm khan hiếm, chỉ đợi đến dịp Tết mới được ăn món giò lây. Nhà nào dù kinh tế khó khăn đến mấy cũng phải làm 1-2 cái giò để ăn Tết. Ở quê tôi thì có giò lây mới có Tết”, ông Mạnh nói.
Thịt làm giò lây là thịt ba chỉ từ con lợn khoảng 50 - 60 kg thì ngon nhất. Như vậy thịt mới mềm và dễ bó, nếu lợn to khó bó, ăn không ngon. Ở xã Trường Thành, món giò lây được làm nhiều nhất ở thôn Phù Tinh. Hầu hết mọi người trong thôn từ già đến trẻ đều biết làm món giò này. Giò lây luôn có trong mâm cơm trong ngày Tết của mọi nhà, trong dịp lễ hội làng hay lễ khấn tổ của các dòng họ, để thể hiện lòng kính nhớ ân đức của tổ tiên, cầu mong làm ăn thuận lợi, sức khỏe dồi dào...
Ông Nguyễn Doãn Quang (60 tuổi) ở thôn Phù Tinh cho biết nguyên liệu làm giò phải chọn loại thịt lợn ba chỉ ngon, nguyên khối, có 3 tầng đều nhau, trọng lượng từ 2 - 3 kg. Thịt sau khi được rửa sạch để ráo nước, đặt lên mâm hoặc thớt, dùng dao khía nhiều đường bên trong miếng thịt. Sau đó rắc một ít bột canh, mì chính, tiêu lên rồi sát đều cho miếng thịt và ướp khoảng 30 phút. Để giúp miếng giò lây thêm thơm ngon và đẹp mắt, người làm giò dùng một ít mộc nhĩ thái nhỏ trộn đều với trứng tráng mỏng. Sau khi đặt trứng vào, dùng tay cuộn tròn miếng thịt lại để phần bì ở bên ngoài. Trứng và gia vị được cuộn lại bên trong, rồi dùng lạt hoặc dây nilon buộc chặt để cố định miếng thịt.
Dùng một tấm bao dứa cắt vuông, rửa sạch, có lót lá chuối tươi và cuộn lại sao cho kín toàn bộ miếng giò rồi đem đi luộc. Nước luộc giò phải đun sôi trước rồi mới cho giò vào, đun nhỏ lửa từ 3 tiếng rưỡi đến 4 tiếng để giò được mềm rồi vớt ra để nguội. Nếu trời lạnh, giò có thể để bên ngoài, nhưng nếu thời tiết nóng phải cho vào ngăn mát tủ lạnh, hôm sau mới ăn được.
Đậm đà hương vị Tết
Giò lây hợp ăn kèm với dưa chua
Trong những ngày cuối năm, không khí chuẩn bị cho tết ở xã Trường Thành rất nhộn nhịp. Các gia đình cùng chung nhau đụng lợn, ngoài phần thịt để gói bánh chưng và ăn trong những ngày Tết, thì phần thịt ba chỉ ngon nhất sẽ được làm giò lây. Bên cạnh nồi bánh chưng trên bếp than hồng là nồi luộc giò lây cũng bốc khói nghi ngút, thoang thoảng hương thơm. Giữa cái rét ngọt của tháng củ mật, ngồi bên bếp lửa trông nồi bánh chưng, luộc giò, mới thấy Tết đang đến gần thật gần.
Khi ăn, giò thái ra thành từng khoanh và cắt làm nhiều phần bày ra đĩa. Giò lây ngon nhất là ăn kèm với dưa, hành muối, chấm mắm tép. Giò có thể ăn với cơm, bánh chưng, hoặc xôi đều hợp. Vị béo ngậy của thịt, quện với mùi thơm của tiêu, giòn của mộc nhĩ, tạo nên một hương vị đậm đà. Nếu như trong những ngày Tết khi đã quá ngán với những món ăn truyền thống, thì giò lây được xem là một lựa chọn lý tưởng để thay đổi khẩu vị.
ĐỨC ANH